Những ngày qua, khu vực Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên thuộc một số huyện của các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An đã có lũ về.
Nước ngọt đầy sông ngập phố, ta vẫn chưa tận dụng được, để mùa hạn lại phải đi “mót” từng bình. |
Phòng tránh hạn, mặn lên bàn nghị sự
Mấy ngày nay Nam Bộ có mưa nhiều, nhưng hiện đã đến lúc gió mùa Tây Nam sắp chuyển hướng, mưa sẽ giảm dần và mùa nắng lại trở về đồng bằng theo chu kỳ của thời tiết.
Tình hình này đồng nghĩa với việc các tỉnh ĐBSCL tiếp tục phải đối mặt với nắng hạn và xâm nhập mặn vào đầu năm 2017, nhưng mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đâu còn tùy thuộc vào công tác dự báo và ý thức chủ động phòng tránh của con người.
Gần đây, các cuộc hội nghị, hội thảo cấp vùng tại Cà Mau và Cần Thơ do Chính phủ, BCĐ Tây Nam Bộ, lãnh đạo các tỉnh trong vùng phối hợp tổ chức nhằm huy động ý kiến của các nhà nghiên cứu khoa học tìm ra giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai hạn, mặn vùng ĐBSCL cho trước mắt cũng như lâu dài.
Vấn đề cần giải quyết về lâu dài là làm sao để ĐBSCL phát triển bền vững trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt.
Các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp sống chung với hạn, mặn, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chọn hướng sản xuất thâm canh những cây trồng, vật nuôi theo các hệ thống canh tác làm giàu bền vững tại vùng nhiễm mặn, có cách nhìn tổng thể về toàn bộ hệ thống của vùng và tránh việc từng địa phương phát triển riêng mà không quan tâm mức độ ảnh hưởng của nhau.
Ý kiến tâm huyết sớm đi vào cuộc sống
Theo TS. Dương Văn Ni- giảng viên Khoa Môi trường Trường ĐH Cần Thơ, trong trường hợp lũ nhỏ thì dự báo tình hình hạn, mặn năm tới cũng sẽ diễn ra gay gắt.
Giải pháp phòng tránh hạn, mặn cho đồng bằng, ở một kênh thông tin khác, ông Nguyễn Văn Sơn- chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL- đã đề xuất một giải pháp nước cho ĐBSCL.
Theo ông, một quốc gia có 4 loại cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản là mạng lưới giao thông, điện, nước và thông tin liên lạc.
Hiện nay, mạng lưới giao thông, điện, thông tin liên lạc ĐBSCL tạm gọi là đầy đủ thì mạng lưới nước, điều kiện để tạo sự ổn định cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, hiện vẫn chưa được đầu tư đúng mức.
Con số 11/13 tỉnh- thành bị ảnh hưởng bởi hạn hán và nước mặn xâm nhập, làm nửa triệu hecta lúa bị mất mùa và hàng triệu người đang thiếu nước ngọt sinh hoạt đã cho thấy chúng ta không thể phụ thuộc vào hệ thống nước tự nhiên nữa mà cần những biện pháp tổng thể, lâu dài.
Do vậy, việc xây dựng mạng lưới nước tại một số địa phương cần được khẩn trương đầu tư. Ngoài việc tận dụng các kinh rạch đã có, xây dựng các kinh rạch, vùng chứa để trữ nước ngọt, cần xây dựng một hệ thống ống dẫn nước ngọt thô từ các con sông lớn đến các khu vực nhiễm mặn nặng.
Đây là giải pháp vừa đảm bảo nước cho nông nghiệp, ngăn mặn, vừa là nguồn cung nước ngọt cho các nhà máy cấp nước phục vụ công nghiệp và cư dân.
Theo ông, từ lâu chúng ta quy hoạch sản xuất, thủy lợi thiên về phục vụ trồng lúa, nay đã đến lúc cần thay đổi tư duy của ngành nông nghiệp.
Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng cần hướng đến một nền nông nghiệp có năng suất và chất lượng cao, có giá trị cao hơn.
Thực tế, ĐBSCL chỉ cần đảm bảo nước ngọt cho 1 triệu hecta chuyên canh lúa năng suất cao, chất lượng cao cũng đủ để tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo các nhà khoa học, ĐBSCL cần có tầm nhìn mới về quy hoạch và quản lý để thích ứng với biến đổi khí hậu. Cần tạo vùng trữ nước lũ dọc các sông, kinh chính và các vùng bảo tồn.
Ở các khu vực này không bố trí dân cư sinh sống mà tận dụng làm khu sinh thái, nuôi trồng thủy sản kết hợp tạo cảnh quan và phát triển du lịch.
Ths. Kỷ Quang Vinh- Chánh Văn phòng Điều phối Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ cho rằng để xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thì phải tìm cách để chủ động được nguồn nước mặt bằng các phương pháp như xây dựng các hồ chứa, vùng chứa lũ đồng thời dự trữ nước ngầm.
Thậm chí, chúng ta cần phải có các nhà máy để biến nước biển tại các vùng mặn thành nước ngọt để chủ động được nguồn nước trong tương lai.
Sau cuộc họp tại TP Cần Thơ hồi đầu tháng 3/2016 về công tác chống xâm nhập mặn cho các tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương đối với các địa phương khó khăn, bị ảnh hưởng nặng do xâm nhập mặn để lắp đặt thêm hệ thống đường ống dẫn nước ngọt, vận hành hệ thống kiểm soát mặn, đắp đập tạm, khoanh vùng ngăn mặn, giữ nước ngọt, vận chuyển nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân.
Diễn biến và tác động của thiên tai trước mắt cũng như lâu dài đã rõ, mọi cấp mọi ngành cần có tư duy và chương trình hành động mới để phòng tránh và thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt một cách căn cơ.
Thực tế cuộc sống, đang chịu nghịch lý: Tại sao nói sống chung với lũ mà cứ ngăn dòng đẩy lũ đi xa? Sống chung với hạn, mặn mà phải ngăn mặn, tiếp ngọt để trồng lúa? Lúc nước lũ tràn sông, mưa ngập phố lại không tận dụng được, để rồi sang mùa khô phải đi tìm nước ngọt từng bình?
Nếu kịch bản hạn hán khốc liệt hơn, nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài hơn, nguồn nước nào cho hệ thống cấp nước phục vụ dân sinh?
Điều này cần sớm được tính đến, nếu như lúc nào đó có hàng triệu người không nước sinh hoạt thì sự ổn định xã hội sẽ khó lường. Nhiều người dân đã khẳng định: “Ba ngày không điện, không khổ bằng một ngày không nước!”
Nên việc “Giữ nước khi nước chưa nguy”; “phòng, tránh hạn, mặn ngay khi lũ còn!” phải được coi là phương châm ứng xử sống còn của mỗi chúng ta trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Tổng hợp chưa đầy đủ của các địa phương, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL, sau ảnh hưởng hạn, mặn đầu năm 2016, có đến hơn 390.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Về sản xuất, có hơn 240.000ha lúa, hơn 18.000ha hoa màu, hơn 55.600ha cây ăn quả và hơn 100.000ha cây công nghiệp bị thiệt hại do thiếu nước. Thiệt hại đối với thủy sản là hơn 4.600ha. Theo ước tính, tổng số tiền thiệt hại khoảng trên 5.570 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: TRẦN ÚT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin