Tuần trước, lãnh đạo TP Vĩnh Long đã khảo sát một số khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, mất an toàn để kịp thời có giải pháp ứng phó, nhất là trong mùa mưa lũ.
Tuần trước, lãnh đạo TP Vĩnh Long đã khảo sát một số khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, mất an toàn để kịp thời có giải pháp ứng phó, nhất là trong mùa mưa lũ.
Lãnh đạo TP Vĩnh Long khảo sát khu vực sạt lở cồn Giông. |
“Điểm nóng” sạt lở kè cồn Giông
Khảo sát thực tế tại khu vực sạt lở ven sông Tiền thuộc xã Tân Hòa, Tân Hội (TP Vĩnh Long) cho thấy nhiều đoạn sạt lở nguy hiểm, từ khu vực Đình Tân Hoa cũ đến khu Trại giống thủy sản, nhất là khu vực cồn Giông...
Đoạn sạt lở được đánh giá nghiêm trọng nhất là tuyến đê bao đường đan ấp Tân Thạnh (xã Tân Hội) từ vàm đập Bà Nguyệt ngược về sông Cái Da lớn.
Tại đây, nhiều đoạn đường đất sụt lún, sạt lở vào sâu cả nửa tấm đan 1,6m, khiến mặt đan bị nghiêng ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Trong khi nhiều hộ nuôi cá tra, nhà vườn lo ngại sạt lở đe dọa đến sản xuất.
Ông Đỗ Tiệp- Chủ tịch UBND xã Tân Hội- cho biết khu vực đê bao cồn Giông năm nào cũng lo sạt lở. Trong đó, khu vực đường đan ấp Tân Thạnh bảo vệ cho đời sống 40 hộ dân, với hơn 3ha nuôi cá tra và nhiều vườn cây ăn trái hiện có 2 điểm sạt lở nghiêm trọng tổng cộng 90m.
“Do đê bao cặp sông Tiền dòng nước chảy xiết nên năm nào cũng phải gia cố. Hơn nữa, mé sông khu vực cồn Giông không có đất. Khi nước cạn đi dưới mé sông chỉ có cát và rất hẩm”- ông Đỗ Tiệp nói.
Cũng theo ông Đỗ Tiệp, trên địa bàn xã còn có khu vực Trại Giống thủy sản với khoảng 400m sạt lở “rất dữ” và khu vực này hiện đang được thi công kè kiên cố.
Trong khi đó, các khu vực còn lại đến nay hệ thống giao thông nông thôn, đường trải nhựa kết hợp thủy lợi, cùng với Sở Nông nghiệp- PTNT đã đầu tư kiên cố 3 cống chính tiêu thoát nước đã góp phần đảm bảo an toàn cho đời sống người dân và sản xuất.
Thông tin từ Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long cho biết, sau đợt khảo sát, thành phố đã xin chủ trương bố trí khoảng 175 triệu đồng từ nguồn đầu tư thủy lợi phí để khắc phục sạt lở 2 đoạn trên đây.
Dự kiến thực hiện trong tháng 10 tới, thành phố cũng sẽ tổ chức đợt diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngay khu vực cồn Giông.
Tìm phương án xây kè tạm khu chợ cá
“Cận cảnh” dãy nhà ven sông khu vực chợ cá, được ngành chức năng đánh giá có dấu hiệu sạt lở nguy hiểm. |
Thực tế tại khu vực chợ cá (khu vực chợ Vĩnh Long, đoạn từ cầu Bạch Đằng đến Bến Tàu) nhìn từ hướng sông mới thấy rõ nhiều nhà sàn trên sông chất đầy hàng hóa và khá nguy hiểm.
Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, các hộ dân khu vực này kinh doanh chủ yếu mặt hàng gạo, cá… Hiện ghi nhận có 4 căn nhà bị nghiêng, nhiều nhất là các nhà số 15, 17, 19 và 21.
Lãnh đạo thành phố đã nhắc nhở người dân không nên chất nhiều đồ nặng ở phần nhà sàn. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều cuộc họp bàn cùng người dân tìm phương án tốt nhất.
Nhiều người dân bày tỏ lo lắng, vì nhiều nhà ở khu vực này cho mướn chất đồ đạc, hàng hóa rất nhiều, khiến tình trạng xuống cấp càng nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Bên cạnh, trong khi đường hẻm chỉ giới hạn xe chở hàng 500kg thì có nhiều xe ba gác chở gạo đến hơn 1 tấn. Nhất là vào 3- 4 giờ sáng, xe chở hàng chạy rần rần. |
Ngày 20/9/2016, UBND Phường 1 (TP Vĩnh Long) tổ chức họp lấy ý kiến người dân về việc xây dựng bờ kè ở chợ cá.
Theo đó, hiện có 24 hộ dân sống ở khu vực này. Những nhà này có chiều dài từ 16- 23m, phần nhà một nửa trên đất, một nửa nhà sàn trên sông. Hiện phần nhà sàn đã có dấu hiệu lún, hơi nghiêng.
Đặc biệt trong mùa mưa bão, đất mềm dễ lún, có nguy cơ sạt lở cao.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho người dân, thành phố sẽ tiến hành làm bờ kè và có 2 phương án đề ra để làm kè là giải tỏa hoàn toàn hoặc giải tỏa phần nhà sàn trên sông.
Nhiều người dân đồng ý giải tỏa phần nhà sàn trên sông. Chú Hoàng- nhà ở khu vực này nói: “Tôi đồng ý phương án tháo dỡ nhà sàn dưới sông để đảm bảo mỹ quan, lại an toàn hơn”.
Cô Sáu- bán tạp hóa nhỏ ở gần khu vực bến tàu- cho biết tuy xót của vì mới gia cố thêm phần nhà sàn mấy chục triệu đồng, nhưng chủ trương tháo dỡ để làm bờ kè là đúng đắn, đảm bảo an toàn cho người dân nên cô rất đồng ý tháo dỡ nhà sàn.
Cô Tư cũng vậy: “Nhiều nhà sàn ở đây xuống cấp rồi. Khổ nhất là mùa nước nổi, nước tràn lên nhà, đồ đạc phải kê lên hết. Giờ tôi ở phần nhà phía trước chứ cũng ít sử dụng phần nhà sàn”.
Chú Huỳnh Vĩ Tường- Trưởng khóm Hùng Vương (Phường 1) bảo: “Việc làm bờ kè là rất đáng mừng, bà con cũng rất đồng tình vì không chỉ đẹp cho thành phố, mà còn đảm bảo an toàn cho người dân”.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú- Chủ tịch UBND Phường 1- cho biết: “Ở khu vực chợ này, nhiều nhà có dấu hiệu sạt lở rất nguy hiểm. Do đó, mục đích xây bờ kè còn là bảo vệ tính mạng, của cải bà con. Phường cũng đã làm biển báo khu vực có nguy cơ sạt lở cao và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp chở quá tải vào khu vực”.
Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên: Thi công bờ kè phải không ảnh hưởng nhà phía trong Sau chuyến khảo sát, thành phố đã có chủ trương thi công 2 đoạn sạt lở nguy hiểm khu vực cồn Giông. Theo đó, sẽ thi công đoạn sạt lở 30m trước ngày 21/10 và đoạn sạt lở 60m sẽ được thi công kết hợp đợt diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã Tân Hội vào ngày 21/10. Trong khi đó, Phường 1 đang tham mưu cho thành phố phương án tốt nhất để thi công bờ kè khu vực chợ cá đảm bảo an toàn cho người dân và cố gắng thực hiện trong tháng 10. Thành phố đã chỉ đạo Phường 1 tiến hành họp lấy ý kiến người dân để thống nhất phương án, hỗ trợ di dời và cả việc sử dụng, tái bố trí như thế nào sau khi bờ kè hoàn thành. Đồng thời, chọn phương án thi công tốt nhất để không làm ảnh hưởng phần nhà của người dân phía trong. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin