Cà phê ở một góc phố sáng nay, khi đang lướt qua dòng tin cô hoa hậu có hay không "hợp đồng tình cảm" với đại gia, thì bất ngờ tờ vé số chắn ngay màn hình điện thoại.
Cà phê ở một góc phố sáng nay, khi đang lướt qua dòng tin cô hoa hậu có hay không “hợp đồng tình cảm” với đại gia, thì bất ngờ tờ vé số chắn ngay màn hình điện thoại.
Tôi gạt ngang như phản ứng bình thường lắc đầu không mua, thì chạm phải bàn tay non nớt, nhìn lên mới biết đứa trẻ bán vé số chừng 4- 5 tuổi mặt tèm nhem, mũi chảy lòng thòng, miệng lí nhí “mua số, số dùm con đi chú…”
Bất ngờ lại thấy sau nó có đứa bé nhỏ hơn, rồi bà mẹ ẵm đứa trẻ khác trên tay ho sù sụ. Họ là 4 mẹ con cùng bán vé số. Nhìn những đứa trẻ mà xốn xang...
Cái tuổi chắc chưa biết tiền là gì, nhưng lại phải (bắt, bị) đi bán từng tờ số mưu sinh. Người mẹ chắc có lý do khi đem những đứa trẻ cùng đi bán vé số vì nếu ở nhà thì tiền đâu nuôi con, đi bán một mình thì ai trông chừng chúng… Mà nếu quả thật hoàn cảnh của bà mẹ đáng thương như vậy, thì những người khách cũng khó mà không trút hầu bao cho được.
Không chỉ có những đứa trẻ ngơ ngác đi qua những dãy bàn mời vé số, mà còn có nhiều đứa trẻ “lõi đời” thấy sợ. Ở một số quán nhậu ở thành phố, nhiều người quen mặt chị em cô bé bán bánh tráng chừng 6- 7 tuổi nhưng đối đáp “sỏi như người lớn”.
Thanh niên thì được tung hô “chú đẹp trai, chú hót boy”; phụ nữ thì “cô gái xinh, cô gái xinh ơi…” mua dùm con bánh tráng, đậu phộng đi! Đôi khi khách chưa kịp phản ứng nó đã mở bịch bánh mời “ăn thử đi, con hổng lấy tiền đâu”, ai mà không đành lòng mua.
Có đứa trẻ cứ vô tư sà vào lòng thực khách “nhõng nhẽo” đòi mua vé số cho bằng được mới thôi. Hoặc có đứa mua tờ vé số con tặng một bài thơ… Đủ chiêu trò hết.
Nhưng càng ngày càng nhiều những đứa trẻ lõi đời như vậy. Có thể, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình khó khăn thật và việc bán vé số, bánh trái là phương thức giúp gia đình mưu sinh. Hay đó là “chiêu” do những người lớn- cha mẹ chúng “bày đầu” để đánh vào tâm lý “thương trẻ con” của khách.
Mà dù nói thế nào đi nữa, lý do nào đi chăng nữa, chứng kiến những trường hợp như vậy nhiều người khách khó mà thư thái uống cà phê cho được.
Không mua hàng thì thấy day dứt. Mua rồi lại sợ không giúp gì được những đứa trẻ mà còn hại chúng thêm. Chưa kể là tạo điều kiện cho những người lớn “được nước lấn tới” tiếp tục dùng những đứa trẻ như công cụ kiếm tiền.
Bởi những thông tin trên báo đài đường dây, “công nghệ” dùng trẻ em kiếm tiền vẫn thường xuất hiện. Không cảm thương được kể cả hoàn cảnh những đứa trẻ, mình có vô cảm không?
Cái vòng suy nghĩ cứ xà quần, đành quay mặt đi không nhìn những đứa trẻ mà thấy khó chịu thật… Có khi, những điều không trông thấy mà lòng day dứt hơn.
AN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin