Khoán xe công không phải là việc làm mới, nhưng mới chỉ dừng ở chỗ…tự nguyện.
Khoán xe công không phải là việc làm mới, nhưng mới chỉ dừng ở chỗ…tự nguyện.
Đề xuất đưa khoán xe công vào nghị quyết Quốc hội (Ảnh minh họa) |
Câu chuyện xe công bắt đầu “nóng” trở lại, khi Bộ Tài chính tiên phong thực hiện khoán, không cấp xe công đưa đón tận nhà đối với cấp Thứ trưởng trở xuống bắt đầu từ ngày 1/10 tới.
Theo nhiều chuyên gia, việc khoán xe công nên nhân rộng ra các địa phương, bộ ngành khác, đặc biệt là cần hoàn thiện cơ chế khoán để tránh lạm dụng nhưng cũng tránh lãng phí trong việc sử dụng xe công.
Theo Quyết định số 1997 của Bộ Tài chính về việc áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công, từ ngày 1/10 tới, các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng sẽ không có xe công đưa đón tận nhà nữa, mà sẽ được khoán kinh phí hàng tháng để đi từ nơi ở đến nơi làm việc. Chi phí này được tính theo số km khoán và đơn giá theo các hãng taxi (loại 4 chỗ) phổ biến trên thị trường.
Theo đó, Bộ Tài chính có ba Thứ trưởng nhận mức khoán 9,9 triệu đồng/tháng, hai Thứ trưởng nhận mức khoán 5,28 triệu đồng/tháng và Thứ trưởng ở gần công sở nhất nhận mức khoán 3,96 triệu đồng/tháng.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc khoán dù ở công đoạn đưa - đón lãnh đạo từ nhà đến trụ sở làm việc cũng sẽ giảm khá nhiều chi phí. Hiện, Bộ Tài chính mới thí điểm, nếu áp dụng rộng rãi cho các bộ, ngành khác thì số tiền tiết kiệm được sẽ rất lớn. Chưa kể là, số xe công trước đây bố trí đưa đón lãnh đạo sẽ được đưa vào phục vụ nhiệm vụ chung.
Việc khoán xe công là một trong những giải pháp để tiết giảm chi chí và quản lý chặt xe công, nhưng lâu nay mới chỉ dựa vào sự…tự nguyện của cán bộ. Ai tự sắp xếp được phương tiện đi lại thì nhận khoán, chứ không bắt buộc. Bởi vậy, việc Bộ Tài chính thí điểm áp dụng khoán xe công đối với chức danh thứ trưởng trở xuống là một việc làm đáng hoan nghênh.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Bộ Tài chính cần tiếp tục mở rộng mức độ khoán và đối tượng khoán, hoàn thiện cơ chế khoán để áp dụng chung cho các bộ ngành.
Theo quy định hiện hành, xe công đưa đón từ nhà đến nơi làm việc chỉ dành cho lãnh đạo có hệ số phụ cấp trách nhiệm từ 1,25 trở lên. Như vậy, cấp bộ chỉ có bộ trưởng, thứ trưởng, còn địa phương chỉ có chủ tịch, bí thư được xe công đưa đón. Thế nhưng thực tế, tại nhiều bộ, nhiều địa phương, những người không thuộc chế độ đưa đón bằng xe công vẫn mặc nhiên sử dụng, thậm chí còn mang xe công đi làm việc riêng, gây lãng phí ngân sách và bức xúc trong dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón lãnh đạo từ nhà đến cơ quan thì chưa đáng kể, vì không giảm được số lượng xe công và vẫn phải phục vụ đi họp hành.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc khoán xe công theo cách Bộ Tài chính làm thực ra mới chỉ dành cho đối tượng dễ tính toán nhất và công đoạn đơn giản nhất là từ nhà đến cơ quan, chứ chưa khoán chi phí công tác, và cũng chưa phải cơ chế điển hình để áp dụng chung được.
Hiện, số xe chức danh cả nước hiện có khoảng 900 chiếc trong tổng số xe công khoảng 37.000 chiếc. Đại diện Cục Quản lý Công sản – Bộ Tài chính cho rằng, chưa thể đồng loạt áp dụng việc khoán xe công tại các bộ và các địa phương trên cả nước. Bởi cơ chế khoán xe công thường chỉ khoán được với một số chức danh nhất định và phải có lộ trình. Điều này phụ thuộc vào địa bàn, đặc điểm từng nơi và đảm bảo được an ninh, an toàn. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đang nghiên cứu việc nhân rộng mô hình khoán xe và tính toán sao cho phù hợp.
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan nay đang nghiên cứu một số địa bàn, một số lĩnh vực hoạt động có thể khoán bắt buộc với chức danh chỉ sử dụng xe đi công tác. Các cơ quan đơn vị chỉ có 1 người chức danh 0,7 hoặc 0,8 nếu theo quy định vẫn được mua xe, mình sẽ tính, chỉ có cấp sở, cấp quận huyện trở lên được trang bị 2 xe, còn cấp thấp hơn vẫn được tiêu chuẩn sử dụng xe nhưng phải nhận kinh phí khoán.
Đến nay, mặc dù Bộ Tài chính là bộ tiên phong trong việc khoán xe công nhưng mới chỉ thực hiện thí điểm và còn dè dặt. Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế sử dụng xe công ở cấp tổng thể, hình thành dịch vụ tổ hợp xe công áp dụng chung cho các khối cơ quan nhà nước trên một địa bàn. Như vậy, không những giảm được số đầu xe của mỗi đơn vị nắm giữ mà còn giảm chi phí bảo dưỡng xe, giảm ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm để “nuôi” xe công.
Theo Việt Hà(VOV.VN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin