Nín thở đi qua vùng sạt lở...

07:08, 12/08/2016

Hàng năm, cứ đến đầu mùa mưa thì tình trạng sạt lở bờ sông tái diễn. Đáng ngại là có chỗ sạt lở đến lần 2, lần 3,  mất hết đường đi, nhà cửa hư hại.

Hàng năm, cứ đến đầu mùa mưa thì tình trạng sạt lở bờ sông tái diễn. Đáng ngại là có chỗ sạt lở đến lần 2, lần 3,  mất hết đường đi, nhà cửa hư hại.

Lo muốn… mất thở

Điểm sạt lở tại ấp Phước Ngươn A (Phước Hậu- Long Hồ) đã được đắp đất gia cố tạm nhưng giao thông vẫn chưa thể qua lại được.
Điểm sạt lở tại ấp Phước Ngươn A (Phước Hậu- Long Hồ) đã được đắp đất gia cố tạm nhưng giao thông vẫn chưa thể qua lại được.

Chúng tôi trở lại điểm sạt lở bờ sông Ông Me thuộc ấp Phước Ngươn A (xã Phước Hậu- Long Hồ)- nơi mà cách đây hơn 1 năm đã xảy ra nhiều lần sạt lở khiến trên 25m đường đan đã biến mất.

Gặp lại bà Nguyễn Thị Hồng Loan- có căn nhà đã nằm kề mép nước và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vụ sạt lở này, chúng tôi được bà cho biết: Đã hơn 1 năm rồi, giao thông đi lại nơi đây đã bị cắt đứt, gia đình bà và nhiều hộ dân phía trong muốn ra bên ngoài phải đi nhờ sang đất người khác.

Nếu quen thân thì xin đi nhờ cửa sau nhà người ta, rất bất tiện. Mới đây, chủ nhà (có đất cho đi nhờ) nói là bị mất trộm nên không cho đi nhờ nữa.

Bí đường, đành phải lội qua chỗ lở mà đi. Đó là chuyện đi bộ, còn những hộ khác đi xe máy thì phải gửi xe bên ngoài hoặc đi đường vòng khá xa.

Bà Loan cho biết thêm, cách đây hơn tuần, chính quyền địa phương có đưa phương tiện đến để đắp đất gia cố tạm đoạn sạt lở này. Nhưng theo quan sát của bà Loan, việc làm này chưa giúp giao thông qua lại được, đi bộ còn khó huống chi là xe máy.

Trong khi đó, tại đây nền đất hổng chân, phía trên còn tấm đan nhưng bên dưới đất trôi hết, hở hàm ếch sâu hoắm, không biết sụp xuống lúc nào.

Đề phòng bất trắc, đoạn này đã được rào tạm để hạn chế người qua lại, nhưng có người vẫn cố tình đi qua vì ngại đường vòng hay đi nhờ qua nhà người khác.

Sắp tựu trường rồi, học sinh qua lại đây nhiều, nếu không sớm cải thiện thì việc đi lại sẽ còn khó khăn hơn. Chưa kể mùa lũ tới, nước tràn, không biết có giữ được đất hay không.

Sống kề điểm sạt lở, bà Loan không khỏi bất an: “Hồi hộp lắm, lo muốn mất thở, không biết lúc nào sạt lở tiếp nữa đây”- bà lắc đầu ngao ngán.

Vận động người dân vào nơi ở mới

Thời gian qua, dọc tuyến sông Măng đã xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, trong đó huyện Mang Thít chịu ảnh hưởng nhiều nhất với 9 xã chịu ảnh hưởng.

Tính riêng các ấp nằm cập tuyến sông Măng thuộc xã Tân Long Hội như: Thanh Phong, Tân Phong 1, Tân Qui và một phần ấp Gò Nhum đã có ít nhất 6 điểm sạt lở lớn, trong đó có những điểm sạt lở vài lần với nhiều đoạn liên tiếp nhau. Đa phần sạt lở đã làm mất hết đường đi.

Cập tuyến sông Măng đã xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Trong ảnh: Điểm sạt lở tại ấp Tân Phong 1 (Tân Long Hội- Mang Thít) làm hư hại nhà dân.
Cập tuyến sông Măng đã xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Trong ảnh: Điểm sạt lở tại ấp Tân Phong 1 (Tân Long Hội- Mang Thít) làm hư hại nhà dân.

Để đến được nhà của chú Ba Nhỏ (Nguyễn Hoàng Sơn) ở ấp Tân Phong 1 (xã Tân Long Hội- Mang Thít), chúng tôi phải gửi xe và đi nhờ qua một trại cưa.

Đến nơi, đúng lúc chú và thím đang xúc cát vào bao để tấn tạm quanh đoạn sạt lở, bảo vệ phần còn lại của căn nhà.

Vụ sạt lở mới đây đã làm cho nửa căn nhà sau của gia đình rớt xuống sông. Đoạn sạt lở này dài khoảng 30m, xâm thực vào bên trong khoảng 6- 7m, mất hết lối đi.

Sạt lở xảy ra lúc nửa đêm, đoạn đê bao đổ sập, không lâu sau đó thì một phần căn nhà của chú cũng rớt theo.

“Bất ngờ thiệt, mấy chục năm nay chỗ này không có chuyện sạt lở như vầy, phía bờ sông còn có một dãy dừa nước mọc um tùm, vậy mà đùng một cái tiêu hết!”- chú Ba Nhỏ chưa hết bàng hoàng kể lại.

Được địa phương hỗ trợ gia cố tạm bằng những bao cát bao quanh đoạn sạt lở, gia đình chú cũng đã đóng tạm cừ tre bên dưới mé sông để thả rau mác nhằm hạn chế sóng ghe tàu đánh vào bờ, đồng thời cơi nới thêm phần thềm nhà trước sân để ở tạm, tránh xa phần đất đã sạt lở.

“Từ bữa lở đất, sập nhà, 2 vợ chồng già chia nhau người ngủ, người thức canh, lỡ có chuyện gì thì kịp mà chạy”- chú Ba Nhỏ cho biết vậy.

Được biết gia đình chú Ba Nhỏ thuộc diện được hỗ trợ tái định cư, hỏi chú sao không vào khu tái định cư ở cho an toàn?

Chú Ba Nhỏ trần tình, ở đây gần con gần cháu, có 2 vợ chồng già vào tái định cư rồi không biết phải làm gì để sống, chưa kể vay tiền mua nền, cất nhà rồi cũng phải trả, nhưng gia đình hiện còn khó khăn quá nên băn khoăn lắm, chưa quyết định được.

Chị Đặng Thị Kim Cúc- công chức địa chính- nông nghiệp xã Tân Long Hội, cho biết: Trong khi chờ gia cố thì trước mắt, địa phương đã phối hợp vận động gia đình vào nơi ở mới, với phương thức hỗ trợ vay mua nền nhà, cất nhà tại khu tái định cư đối với những hộ không còn đất để di dời vào trong.

Hiện xã có 2 hộ bị ảnh hưởng sạt lở thuộc diện được hỗ trợ tái định cư, mặc dù xã đã nhiều lần vận động thuyết phục nhưng chưa hộ nào đồng ý. Việc người dân quyết định ở lại rất khó để đảm bảo an toàn, do đó địa phương sẽ tiếp tục vận động di dời những hộ đủ điều kiện vào chỗ ở mới an toàn hơn.

Trồng bần giữ đất phòng sạt lở

Qua đợt kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương gần đây, TS. Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư từng đưa ra khuyến cáo việc trồng các loại cây như bần, dừa nước, rau mác,… để giữ đất phòng sạt lở.

Liên quan đến việc làm này, ông Nguyễn Minh Quang- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Long Hội góp ý rằng tốt nhất nên trồng cây bần, nhưng theo kinh nghiệm, bần được trồng thường bị sâu đục gãy ngọn, trong khi chúng mọc tự nhiên thì ít bị hiện tượng này và phát triển cũng mạnh hơn.

Riêng cây dừa nước có thể giúp giữ đất bờ sông nhưng do rễ của loại cây này bám đất khá cạn nên khi xói lở khoét sâu thường từng mảng lớn dừa nước bị cuốn trôi theo.

Tại những điểm đã xảy ra sạt lở, phía dưới không còn đất nên không thể trồng bần hay dừa nước thì tốt nhất là đóng cừ tạm rào lại để nuôi rau mác, lục bình vì nó giúp chắn sóng và cũng góp phần bồi tạo phù sa giữ đất. 

™Bài, ảnh: LÊ SƠN

[links()]

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh