​Vắng lũ, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gặp đại họa khôn lường

11:09, 13/09/2016

Nếu ĐBSCL có lũ nhỏ hoặc không có lũ thì việc canh tác lúa sẽ khó khăn hơn bởi côn trùng, sâu bọ xuất hiện nhiều, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận giảm.

Nếu ĐBSCL có lũ nhỏ hoặc không có lũ thì việc canh tác lúa sẽ khó khăn hơn bởi côn trùng, sâu bọ xuất hiện nhiều, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận giảm.

Một khi ở ĐBSCL có lũ nhỏ hoặc không có lũ thì thiệt hại sẽ càng nhân lên. Vấn đề lũ chưa về như hiện nay cho thấy những tác động từ thiên tai và “nhân tai” đang đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của vùng đất này.

Thông thường, khoảng đầu tháng 8 là dòng nước đỏ đục ngầu từ thượng nguồn Mê Kông bắt đầu đổ về các vùng đầu nguồn ĐBSCL như Tân Châu, Hồng Ngự, Châu Đốc… 

Từ đây, dòng nước mang phù sa sẽ len lỏi theo các nhánh sông tràn lên những cánh đồng lúa mênh mông vừa được thu hoạch mà nông dân xả lũ cho tràn đồng. Thế nhưng, theo diễn biến thực tế và theo nhiều nhà khoa học và chuyên gia nhận định, năm nay sẽ tiếp tục là một năm bất thường.

Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu Cần Thơ cho rằng: Năm này, lũ rất bất thường. Chúng ta thấy kinh nghiệm là sau một năm khô hạn sẽ là năm có lũ hoặc lũ cao.

Thế nhưng sau năm khô hạn 2015 thì hình như chúng ta tiếp tục bị khô hạn bủa vây. Nếu không có những thay đổi lớn về thời tiết trong cuối năm thì chắc chắn là năm nay chúng ta sẽ không có lũ. Thậm chí đầu 2017 sẽ rất khó khăn về nguồn nước, nhất là xâm nhập mặn còn nặng nề hơn 2016.

Cư dân vùng lũ ĐBSCL kém vui vì nguồn lợi thủy sản càng ít đi
Cư dân vùng lũ ĐBSCL kém vui vì nguồn lợi thủy sản càng ít đi

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nếu năm nào lũ lớn thì vụ lúa đông xuân sau đó gieo sạ và thu hoạch đều thuận lợi, trúng mùa. 

Bởi  mùa nước về mang lại nhiều phù sa và giúp cải tạo đồng ruột rất tốt. Ngược lại, trường hợp lũ nhỏ thì việc canh tác lúa sẽ khó khăn hơn bởi côn trùng, sâu bọ xuất hiện nhiều, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận sẽ giảm.

Cùng với đó, theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, vừa qua, vùng ĐBSCL trải qua cơn hạn, mặn nặng nhất trong lịch sử.

Vì thế, nếu mùa nước không về hay quá thấp sẽ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất lúa; nuôi trồng thủy sản. Sản xuất nông nghiệp tới đây sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thời vụ canh tác có thể bị xáo trộn.

“Năm nay, lũ đến chậm. Chứ lũ về sớm, lũ cao cũng có ảnh hưởng đời sống bà con. Nhưng đối với nông dân, nếu lũ chậm, thấp thì ảnh hưởng tới mùa vụ nghiêm trọng, đặc biệt là năng suất lúa. 

Nếu lũ không đảm bảo sẽ không có lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng. Bên cạnh đó,, người dân đợi nước về thì xuống giống, có khi sẽ trễ vụ. Trễ vụ này thì đông xuân tới lại trễ tiếp nữa”- Tiễn sĩ Bảnh cho biết.

Không có phù sa bồi đắp đồng nghĩa với việc đất đai sẽ ngày càng bạc màu; chi phí dành cho sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL sẽ tăng cao. Người dân phải tốn nhiều chi phí phân bón, phòng trừ dịch bệnh. Cùng với đó là nạn sâu, rầy, chuột tàn phá mùa màng sẽ diễn ra nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, hậu quả mang tính lâu dài hơn là hệ sinh thái của vùng ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, tình trạng sạt lở, sụp lún… sẽ diễn ra khốc liệt hơn.

Theo PGS-TS Trịnh Công Vấn, Viện trưởng Viện đổi mới công nghệ thủy lợi MeKong – Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trước đây, nhờ lũ mà mỗi năm mũi Cà Mau lấn thêm ra biển do lượng phù sa bùn, cát, sỏi từ thượng nguồn sông Mekong đổ về bồi đắp. 

Nhưng giờ thì ngược lại, vì lũ ít nên lượng nước từ sông đổ về không đủ nên biển xâm thực càng dữ tợn hơn.

Các hồ chứa thượng nguồn từ Trung Quốc xuống đến Việt Nam có tác động xấu là giữ lại tất cả phù sa ở hồ chứa. 

Vì thế lượng phù sa chuyển về ĐBSCL giảm đáng kể. Đây là nguy cơ có tính chất nghiêm trọng nhất. Ít phù sa thì có nghĩa là mất cân bằng ở dọc sông chính thì sẽ dẫn đến xoáy lở. 

Đặt biệt, ít phù sa thì việc chuyển lượng phù sa ra cửa sông, biển ít. Vì vậy, gây ra tình trạng sạt lở bờ biển từ sông Hậu đến Cà Mau và Kiên Giang trở nên dữ dội hơn.

Hàng trăm năm qua, lũ luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành, tồn tại của vùng châu thổ Cửu Long. 

Thế nên, nếu vắng lũ, sự đa dạng sinh học của vùng đất này sẽ bị tác động nghiêm trọng. Hậu quả khôn lường là sự sụt lún, sạt lở sẽ diễn ra trên diện rộng dẫn đến nguy cơ mất đi nhiều diện tích đất của vùng ĐBSCL trù phú; tác động đến an ninh lương thực của quốc gia và thế giới./.

Theo Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh