Giải pháp chống ngập ở TP HCM: Các doanh nghiệp lên tiếng

07:10, 30/10/2016

TP HCM đang tập trung nhiều nguồn lực cho công tác chống ngập. Đề xuất của các doanh nghiệp đang được chính quyền thành phố xem xét.

TP HCM đang tập trung nhiều nguồn lực cho công tác chống ngập. Đề xuất của các doanh nghiệp đang được chính quyền thành phố xem xét.

Hiện nay, ngập nước ở TP HCM là vấn đề “nóng” mà chính quyền địa phương đang tìm giải pháp tháo gỡ. Để công tác chống ngập có hiệu quả, UBND đang kêu gọi thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Gần đây, cũng đã có nhiều doanh nghiệp đề xuất các giải pháp chống ngập cho thành phố.

Theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020, thành phố đầu tư xây dựng 6.000 km cống các loại.

Thành phố cũng đang tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống sông, kênh, rạch ở 4 trục tiêu chính là: trục kênh Tham Lương - Bến Cát, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi – kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tân Hóa – Lò Gốm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, thành phố mới đầu tư được khoảng 3.500km cống. Hệ thống cống này chưa được kết nối đồng bộ nên kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam cho rằng, đối với khu vực Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 8 và 2 huyện Bình Chánh, Nhà Bè cần triển khai đồng bộ hệ thống cống ngăn triều dọc tuyến đê bao ven sông Sài Gòn dài gần 8km và hệ thống máy bơm để chống ngập khi mưa lớn kết hợp với triều cường.

Ông Nguyễn Tâm Tiến nói: “Khi triều cường, các hệ thống quan sát tự động hoặc những người trực sẽ ra lệnh đóng các cửa cống xuống.

Như vậy, khi mưa lớn, các máy bơm sẽ bơm nước từ bên trong đổ ra sông, làm sao hạ được mực nước bên trong xuống cho nước từ bên trong thoát ra. Có thể ví von như khi nhà mình bị ngập thì mình chặn ở cửa rồi tát nước bên trong ra”.

Một số tuyến đường ở TP HCM bị ngập do triều cường lên cao
Một số tuyến đường ở TP HCM bị ngập do triều cường lên cao

Thực tế cho thấy, ở những khu vực ven sông, kênh rạch như: quận Thủ Đức, Quận 8, Quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn… cần có hệ thống đê kè, cống ngăn triều để chống ngập úng khi triều cường.

Hiện nay, các công trình đê bao ở nhiều nơi đã bị lỗi thời, không chịu được khi thủy triều lên cao đến 1m68 trong thời gian gần đây. Trong tháng 10 này, đã xảy ra liên tiếp 2 vụ vỡ bờ bao tại phường Thạnh Xuân, Quận 12 và bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh.

Ông Chu Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết, đến nay, TP HCM đã đưa vào sử dụng hơn 370 công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn với chiều gần 400km. 33 công trình bờ bao phòng chống lụt bão sử dụng nhựa UPVC đang được triển khai thuận lợi.

Trong đó, tại 12 công trình ở Quận 12, 2 công trình tại Quận 8, ngoài các hạng mục như tường chắn ngăn triều, cống ngăn triều, còn được mở rộng, nâng cao và trải nhựa các đường hẻm, tạo thuận lợi cho giao thông, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. 

Theo thiết kế hiện nay, các dầm mũ, bờ kè bằng nhựa UPVC có thể chịu được mực nước lên đến 2,2m. Vì vậy, đê kè bằng cừ nhựa này có độ ổn định, bền vững và chống triều cường hiệu quả ở mức trên 1,68m như hiện nay.

Ông Chu Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn nói: “Chúng ta đầu tư cho giải pháp ứng dụng cọc cừ nhựa UPVC, đó là giải pháp bền vững hơn.

Thực tiễn là chúng ta làm đến đâu thì ở nơi đó khắc phục được việc bể bờ bao, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và triều cường”.

Để giải quyết ngập do mưa, một doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Ninh Bình đề xuất với Ủy ban nhân dân TP HCM giải pháp chống ngập bằng bơm hút ly tâm. Máy bơm ly tâm sẽ được đặt tại điểm cuối của hệ thống thoát nước, tức là tại các cửa xả nước của thành phố tiếp giáp với sông. Loại máy này có thể đẩy nước xa tới 10km và bị không đẩy, tràn lại ngược lại. 

Một doanh nghiệp khác thì đề xuất với thành phố là sử dụng bê tông thấm Pervious concrete. Ngoài việc chống ngập, giải pháp này giúp giảm bức xạ nhiệt, làm mát thành phố và nâng cao chất lượng sống của đô thị.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, hiện nay, việc thi công cống ngăn triều ở những nước tiên tiến đều dùng công nghệ mới. Đó cũng là những biện pháp mà thành phố nên lựa chọn.

Tuy nhiên, ông Phi đặt vấn đề, nếu TP HCM đầu tư các công trình chống ngập trị giá 8 tỷ USD, gấp khoảng 5 lần bây giờ, thì việc bảo dưỡng, vận hành các công trình này mỗi năm tốn đến 5.000 tỷ đồng. Vì vậy, khi lựa chọn nhà đầu tư và xây dựng công trình, thành phố cần tính đến “số phận” của công trình đó trong tương lai. 

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Hồ Long Phi băn khoăn: “Đảm bảo sự bền vững về tài chính cho các dự án chống ngập là điều quan trọng số 1. Tư nhân bỏ tiền ra làm công trình chống ngập thì được rồi, nhưng rồi ai vận hành? Nếu là thành phố vận hành thì chi phí lấy ở đâu?

Tôi cho rằng, phải nhanh chóng tạo nguồn thu cho nó. Bằng chính nguồn thu đó để chúng ta giữ cho công trình vận hành được và xây dựng công trình mới”.

Xác định chương trình chống ngập là một trong 7 chương trình đột phá, TP HCM đang tập trung nhiều nguồn lực cho công tác này.

Đề xuất của các doanh nghiệp và các chuyên gia đang được chính quyền thành phố xem xét. Công tác chống ngập đến 2020, dựa trên cơ sở thực tế, TP HCM sẽ bố trí mặt bằng, nguồn vốn, lựa chọn các doanh nghiệp và công nghệ phù hợp để triển khai dự án./.

Theo Thành Trung/VOV-TP HCM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh