Hồi trước, lũ trẻ bạn bè chúng tôi thường có vài ba cách "phân loại" dân cư theo địa phương sinh sống, chẳng hạn như "dân vườn" hay "dân chợ".
Hồi trước, lũ trẻ bạn bè chúng tôi thường có vài ba cách “phân loại” dân cư theo địa phương sinh sống, chẳng hạn như “dân vườn” hay “dân chợ”.
Thường mỗi “kiểu dân” vậy mang theo vài tính cách khác nhau. Như “dân chợ” nhanh nhạy, hoạt bát, bày nhiều trò chơi hơn nhưng cũng hay ra vẻ “ta đây” hơn. Còn “dân vườn” thường rụt rè, khép nép, ngại ngần nhưng giản dị, chân thành vô cùng.
Đáng mừng là kiểu phân chia chợ- vườn này, theo sự đầu tư giúp kinh tế- xã hội phát triển, đã kéo khoảng cách nông thôn và thành thị xích lại gần nhau, nên đã không còn đáng kể. Nhưng giờ đây, trong “không gian 3 chiều” lại xuất hiện một loại dân cư mới: dân mạng.
Cách đây chừng 20 năm, nếu nói “dân mạng” hẳn chẳng ai có thể biết đó là dân gì, ở đâu, sinh sống thế nào, làm việc ra sao?
Nhưng giờ đây dân mạng tuy vẫn còn mờ ảo về phần “thân thế và sự nghiệp” nhưng dường như có mặt mọi lúc mọi nơi, thậm chí lại còn chứa đựng một quyền năng phán xét cực kỳ lớn. Mà một trong những “quyền” thường bị lạm dụng trên mạng nhiều nhất- chính là “ném đá”.
Mới đây, tân Hoa hậu Việt Nam đã phải khóa trang cá nhân trên Facebook để tránh bớt ồn ào... Song, dân mạng đã nhanh tay lục tung mọi “dấu vết” của cô, lật lại “nghi án” từng cắt sửa gì đó để nụ cười xinh hơn. Kẻ chê bai người bênh vực…
Đến nỗi không ít “Facebooker” trào phúng rằng, doanh thu của các cửa hàng vật liệu xây dựng tăng đột biến nhờ việc “ném đá” này.
Không chỉ phán xét, chỉ trích những người nổi tiếng… ngay cả những chuyện nhỏ như tình yêu đôi lứa, hờn giận vợ chồng- vốn là chuyện riêng tư, nay vì lý do nào đó xuất hiện trên mạng cũng có thể bỗng dưng bị “ném đá” dữ dội- đến nỗi người trong cuộc hóa liêu xiêu, tổn thương một thời gian dài.
Tôi bỗng nhớ đến câu văn của Nguyễn Ngọc Tư, rằng “Tội ác đôi khi nảy sinh từ những cú ném đá lặt vặt mà người ta có thể chẳng bao giờ nhận ra. Cho đến một ngày…”
Tất nhiên, không vơ đũa cả nắm khi cư dân mạng đã chê trách nhiều thói hư tật xấu (như chuyện “cướp bia”) hoặc kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ cộng đồng, để từ đó xây dựng xã hội tốt đẹp, nhân văn hơn. Nhưng ở đây, chỉ nói riêng nạn ném đá ảo mà làm đau lòng người thật.
Mong rằng, nếu mỗi người đã có địa chỉ trên cộng đồng dân mạng, xin hãy đừng lẫn lộn giữa chê khen và xúc phạm, giữa phê bình và đố kỵ, giữa gièm pha và lăng nhục... nhất là hãy xem ta là ai và vì sao được quyền “ném đá” vào người khác.
Nếu “trên tay có đá”- tôi cũng thích câu nói của một “dân mạng” rằng: Thôi đừng ném nữa, hãy học cách đặt hòn đá xuống.
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin