Tìm giải pháp phát triển doanh nghiệp nông nghiệp

05:09, 09/09/2016

Theo TTXVN, phát biểu tại Diễn đàn "Phát triển doanh nghiệp (DN) nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới" diễn ra tại Hà Nội ngày hôm qua (8/9/2016), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, cần phải có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm phát triển DN nông nghiệp

Theo TTXVN, phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp (DN) nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” diễn ra tại Hà Nội ngày hôm qua (8/9/2016), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, cần phải có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm phát triển DN nông nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo ông, Việt Nam là nước có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thấp, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm, nông nghiệp phát triển kém bền vững.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; DN, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết.

DN nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm, năm 2014 chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số các DN được điều tra với 3.844 DN. Đến năm 2015, số DN nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 3.640.

Trong khi đó, cơ cấu của các DN nông- lâm- thủy sản chủ yếu là DN nhỏ và vừa, chiếm 96,53%. Có khoảng 50% DN ngành nông- lâm- thủy sản có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động); DN hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 47,63%, tiếp đến là thủy sản 35,43% và ít nhất là lâm nghiệp 16,63%.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4- 5,6% tổng vốn đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước vào năm 2014.

Theo các đại biểu, hiện nay đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài (từ Nhật Bản, Hàn Quốc...) và nhiều DN, tập đoàn lớn đang tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và đây là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại với những sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường.

Tuy nhiên, vốn đầu tư tập trung chủ yếu ở các vùng thuận lợi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bắc Bộ; sự liên kết giữa DN với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đại biểu cho rằng, cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài ở từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển theo các nghị quyết của Chính phủ; đơn giản hóa thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, kinh phí từ các thủ tục hành chính; rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho DN và người dân; đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với DN, nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

PV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh