Tăng tuổi nghỉ hưu: Ai muốn, ai không?

08:09, 21/09/2016

Người lao động trực tiếp mong muốn nghỉ đúng tuổi, được giải quyết tốt các chế độ. Những người làm quản lý, nghiên cứu… lại muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Người lao động trực tiếp mong muốn nghỉ đúng tuổi, được giải quyết tốt các chế độ. Những người làm quản lý, nghiên cứu… lại muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Nên cân nhắc, lựa chọn một số đối tượng để kéo dài tuổi nghỉ hưu (ảnh Internet)
Nên cân nhắc, lựa chọn một số đối tượng để kéo dài tuổi nghỉ hưu (ảnh Internet)

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, từ năm 2016 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức (nữ từ 55 lên 60 tuổi và nam từ 60 lên 62 tuổi).

Từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Câu chuyện này đang khiến nhiều người lao động băn khoăn lo lắng và có không ít ý kiến trái chiều. Nhiều người là lao động trực tiếp cho rằng, đa số người lao động trực tiếp (80 - 90%) thì nữ đến 50 tuổi, nam đến 55 tuổi là làm việc không nổi rồi.

Nếu có muốn làm thì chủ cũng kiếm chuyện đuổi vì năng suất giảm, đồng thời những người này không được chủ doanh nghiệp đóng đủ bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Với những người lao động gián tiếp, nhiều người đến tuổi này cũng mong muốn được nghỉ ngơi. Họ cho rằng, chỉ có những người ở tuổi này mà có chức vụ lãnh đạo thì mới muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu.

TS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nghề nghiệp, nguyên Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô chia sẻ: “Từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy, đến tuổi này rất chín, từ kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, công tác quản lý. Nếu để nghỉ thì với những đối tượng này rất phí.

Bản thân TS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đã từng kinh qua nhiều vị trí quản lý, đến 55 tuổi, bà Hạnh cũng nghỉ hưu theo đúng chế độ nhưng tham gia làm công tác nghiên cứu về lĩnh vực lao động việc làm.

Bà Hạnh cho biết: Tôi thấy mình thành công trong lĩnh vực mà mình đã tích lũy kinh nghiệm và đam mê. Tôi đóng góp nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực xã hội, tiền lương, con người. Hiện nay, trong Viện của tôi có chương trình đào tạo nghề cho các đối tượng là học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 sang Đức học nghề. Sau đó các em này mang kiến thức đã được đào tạo ở Đức về Việt Nam để nâng cao chương trình đào tạo nghề cho người Việt Nam để hội nhập quốc tế.

Ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ nên áp dụng với một số đối tượng và phải trên tinh thần tự nguyện, TS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho rằng:

Cần căn cứ vào mong muốn, nguyện vọng của mỗi người. Bởi có những người họ không muốn thì không thể bắt buộc. Cần có cách làm phù hợp để đỡ lãng phí một nguồn nhân lực cho xã hội. Bao nhiêu công đào tạo, kiến thức tích lũy… mà nghỉ sớm thì lãng phí.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu với một số đối tượng đang làm quản lý sẽ dễ dẫn tới tình trạng “tham quyền cố vị”. Trao đổi về vấn đề này, TS Mỹ Hạnh thừa nhận, đó là điều khó tránh.

Nhưng từ bản thân thì thấy, những người tâm huyết, đến độ chín muốn ở lại để tiếp tục cống hiến. Hoặc ngược lại, cũng có người ở lại để muốn làm một cái gì đấy cho riêng mình. Cũng có các đối tượng trình độ có giới hạn, dù họ cũng được đào tạo, có đầy đủ bằng cấp nhưng quá trình đào tạo chưa phải là chất lượng, xuất sắc, mà chỉ là cho có đủ bằng cấp. “Những người như vậy mà muốn ở lại thì lại là tham quyền cố vị’ – bà Mỹ Hạnh nói.

Cũng theo TS Mỹ Hạnh, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu với những người làm quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học… nên có những qui định cụ thể và cũng cần căn cứ vào tín nhiệm tập thể, thành tích đóng góp…

“Tôi nghĩ, điều kiện tiêu chuẩn phải tiên quyết, nhưng nếu không có tiêu chuẩn cụ thể thì ai cũng có thể nói là tôi yêu nghề, tôi còn sức khỏe, tôi có kinh nghiệm, nhưng ở lại thì không đóng góp được gì. Học hàm, học vị cũng cần có nhưng cũng cần phải có năng lực chuyên môn, được mọi người ghi nhận, đánh giá” – bà Hạnh nhấn mạnh.

Cùng đưa ra “lời giải” cho bài toán “tham quyền cố vị”, ông  Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho rằng, Quá trình thực thi sẽ chú trọng vào một lộ trình tăng dần tuổi hưu theo lũy tiến bên cạnh việc thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp có tính thực chất như tinh giảm biên chế, đánh giá và xếp loại cán bộ…của các ngành và doanh nghiệp.

Được biết, quy định lao động quá 60 tuổi vẫn có thể làm việc đã được Bộ Luật lao động 2012 quy định ở Điều 187: Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định.

Theo Vũ Hạnh (VOV.VN)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh