Mưa đầu mùa gia tăng: Đề phòng thời tiết cực đoan xảy ra bất thường

07:08, 13/08/2016

Năm nay tỉnh Vĩnh Long đón một mùa mưa với lượng mưa trong những tháng đầu mùa đều đặn hơn mọi năm.

Năm nay tỉnh Vĩnh Long đón một mùa mưa với lượng mưa trong những tháng đầu mùa đều đặn hơn mọi năm.

Dân nông thôn mừng vì qua cơn đại hạn; người thành thị vui vì mưa làm tiết trời mát mẻ. Nhưng nhà bị sập, bị tốc mái do giông, lốc, đường phố bị ngập do mưa rào vẫn còn là nỗi ám ảnh cả dân ở quê lẫn ở thành vì những tai họa của chúng...

Gió mạnh làm cây to cao đổ ngã kéo theo sạt lở một đoạn bờ sông Long Hồ tại xã Hòa Tịnh (Mang Thít) vào tháng 6/2016.
Gió mạnh làm cây to cao đổ ngã kéo theo sạt lở một đoạn bờ sông Long Hồ tại xã Hòa Tịnh (Mang Thít) vào tháng 6/2016.

Lượng mưa đầu mùa cao hơn cùng kỳ

Theo quan trắc của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho thấy, từ giữa tháng 5, mùa mưa năm 2016 đã bắt đầu tại Vĩnh Long mà không có những trận mưa chuyển mùa.

Trong ngày 13/5, tại Trà Ôn xuất hiện một cơn mưa to với lượng mưa ngày là 51.3mm. Sau đó mưa tăng dần về lượng và diện, từ ngày 22- 27/5 hầu hết các nơi trong tỉnh đều xuất hiện mưa to.

Riêng trong ngày 22/5, mưa rào xảy ra trên diện rộng, lượng mưa ngày lớn nhất là 67.6mm tại Vũng Liêm và 62mm tại Mang Thít. Lượng mưa bình quân tại các nơi trong tỉnh ở tháng 5 phổ biến từ 180- 330mm, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (CKNN), chỉ tính lượng mưa nửa cuối tháng 5 đã vượt tổng lượng 5 tháng đầu năm từ 10- 45% so trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.

Nhìn chung, so với TBNN cùng thời kỳ, lượng mưa 5 tháng đầu năm 2016 tại các nơi trong tỉnh cao hơn từ 20-110mm (tương đương 10- 45%).    

Lượng mưa tháng 6 phổ biến từ 150- 250mm, số ngày có mưa từ 16- 23 ngày. So với TBNN cùng thời kỳ, tại trạm Vĩnh Long, lượng mưa vượt gần 20%. Tháng 7, lượng mưa bình quân đạt 250mm, cá biệt tại Mang Thít và Vũng Liêm đạt trên 300mm. So với TBNN cùng thời kỳ, tại trạm Vĩnh Long lượng mưa vượt gần 23%.

Nổi bật nhất là trận mưa vào 26/7 rất to, có kèm theo giông, sét, tại Phường 8 (TP Vĩnh Long) đo được 93,5mm, trạm Mỹ Thuận (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long): 55,8mm, Mang Thít: 65,9mm, Vũng Liêm: 100,3mm, Ba Càng: 12,0mm và Trà Ôn: 64,3mm.

Theo nhận định của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long (Bản nhận định ngày 30/3/2016), lượng mưa trên khu vực Nam Bộ trong những tháng mùa mưa năm nay có thể xấp xỉ TBNN và nhiều hơn CKNN.

Tỉnh Vĩnh Long có tổng lượng mưa toàn mùa mưa ở mức xấp xỉ TBNN; lượng mưa mùa mưa bình quân đạt khoảng từ 1.200-1.500mm. Các tháng giữa mùa lượng mưa xấp xỉ TBNN, các tháng cuối mùa cao hơn TBNN. Thời kỳ ít mưa có thể xảy ra vào tháng 7, tháng 8.

Hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trong năm có thể ít hơn về số lượng trong nửa đầu năm, nhưng sẽ mạnh và phức tạp hơn vào nửa cuối năm khi hiện tượng ENSO (là chữ viết tắt của El Nino Southern Oscillation (El Nino- dao động Nam) để chỉ cả 2 hiện tượng El Nino và La Nina và phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương) trở lại trạng thái trung tính, làm cho lượng mưa tăng lên cùng thời điểm.

Đề phòng những thiên tai cực đoan trong mùa mưa

Thực tế, mưa ở ĐBSCL nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng, nếu trừ yếu tố áp thấp nhiệt đới, bão thì mưa xảy ra không đều trong các tháng mùa mưa.

Có những trận mưa lớn kéo dài, dồn dập từ đợt này sang đợt khác vào tháng 5, tháng 6 làm tăng lượng nước đệm trong thời kỳ từ tháng 7- 8 và làm tăng độ ngập sâu trong các tháng 9- 10. Tháng 9, tháng 10 là 2 tháng mưa có lượng mưa lớn nhất trong năm, lượng mưa ngày có thể trên 50mm. Và trong mùa mưa, có những đợt không mưa kéo dài từ 7 đến hơn 10 ngày (gọi là hạn Bà Chằn).

Chính vì mưa không đều, mưa nắng đan xen nên thường xảy ra những hiện tượng khí tượng và thiên tai cực đoan, nhất là vào đầu mùa mưa. Sau những đợt hạn ngắn hạn là mưa to kèm theo giông, lốc nổi lên làm ngập ruộng, vườn, đường phố, làm đổ ngã cây, công trình, sập nhà tốc mái và gây sạt lở bờ sông, bờ kinh…

Theo tổng hợp của Chi cục Thủy lợi- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh, trong hơn 2 tháng đầu mùa mưa năm 2016 (đến hết tháng 7) trên địa bàn tỉnh, mưa lớn, gió mạnh đã làm hơn 6.500ha lúa Hè Thu trong giai đoạn trổ, chín chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã, nhiều ruộng bị thất thu;

231 căn nhà tại các huyện Long Hồ, Tam Bình, Mang Thít, Vũng Liêm, Bình Tân và TX Bình Minh bị hư hỏng (trong đó có 59 căn bị thiệt hại hoàn toàn với tỷ lệ trên 70%, 51 căn thiệt hại rất nặng từ 50- 70%, 49 căn thiệt hại nặng từ 30- 50%, 69 căn thiệt hại nhẹ dưới 30% và 3 căn nhà bị xiêu vẹo, tổng thiệt hại 2,117 tỷ đồng).

Mưa lớn, giông lốc làm đổ ngã các cây cao, to gần mé sông, mé kinh, làm trượt đất mái bờ cũng góp phần gây ra sạt lở bờ sông, bờ kinh.

Toàn tỉnh đã có 74 điểm/tuyến bờ sông, bờ kinh, rạch bị sạt lở, làm mất hơn 3.300m bờ kèm theo công trình bờ bao, đường giao thông nông thôn trên đó, trên 9.000m2 đất bị tuột xuống sông và 83 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp vì nhà quá sát mé sông, mé kinh.

Những số liệu thống kê những năm gần đây cũng cho thấy những thiên tai cực đoan xảy ra trong mùa mưa đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh như thế nào. Vào cuối năm 2008 đầu năm 2009, mưa dầm kết hợp với triều cường đã làm cho 24.059ha lúa Đông Xuân mới sạ bị ngập chìm trong nước (có 2.667ha bị chết hoàn toàn và 1.543ha phải sạ lại).

Đầu vụ Đông Xuân 2010- 2011, tuy không bị ảnh hưởng bởi triều cường nhưng những đợt mưa to liên tục từ ngày 17- 20/11/2010 đã làm ngập chết hoàn toàn và phải sạ lại 14.433ha lúa mới xuống giống...

Thiệt hại về nhà cửa do giông, lốc xoáy cũng rất cao. Năm 2010, toàn tỉnh có 321 căn nhà bị sập, tốc mái (thiệt hại 496 triệu đồng); năm 2011: 339 căn (thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng); năm 2012: 835 căn (thiệt hại 9,7 tỷ đồng), đây là năm có số nhà bị hư hỏng do giông, lốc cao nhất từ trước đến nay, trừ thiệt hại so với bão số 9 vào năm 2006; năm 2013: 209 căn (thiệt hại lên đến 2,7 tỷ đồng); năm 2014: 185 căn (thiệt hại hơn 9 tỷ đồng); năm 2015: 114 căn nhà (thiệt hại hơn 1 tỷ đồng).

Thời tiết của tỉnh Vĩnh Long vẫn còn chịu ảnh hưởng của mùa mưa trong khoảng từ 4- 5 tháng nữa.

Ngành chức năng và nhân dân tích cực đề phòng và thực hiện các biện pháp phòng, tránh (như chằng chống nhà cửa, di dời đến nơi an toàn ở khu vực cơ nguy cơ bị sạt lở...) những hiện tượng khí tượng cực đoan và các loại thiên tai thường xảy ra trong mùa mưa như giông, lốc, sạt lở bờ sông, rạch, để giảm đáng kể tổn thất về tài sản và tính mạng.

Trận mưa chiều 26/7 nêu trên đã làm nhiều tuyến đường ở các đô thị trong tỉnh bị ngập nặng mặc dù chưa đến thời kỳ cao điểm của mùa lũ, trong đó đáng kể nhất là khu trung tâm TP Vĩnh Long (các phường: 1, 2, 4 và 5) bị ngập từ 40-50cm.

Vào tháng 9, tháng 10, khi những đợt triều cường kết hợp với lũ lớn đầu nguồn sông Cửu Long tràn về và mưa lớn tại chỗ làm cho thành phố bị ngập nặng hơn bao giờ hết. Ngập làm cho cảnh quan thành phố thêm xấu đi, ảnh hưởng các hoạt động kinh tế- xã hội...

Mùa mưa là giai đoạn gian khó nhất của lớp nghèo thành thị: giao thông, hoạt động mưu sinh trắc trở, môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh...

Bài, ảnh: THÀNH THẶNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh