Khẳng định báo chí đã có nhiều bài viết phản ánh chân thật hình ảnh biển, đảo Tổ quốc, Phó Trưởng BCĐ Tây Nam Bộ Nguyễn Quốc Việt cho rằng, đây cũng là dịp để các cơ quan báo chí chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, góp phần khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Hội thảo tuyên truyền về biển, đảo biên giới vùng Tây Nam Bộ được tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 29/9/2016 là cơ hội để các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý, các nhà báo có cơ hội ngồi lại với nhau làm rõ thực trạng và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn báo chí phản ánh về biển, đảo biên giới lãnh thổ.
Qua các phương tiện truyền thông, đảo xa trở nên gần và cả nước luôn hướng về biển, đảo.Ảnh: VINH HIỂN |
Khẳng định báo chí đã có nhiều bài viết phản ánh chân thật hình ảnh biển, đảo Tổ quốc, Phó Trưởng BCĐ Tây Nam Bộ Nguyễn Quốc Việt cho rằng, đây cũng là dịp để các cơ quan báo chí chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, góp phần khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
“Sợi dây” kết nối biển và bờ
Hội thảo khẳng định, những người làm báo khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều hoạt động thiết thực, nhiều bài viết có sức lay động về chủ đề biển, đảo, tạo dư luận tốt trong xã hội.
Nhiều nhà báo sẵn sàng xông pha vào những điểm nóng trên biển bằng tất cả cái tâm của người làm báo và bằng tình yêu biển đảo, trở thành sợi dây kết nối giữa biển và bờ.
Ông Nguyễn Quốc Việt nói: Hàng ngàn tác phẩm báo chí thuộc nhiều thể loại khác nhau, trong đó có hàng trăm phóng sự chân thật và sinh động đã thật sự lôi cuốn người đọc, người xem, người nghe có thái độ, trách nhiệm trong việc khẳng định chủ quyền.
Đồng thời, khơi dậy và thôi thúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong xây dựng và bảo vệ đất nước, tạo thành những phong trào thật sự có sức lôi cuốn và lan tỏa.
Theo Ban Biên tập Báo Cà Mau, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy về nhiệm vụ tuyên truyền biển, đảo, báo đã xây dựng đề cương và mở chuyên mục tuyên truyền nội dung này định kỳ.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Cụm Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 4 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Cảnh sát biển và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tuyên truyền sâu rộng về vị trí, vai trò, tiềm năng và thế mạnh của kinh tế biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Song song, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản biển, ven biển, tình hình an ninh trên biển và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Dẫn chứng về “sự kiện Hải Dương 981”, Đại tá Lê Thanh Sơn- Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân cho biết, do kịp thời tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền biển, đảo tại 8 tỉnh- thành phía Nam và cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức hội nghị báo cáo viên trực tuyến toàn tỉnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp thời định hướng dư luận.
Đại tá Lê Thanh Sơn thông tin: Vừa qua, khi các tỉnh miền Nam Trung Bộ và ĐBSCL bị ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Bên cạnh việc hỗ trợ bà con, Vùng 2 Hải quân đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí đưa tin phản ánh để đồng bào cả nước cùng chia sẻ khó khăn này.
Hay gần đây nhất là mời phóng viên cùng tác nghiệp trên tàu bắn đạn thật trên biển để nhân dân cả nước hiểu được nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của hải quân.
Phải nhanh và chính xác
Báo chí tác nghiệp tại vùng biển, đảo Tây Nam. Ảnh: Lê Sơn |
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi- Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng, vấn đề biên giới và lãnh thổ với Campuchia, tình hình an ninh trên biển và vấn nạn buôn lậu, văn hóa và dân tộc ở khu vực đang là “điểm nóng” ở Tây Nam Bộ hiện nay.
Và để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về biển, đảo và biên giới thì các cơ quan báo chí cần chú trọng những vấn đề “nóng” này.
Dẫn chứng trong bối cảnh quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với những biến động chính trị, xã hội ở nhiều quốc gia, xung đột, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo diễn ra nhiều nơi, nhất là ở biển Đông; PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho rằng, trong bối cảnh đó, những người làm báo phải nỗ lực nhiều hơn, tìm ra những phương thức tuyên truyền để đấu tranh hiệu quả hơn, đưa các kết quả nghiên cứu, các khuyến nghị chính sách đi vào cuộc sống.
Bởi lẽ, chủ đề và nhiệm vụ tuyên truyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ rất rộng lớn, nhiều khía cạnh ngày càng phức tạp, đặc biệt trong “đấu tranh thông tin quốc tế” hiện nay thì sự kịp thời, sắc sảo và thuyết phục, kể cả trong việc sử dụng những thuật ngữ chuyên môn là rất cần thiết.
“Báo chí cần chủ động làm dòng thông tin chủ lưu, định hướng tốt dư luận xã hội trước những vấn đề nóng xảy ra ở khu vực trong thời gian tới”- PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nói.
Nhà báo Nguyễn Chiến- Tổng Biên tập Báo Cà Mau thì cho rằng, việc tuyên truyền biển, đảo là “vấn đề nhạy cảm”. Do đó, việc tuyên truyền phải thận trọng, thực hiện đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng liều lượng.
Kịp thời có những thông tin chính thống trên báo chí, có chất lượng cao để đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, kích động gây rối của kẻ thù. Trong đó, chú ý đến những vấn đề có tính chất pháp lý để khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Việt Nam ở biển Đông.
Đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển; vị trí, vai trò, tiềm năng và thế mạnh của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là việc cần phải làm thường xuyên và liên tục.
Vùng biển, đảo Tây Nam Bộ tính từ cửa sông Gành Hào (Bạc Liêu) đến TX Hà Tiên (Kiên Giang) có chiều dài hơn 450km, diện tích khoảng 150.000km2 với hơn 150 hòn đảo lớn nhỏ. Đường biên giới Tây Nam giáp với Campuchia có chiều dài khoảng 1.270km. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp- PTNT), vùng biển Tây Nam chứa đựng nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng về giống loài, giàu có về trữ lượng. |
NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin