Quân nhân dự bị- sẵn sàng khi có lệnh

06:10, 25/10/2016

Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh Dự bị động viên (DBĐV), tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức tạo nguồn, đào tạo, đăng ký, quản lý, bổ nhiệm,... đúng trình tự. Quân nhân dự bị được sắp xếp vào các đơn vị DBĐV đúng nguyên tắc, sẵn sàng huy động khi có lệnh.

 

Thực hành tiếp nhận quân nhân dự bị.
Thực hành tiếp nhận quân nhân dự bị.

Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh Dự bị động viên (DBĐV), tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức tạo nguồn, đào tạo, đăng ký, quản lý, bổ nhiệm,... đúng trình tự. Quân nhân dự bị được sắp xếp vào các đơn vị DBĐV đúng nguyên tắc, sẵn sàng huy động khi có lệnh.

 

Trên 125.000 quân nhân dự bị

Theo UBND tỉnh, việc đăng ký, quản lý nguồn là nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng lực lượng DBĐV, nên thời gian qua đã chỉ đạo thực hiện chặt chẽ việc này.

Trong đó phải nắm chắc những thay đổi về tình hình kinh tế, chính trị, hoàn cảnh gia đình của từng quân nhân dự bị để sắp xếp vào biên chế các đơn vị DBĐV. Đặc biệt là những năm gần đây, các địa phương đã tổ chức tốt việc đón tiếp quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương để đăng ký vào ngạch dự bị.

Qua những lần tổng điều tra quân nhân dự bị vào các năm 1995, 1999, 2005 và tổng phúc tra nắm nguồn theo hướng dẫn của Quân khu 9, nhìn chung việc đăng ký, quản lý, nắm nguồn đã được thực hiện đúng quy định, nắm chắc số lượng quân nhân dự bị. Đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký và quản lý trên 125.000 quân nhân dự bị, trên 7.900 phương tiện kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên- Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, hàng năm, việc đăng ký, quản lý kết hợp với các đơn vị nhận quân tổ chức phúc tra, thay thế, kiện toàn biên chế quân nhân dự bị đảm bảo số lượng, chất lượng không chỉ trong thời bình mà phải đáp ứng khả năng huy động khi xảy ra chiến tranh.

Đối với xã Loan Mỹ (Tam Bình)- nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đã xây dựng được 1 đại đội trinh sát và 1 trung đội dân DBĐV. Hàng năm, phối hợp với Trung đoàn Bộ binh 890 phúc tra, điều chỉnh biên chế kịp thời.

Ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cho biết, việc tuyên truyền Pháp lệnh DBĐV được tổ chức thường xuyên, đến từng cá nhân nên việc huy động tập huấn, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên luôn đảm bảo quân số.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự, sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh DBĐV, tỉnh Vĩnh Long đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sẵn sàng huy động khi có lệnh.

Trong đó, đã xác định được trạm tập trung chính thức, dự bị và các trạm tiếp nhận DBĐV; chuẩn bị mệnh lệnh động viên trong từng trạng thái chiến đấu và sẵn sàng ra lệnh động viên trong mọi tình huống. Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch huy động thêm quân nhân dự bị để kết hợp huấn luyện với diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng chống lụt bão,…

Vẫn còn bất cập

Sự ra đời của Pháp lệnh DBĐV đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng toàn dân nhưng cũng còn không ít bất cập. Do chưa thống nhất với một số luật như Luật Cư trú, Luật Dân quân tự vệ, Luật Nghĩa vụ quân sự,… nên việc đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của quân đội còn không ít khó khăn.

Pháp lệnh vẫn chưa có quy định cụ thể trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và ban ngành đoàn thể trong việc xây dựng lực lượng DBĐV nên hiện vẫn do quân đội đảm nhận.

Trong đó, khó khăn nhất hiện nay là đa số quân nhân dự bị chưa có việc làm ổn định, lại phân tán trên địa bàn rộng, trong đó số làm việc ngoài tỉnh chiếm trên 80% (có 60% quân nhân dự bị đã xếp vào các đơn vị DBĐV).

Cụ thể như việc tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, nhất là những quân nhân dự bị đang làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có trường hợp không giải quyết cho quân nhân dự bị về địa phương thực hiện nhiệm vụ hoặc nếu được thì khi trở lại công ty phải làm lại hợp đồng mới.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, thì điều này đã gây rất nhiều khó khăn trong việc huy động quân nhân dự bị để thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị DBĐV.

Bên cạnh, một số quân nhân là đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương không được bố trí việc làm phù hợp chuyên môn, cộng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên phải đi làm ăn xa ở các công ty, xí nghiệp ngoài tỉnh.

Nơi này không có tổ chức Đảng, quân nhân dự bị lại không được phép về sinh hoạt tại địa phương nên có trường hợp buộc phải khai trừ khỏi tổ chức Đảng.

Đồng ý kiến trên, ông Lê Ngọc Đức cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với lực lượng DBĐV phù hợp với tình hình mới, nhất là trong thời gian tập trung huấn luyện, đảm bảo khuyến khích được sự tích cực của quân nhân dự bị.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, thực hành kiểm tra sẵn sàng động viên, tiếp nhận quân nhân dự bị qua trạm và bắn đạn thật để nâng cao trình độ và năng lực toàn diện của lực lượng này.

 

Đến nay, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự đã hỗ trợ và vận động kinh phí hơn 6,4 tỷ đồng, xây dựng 255 căn nhà cho các quân nhân dự bị có hoàn cảnh khó khăn.

 

Đồng thời, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, từ đó quân nhân dự bị có điều kiện tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp thiết thực vào các hoạt động xã hội ở địa phương.

 

 

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TRƯỜNG CHINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh