Mấy chú cao tuổi trong xóm "khoe" sân chơi của chúng tôi gọn lắm, chỉ quanh cái bàn trà có vẽ bàn cờ tướng này thôi. Vui buồn mưa nắng gì cũng nhiêu đó.
Mấy chú cao tuổi trong xóm “khoe” sân chơi của chúng tôi gọn lắm, chỉ quanh cái bàn trà có vẽ bàn cờ tướng này thôi. Vui buồn mưa nắng gì cũng nhiêu đó.
Đem câu hỏi “sân chơi” tới các bà, các cô đã nghỉ hưu, cao tuổi. Người năng động thì cho biết chỉ có một sân chơi là… đi tập dưỡng sinh. Siêng thì đi ngày 2 lượt sáng- tối, không thì tuần vài buổi chiều.
Còn người ít sinh hoạt tổ nhóm, đoàn hội thì nói rằng không hề biết “sân chơi” là cái gì. Suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà làm công việc lặt vặt, chờ con cháu đi học, đi làm về xúm xít coi truyền hình rồi… đi ngủ.
Có chút trái ngược nếu so đô thị ồn ào náo nhiệt với nông thôn bình lặng. Nếu người già ở nông thôn có cuộc sống khá chan hòa với con cháu và xóm làng, bà con, cũng như khá năng động với công việc ruộng vườn, chăn nuôi nhỏ; thì cuộc sống của người già đô thị khá đơn điệu, thậm chí là cô đơn.
Bởi con cháu hầu hết đều đi làm, đi học, buôn bán… từ sáng đến tối mịt mới về. Vậy là người cao tuổi cô độc ngay trong chính ngôi nhà của mình. Và cũng chỉ quanh quẩn trong nhà, bởi tính “hàng xóm” ở đô thị không giống như nông thôn.
Ở một số quốc gia, các CLB của người già rất đa dạng. Người nghỉ hưu, cao tuổi có thể đến đấy để vẽ tranh, đàn hát, thêu thùa, xem phim, tập dưỡng sinh,… Người cao tuổi cũng thường lập thành nhóm để đi sinh hoạt ngoài trời, du lịch, tham quan… giúp cuộc sống tuổi già rất phong phú.
Có lẽ, cũng đã đến lúc các đô thị nên tạo sân chơi cho người già thay vì chỉ nghĩ đến sân chơi cho tuổi trẻ. Sau một đời làm việc vất vả cho gia đình và cống hiến cho xã hội, người cao tuổi thật sự rất cần được hưởng những giây phút thư nhàn. Đấy cũng là giúp các ông bà sống vui sống khỏe hơn, giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho bản thân và xã hội.
NGUYÊN CHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin