Kê khai tài sản, thu nhập chưa có tác dụng đấu tranh, phòng chống tham nhũng

11:10, 31/10/2016

Theo báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội khóa XIV ngày 28/10, thì trong năm 2015 có hơn 1 triệu người kê khai tài sản và không phát hiện ra người vi phạm dù xác minh hơn 400 trường hợp.

 

Ảnh minh họa (internet)
Ảnh minh họa (internet)

Theo báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội khóa XIV ngày 28/10, thì trong năm 2015 có hơn 1 triệu người kê khai tài sản và không phát hiện ra người vi phạm dù xác minh hơn 400 trường hợp.

Điều này cho thấy, thực trạng kê khai tài sản, thu nhập của chúng ta hiện nay đang có vấn đề, còn hình thức, chưa phát huy hiệu quả trong tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17.7.2013 của Chính phủ quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thì mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng. 

Người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tự kê khai các thông tin theo quy định tại mẫu Bản kê khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai…Mặc dù, quy định của pháp luật là rõ ràng, cụ thể nhưng việc triển khai thi hành chưa hiệu quả, mục đích ngăn chặn hành vi tham nhũng không đạt được.           

Thực tiễn quy định về việc kê khai tài sản thu nhập thời gian qua chỉ có mục đích là bổ sung hồ sơ để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức vào chức vụ khác hoặc cao hơn. Tinh thần trách nhiệm, trung thực trong việc kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức chưa được đề cao; cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập, do đó, người kê khai tài sản, thu nhập dễ dàng che dấu tài sản bất hợp pháp, tham nhũng, qua mặt các cơ quan chức năng. 

Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng việc xác minh, tài sản, thu nhập của người phải kê khai để kết luận là có trung thực hay không là rất khó khăn, vì vậy, cũng không thể đổ lỗi cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát tài sản, thu nhập cán bộ, công chức. 

Quá trình kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chỉ là phần tài sản “nổi”, còn phần tài sản “chìm” thì khó có thể xác định, khi những tài sản “chìm” rơi vào cảnh “cháy nhà mới ra mặt chuột” thì lúc đó mới phát hiện. Ví dụ, nhà cán bộ, công chức bị trộm đột nhập, lấy đi hàng chục tỉ đồng tiền mặt, khi bị bắt, kẻ trộm thú nhận đã lấy số tiền trên thì lúc này cơ quan có thẩm quyền mới phát hiện việc kê khai tài sản, thu nhập là không trung thực. Tuy nhiên, những trường hợp này ít khi xảy ra; hoặc trường hợp khác, phát hiện kê khai tài sản không trung thực của cán bộ, công chức thông qua việc tiếp nhận, giải quyết các đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân …           

Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng ở nước ta ngày càng phức tạp, biến tướng; tài sản tham nhũng được che đậy hết sức tinh vi, đối tượng tham nhũng kịp thời tẩu tán tài sản như đứng tên chủ sở hữu là người thân, họ hàng hoặc những người khác và có thỏa thuận ngầm. Đặc biệt, là đối tượng tham nhũng thường mở tài khoản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài, dẫn đến việc xác minh tài sản, thu nhập hoặc thu hồi tài sản nếu xử lý hành vi tham nhũng là cực kỳ khó khăn.           

Để giải quyết bất cập trong công tác kê khai tài sản, thu nhập, thì việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới là cần thiết để ngăn ngừa tham nhũng. Trong đó, cần phải có cơ chế ràng buộc cán bộ, công chức phải công khai tài khoản ngân hàng để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát; cấm cán bộ, công chức mở tài khoản nhưng không báo cáo, nhất là các tài khoản nước ngoài; cấm cán bộ, công chức sở hữu tài sản ở nước ngoài; cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm túc trả lương và các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức phải thông qua tài khoản ngân hàng; tổ chức xác minh, công khai kết quả xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập ở cơ quan, nơi cư trú của cán bộ, công chức. 

Khi phát hiện tài sản bất minh hoặc giải trình về nguồn gốc tài sản không trung thực, không hợp lý, có dấu hiệu cho thấy tài sản hình thành do tham nhũng thì phải tịch thu, sung công quỹ và xử lý theo quy định của pháp luật. Có như vậy, việc kê khai tài sản trong thời gian tới mới thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm tham nhũng. 

Theo LĐ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh