Trong triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, cũng như xây dựng các phong trào hành động cách mạng, các cấp chính quyền, đoàn thể khi xây dựng kế hoạch thường chọn ra các mô hình, địa phương làm điểm để có sự tập trung chỉ đạo, từ đó nhân rộng ra các nơi còn lại. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả rất tích cực.
Xã nông thôn mới Hiếu Nhơn. |
Trong triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, cũng như xây dựng các phong trào hành động cách mạng, các cấp chính quyền, đoàn thể khi xây dựng kế hoạch thường chọn ra các mô hình, địa phương làm điểm để có sự tập trung chỉ đạo, từ đó nhân rộng ra các nơi còn lại. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả rất tích cực.
Sáng kiến “điểm của điểm”
Phương pháp xây dựng mô hình điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo đã được BCĐ Xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh chọn để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Cũng như các địa phương khác, theo chỉ tiêu Trung ương giao, giai đoạn 2011- 2015 Vĩnh Long phải xây dựng 20% xã NTM.
Trong điều kiện khó khăn của một tỉnh “thuần nông”, hầu hết các xã xây dựng NTM đều xuất phát điểm thấp, trong khi tỉnh không thuộc diện ưu tiên nào được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Dù vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn đề ra nghị quyết thực hiện được 20% xã đạt chuẩn NTM.
Theo đó, tỉnh đã chọn ra 22 xã để xây dựng xã đạt chuẩn NTM. Trong 22 xã điểm, tỉnh lại chọn ra 2 xã Trung Hiếu (Vũng Liêm) và Thành Đông (Bình Tân) làm điểm chỉ đạo của tỉnh. Các xã điểm còn lại giao cho BCĐ xây dựng NTM cấp huyện chỉ đạo.
Sau 2 năm thực hiện, đầu năm 2013 tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng NTM năm 2012, sáng kiến của đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM tỉnh (nay là Phó Chủ tịch nước) đã chọn ra 9 xã đạt thành tích tốt làm “điểm của điểm” để có sự tập trung cao độ về nguồn lực, về sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt để đưa các xã này “về đích sớm” trước năm 2015 để làm vai trò dẫn dắt các xã còn lại.
Kết quả của sự chỉ đạo này, đến cuối năm 2013, xã Long Mỹ (Mang Thít) đã đạt chuẩn NTM và ngay đầu năm 2014 được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.
Tiếp theo đó, quý I/2014 là xã Thành Đông- xã thứ hai (do tỉnh chỉ đạo xây dựng) được công nhận xã NTM; quý III/2014 xã Trung Hiếu- xã thứ ba (do tỉnh chỉ đạo) và xã Mỹ Lộc (Tam Bình) được công nhận NTM; quý IV/2014, đồng loạt các xã Song Phú, Đông Thạnh, Mỹ Thuận, Long Phước, Hiếu Phụng, Hựu Thành “gặt mùa NTM”.
Rút kinh nghiệm, BCĐ Xây dựng NTM tỉnh, các ngành, các huyện tập trung chỉ đạo 12 xã điểm còn lại lần lượt về đích NTM trong năm 2015.
Đặc biệt, với tinh thần tự lực vượt khó vươn lên, xã Phú Lộc- ngoài các xã điểm cũng được BCĐ Xây dựng NTM huyện Tam Bình tổ chức vận động nhân dân xây dựng xã đạt chuẩn NTM năm 2015. Giúp tỉnh vượt chỉ tiêu 5,8%.
Tiếp tục phát huy mô hình điểm
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020, kế hoạch của BCĐ Trung ương về xây dựng NTM, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh năm 2016, BCĐ Xây dựng NTM tỉnh đề ra kế hoạch xây dựng 8 xã đạt chuẩn NTM ngay trong năm đầu nhiệm kỳ (2016) để tạo sức bật mới nhằm hoàn thành mục tiêu 50% xã NTM vào năm 2020.
Để cho việc xây dựng NTM sâu hơn, sát hơn, hiệu quả hơn và chất lượng cao hơn, theo nhiều ý kiến mà chúng tôi ghi nhận được từ người dân và cán bộ làm công tác xây dựng NTM thì mỗi địa phương nên đề ra ít nhất một vài mô hình điểm.
Mô hình ấy phải thấy và sờ được, đo đếm được. Dựa trên cơ sở các chỉ tiêu của 19 tiêu chí để xây dựng mô hình. Có thể là mô hình từ phong trào sáng- xanh- sạch- đẹp; mô hình sản xuất, liên kết sản xuất hiệu quả; mô hình hoạt động văn hóa thể thao; mô hình về chăm sóc sức khỏe nhân dân; mô hình đảm bảo an ninh trật tự;…
Tóm lại là tổ chức chặt chẽ, bài bản và hiệu quả cao hơn từ các mô hình đã và đang có hoặc địa phương sáng tạo mới.
Trong đó có những mô hình như “5 không, 3 sạch” do Hội Liên hiệp Phụ nữ các địa phương vận động thực hiện; mô hình chăn nuôi bò, heo sinh sản nhiều địa phương đã làm; mô hình sản xuất khoai lang ở Thành Đông; trồng bưởi ở Thanh Bình, Đông Thành; trồng cam sành ở Hựu Thành; dịch vụ sản xuất lúa trọn gói ở cánh đồng lớn của xã Mỹ Lộc; các làng nghề thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu ở Ngãi Tứ;…
Được hỗ trợ của Công ty Giống Vĩnh Long, xã An Phước chọn phát triển mô hình trồng bưởi da xanh. |
Từ các phương pháp, cách làm trong hơn 5 năm qua, chúng ta đã và đang có khá nhiều kinh nghiệm quý.
Nhân tố quan trọng nữa là đến nay hầu hết các xã nông thôn đã có hệ thống tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh đạt chuẩn.
Đây là nền tảng rất quan trọng, có cán bộ đầu tàu trong sáng tạo và nhân rộng các mô hình từ vận động, huy động sức dân vào việc chăm lo bảo quản, nâng chất, phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng kinh tế xã hội đã được đầu tư; tìm thêm nguồn vốn, tổ chức liên kết doanh nghiệp vào sản xuất tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước vươn lên khá giàu, góp sức kiến tạo nông thôn, giàu đẹp, văn minh.
Theo nhiều người, đi lên trong gian khó bao giờ rồi cũng tạo ra những mô hình tốt, cách làm hay. Nếu biết cách vận dụng và phát huy đúng lúc đều mang lại kết quả đích thực. Xây dựng NTM trong những năm qua đã và đang chứng minh điều đó, các địa phương phải biết tận dụng và nhân rộng nó trong giai đoạn mới hiện nay.
|
Theo ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh, “xã NTM phải khác những xã khác”. Theo đó, mỗi xã, mỗi ấp nên suy nghĩ sáng tạo ra được mô hình mới cho địa phương. Việc sáng kiến, sáng tạo để nâng chất các tiêu chí NTM không bị hạn chế và luôn là nhu cầu đòi hỏi không chỉ của lãnh đạo mà là của mỗi người dân. |
Bài, ảnh: TRẦN ÚT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin