Thông thường, vào khoảng đầu tháng 8âl là dòng nước màu đỏ đục từ thượng nguồn sông Mekong bắt đầu đổ về ĐBSCL qua trục chính là sông Tiền và sông Hậu, rồi len lỏi theo các nhánh sông tràn lên những cánh đồng. Nhưng đến thời điểm này, người dân đồng bằng vẫn… ngóng lũ.
Thông thường, vào khoảng đầu tháng 8âl là dòng nước màu đỏ đục từ thượng nguồn sông Mekong bắt đầu đổ về ĐBSCL qua trục chính là sông Tiền và sông Hậu, rồi len lỏi theo các nhánh sông tràn lên những cánh đồng. Nhưng đến thời điểm này, người dân đồng bằng vẫn… ngóng lũ. Liệu năm nay có lũ về…?
Ths. Nguyễn Hữu Thiện. |
Theo Ths. Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL, theo quy luật thông thường, một khi có El Nino thì sau đó thường có La Nina. Kỳ El Nino vừa rồi là một kỳ El Nino mạnh cực đoan, cho nên chúng ta vẫn chưa thể loại trừ khả năng xuất hiện La Nina.
* Vậy, theo ông nếu năm nay có lũ thì khả năng xuất hiện thời điểm nào?
- Theo Dự báo ngày 11/8 của Viện Nghiên cứu khí hậu và xã hội quốc tế thì hầu hết mô hình dự báo đều cho thấy điều kiện trung tính (không El Nino cũng không La Nina) đang diễn ra trong tháng 8 và có khả năng xuất hiện La Nina yếu vào khoảng tháng 9 tháng 10.
Hiện nay số liệu mực nước của Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) cho thấy mực nước ở Tân Châu, Châu Đốc vẫn thấp, nhưng mực nước ở phía Bắc Lào tại Vientiane đã dâng cao do mưa nhiều nhưng ở phía Nam Lào thì mưa ít nên nước vẫn thấp.
Nước sông Mekong hiện nay chỉ dâng từ đoạn Kratie ở Campuchia trở lên phía Bắc, còn vùng từ Phnom Penh và biển Hồ trở xuống ĐBSCL mực nước chưa tăng cao. Trong tuần này, nước ở ĐBSCL có thể lên vài tấc do con nước rong ngày rằm.
Như vậy, rất có thể năm nay lũ về muộn, mực nước không cao.
* Nhưng đó cũng chỉ là dự đoán, trường hợp nếu năm nay tiếp tục không có lũ thì sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng như thế nào, nhất là khi lượng phù sa ở các sông (sông Tiền, sông Hậu) bị giảm mạnh?
- Dòng sông Mekong là một “băng chuyền” to lớn, miệt mài vận chuyển phù sa để bồi đắp và duy trì sự ổn định của ĐBSCL.
Từ “phù sa” (sediments) bao gồm tất cả các loại vật liệu, từ vật liệu mịn như sét được mang xuống hạ lưu dưới dạng lơ lửng và vật liệu thô như sỏi chỉ di chuyển khi có dòng chảy mạnh.
Càng về phía hạ lưu thì phù sa càng mịn do giảm độ dốc và năng lượng dòng chảy. Vật liệu thô thông thường chỉ di chuyển được vào mùa lũ và mất nhiều năm mới di chuyển tới đồng bằng.
Phù sa mịn có vai trò quan trọng đối với nông nghiệp và hệ sinh thái thủy sinh, kể cả năng suất thủy sản vùng biển xung quanh ĐBSCL, vì trong từng hạt phù sa có dinh dưỡng bám vào.
Kinh nghiệm canh tác lúa trong đê bao khép kín (không nhận phù sa vào) ở ĐBSCL cho thấy sau khoảng 20- 25 năm, năng suất sẽ giảm dù có tăng phân bón vì sau một thời gian kho dinh dưỡng trong đất bị cạn kiệt. Phân bón hóa học chỉ cung cấp vài chất đa lượng, còn lại thì phải nhờ phù sa nạp vào cho đất.
Phù sa mịn cũng có vai trò bảo vệ bờ biển. Xung quanh bờ biển ĐBSCL là một vùng nước đục. Chính lớp nước đục này là cái “áo giáp” mà ĐBSCL mặc để bảo vệ mình trong mấy ngàn năm qua.
* Có nhận định cho rằng, việc khai thác cát hiện gây ảnh hưởng phù sa đổ về, ông nhận định gì về điều này? Có nên ngăn chặn việc khai thác cát trên các sông hiện nay không?
- Trong 20 năm qua, cát trên sông Tiền và sông Hậu đã bị khai thác rất nhiều. Báo cáo của GS. Bravard và T.S Goichot cho biết, so sánh hình thái dòng sông ở ĐBSCL từ 1998- 2008 cho thấy ở sông Tiền đã mất khoảng 90 triệu tấn vật liệu đáy sông, sông Hậu thì mất 110 triệu tấn.
Tốc độ khai thác hàng năm khoảng 27 triệu mét khối (57 triệu tấn) trong khoảng 2008- 2012, trong đó 86% là cát thì bằng 20 lần lượng cát vận chuyển hàng năm của sông Mekong tính tại Kratie.
Theo một nghiên cứu của Brunnier đăng trên Geomorphology số 24 (tháng 11/ 2014) cho thấy độ sâu của sông Hậu và sông Tiền đã gia tăng đáng kể trong 10 năm (1998- 2008) và đã gây hệ lụy đối với bờ biển. Lượng cát khai thác ở đoạn Cần Thơ và đoạn phía thượng lưu của đồng bằng đang giảm.
Tuy nhiên, lượng khai thác đang gia tăng bên dưới Long Xuyên và Cao Lãnh, nơi vẫn còn cát đáng kể. Cũng theo tác giả này, hình thái dòng sông Tiền (250km) và sông Hậu (200km) sự thay đổi đáy sông đáng kể và không đồng đều trong thời gian 10 năm. Tính trung bình, độ sâu đáy sông đã tăng lên hơn 1,3m.
Sau khi Trung Quốc xây các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong thì đã giảm 50% lượng phù sa mịn và toàn bộ lượng cát sỏi di chuyển ở đáy.
Tuy nhiên, tác động về thiếu hụt cát từ phía Trung Quốc thì phải vài chục năm nữa chúng ta mới cảm nhận được vì cát mất vài chục năm mới di chuyển từ đó đến ĐBSCL. Sau này khi 11 đập dòng chính ở Hạ lưu vực Mekong xây dựng xong thì chắc chắn là 100% cát sỏi không về được ĐBSCL.
Việc khai thác cát ở một tỉnh phía thượng nguồn tạo những hố sâu thì cát đi ngang qua sẽ bị kẹt lại ở những hố sâu đó không thể di chuyển tiếp xuống các tỉnh khác và ra bờ biển.
Những hố sâu trên hoặc dưới các chân cầu như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Vàm Cống, Cao Lãnh dù cách xa hàng chục ký lô mét vẫn có thể ảnh hưởng đến chân cầu về lâu dài.
Vẫn biết không thể cấm hẳn vì cát rất cần trong xây dựng nhà cửa, đường sá. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ chúng ta phải ý thức rằng cát sẽ là nguồn tài nguyên khan hiếm và cần phải gìn giữ cẩn thận.
Ngay bây giờ rất cần có một quy hoạch chung cho cả ĐBSCL về khai thác cát và có đánh giá tác động đến sự mất ổn định sông biển của toàn đồng bằng.
Không nên để mỗi tỉnh tự quy hoạch, cấp phép khai thác cát trong phạm vi tỉnh của mình mà không biết đến tác động trên toàn dòng sông và bờ biển. Cần phải đưa môi trường vào chủ trương liên kết vùng của chính phủ, khai thác cát sông Cửu Long là một ví dụ.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
NGUYỄN HOÀNG (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin