Nhiều điểm mới trong xây dựng nông thôn mới

05:10, 05/10/2016

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016- 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020 số xã đạt chuẩn NTM khoảng 50%. 

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016- 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020 số xã đạt chuẩn NTM khoảng 50%.

Trong đó, ĐBSCL 51%; miền Đông Nam Bộ 80%; Đồng bằng sông Hồng 80%; Bắc Trung Bộ 59%; duyên hải Nam Trung Bộ 60%; Tây Nguyên 43%; miền núi phía Bắc 28%. Khuyến khích mỗi tỉnh- thành trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM.

Những chỉ tiêu quan trọng

Triển khai xây dựng nông thôn mới luôn được hầu hết người dân đón nhận và nhiệt tình đóng góp công sức.
Triển khai xây dựng nông thôn mới luôn được hầu hết người dân đón nhận và nhiệt tình đóng góp công sức.

Mục tiêu của chương trình đề ra phấn đấu đến cuối năm 2020 bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí (TC); cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn như: giao thông, trường học, điện, trạm y tế, nước sinh hoạt,…

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; sẽ tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.

Theo BCĐ Trung ương, trong 11 nội dung thành phần của chương trình, cần tập trung vào 4 nhóm chủ yếu là: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã; thực hiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bảo vệ và cải thiện môi trường; giữ vững và tăng cường an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn.

Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, cần lựa chọn nội dung phù hợp với kế hoạch nâng cao chất lượng các TC để tiếp tục phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

Phấn đấu thực hiện 19 TC

Vĩnh Long rất nỗ lực để sớm đạt tiêu chí trường học.
Vĩnh Long rất nỗ lực để sớm đạt tiêu chí trường học.

Về quy hoạch xây dựng NTM, tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2018, 100% xã đạt TC quy hoạch và thực hiện quy hoạch.

Đến năm 2020, về phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội, có ít nhất 55% xã đạt TC giao thông; 100% xã đạt TC điện; 95% dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 60% sử dụng nước sạch đạt chuẩn của Bộ Y tế; 100% trường học và trạm y tế xã có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% xã đạt TC trường học; 90% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT; 75% xã đạt TC cơ sở vật chất văn hóa, 80% xã có trung tâm văn hóa, thể thao xã, 70% ấp có nhà văn hóa- khu thể thao;…

Về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, cần tập trung triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, chú ý tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực có lợi thế của địa phương, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp.

Đồng thời tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn sản xuất, chế biến nông sản tạo nhiều giá trị gia tăng.

Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành mục tiêu có 80% xã đạt TC thu nhập và TC có việc làm thường xuyên, 85% xã đạt TC hình thức tổ chức sản xuất.

Về giảm nghèo và an sinh xã hội, sẽ có 60% số xã đạt TC hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016- 2020. Có 80% xã đạt TC giáo dục; 70% xã đạt TC y tế; 75% xã đạt TC văn hóa.

Về vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề, trong đó sẽ thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020, cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn.

Cần xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn theo quy hoạch; thu gom và xử lý chất thải, nước thải, cải tạo nghĩa trang; xây dựng cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Phấn đấu hết giai đoạn 5 năm này, có 70% xã đạt TC môi trường, 75% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Để đạt được những mục tiêu nói trên, song song đó, đến năm 2020 cũng phải hoàn thành được 95% số xã đạt TC 18 về hệ thống tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh.

Tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội; đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội địa bàn nông thôn; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, phấn đấu có 98% xã đạt TC 19 về quốc phòng và an ninh.

Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp thực hiện chương trình giai đoạn 2016- 2020 tối thiểu là 193.156,6 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương trên 63.155 tỷ đồng, ngân sách địa phương 130.000 tỷ đồng.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngoài phần vốn ấn định này, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục cân đối ngân sách hỗ trợ thêm và có các giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình. Nhưng đặc biệt, không được huy động quá sức dân, nhất là những địa phương còn nghèo.

Đến tháng 6/2016 Vĩnh Long có 100% xã đạt các TC: quy hoạch, bưu điện, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế; 90% xã trở lên đạt các TC: điện, hộ nghèo, an ninh trật tự xã hội; 80% xã trở lên đạt đối với các TC: chợ nông thôn, văn hóa; 70% xã đạt TC: Tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; 50% xã trở lên đạt các TC: thủy lợi, thu nhập, môi trường. 3 TC còn phải phấn đấu cao trong thời gian tới: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư. Bình quân cả nước đạt 13,1 TC/xã; Vĩnh Long đã đạt 14,5 TC/xã.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh