Từ vùng kháng chiến đến đô thị tương lai

05:08, 31/08/2016

Cái Ngang đang chuyển mình từ vùng căn cứ kháng chiến để hướng tới trở thành đô thị mới trong tương lai, với những con đường lớn thông suốt, thương mại sôi động, nhà cửa sung túc. 

Cái Ngang đang chuyển mình từ vùng căn cứ kháng chiến để hướng tới trở thành đô thị mới trong tương lai, với những con đường lớn thông suốt, thương mại sôi động, nhà cửa sung túc. Những người dân sinh ra và lớn lên “ở đây từ đó giờ” vui mừng: “vùng Cái Ngang hôm nay đã được xây dựng, phát triển gấp mấy chục lần ngày qua”.

Chợ Cái Ngang được xem là trung tâm phát triển kinh tế 4 xã “Tứ Lộc”.
Chợ Cái Ngang được xem là trung tâm phát triển kinh tế 4 xã “Tứ Lộc”.

“Không tưởng tượng được phát triển như vầy”

Mỗi lần về lại Cái Ngang, khu căn cứ cách mạng anh hùng- vùng đất từng gánh chịu nhiều mất mát, gian khổ một thời chiến tranh- chúng tôi lại cảm nhận nhiều đổi thay ở vùng đất này.

Những con đường mới mở, đời sống người dân sung túc hơn, cùng những khu phố xá thương mại dần hình thành dáng dấp đô thị…

Ông Lê Văn Chiến- Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết, cụm Cái Ngang là khu căn cứ cách mạng của 4 xã: Phú Lộc, Tân Lộc, Hậu Lộc và Mỹ Lộc.

Trước kia, đây là vùng đất rất khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhưng nay được đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông nông thôn cải thiện góp phần đưa kinh tế- xã hội phát triển mạnh mẽ.

Những tuyến đường trước kia nhỏ hẹp, lầy lội, giờ đây đã được thông thương thành những tuyến giao thông huyết mạch, nối ấp liền ấp, xã liền xã.

Từ Đường tỉnh 909 nối thị trấn Long Hồ xuyên qua Tân Lộc, Hậu Lộc, rồi Mỹ Lộc thẳng đến Song Phú ra Quốc lộ 1, tuyến đường Cái Ngang- Bầu Gốc, tuyến Bầu Gốc- Phú Lộc... Tất cả đã tạo cho Cái Ngang một vị thế trung tâm phát triển.

Nói như lão nông tri điền Nguyễn Văn Ba (Ba Rè, ở Ấp 11, xã Mỹ Lộc): “Bây giờ đường nào cũng về Cái Ngang được. Muốn đi Tam Bình, Long Hồ, Vĩnh Long, Cần Thơ... đều được hết.

Hồi đó đường lầy lội, toàn cầu khỉ, làm gì có cầu Rạch Ranh, Cả Lá? Giờ đường lộ đá, xe 2 bánh đi ngon lành mưa nắng, rồi lộ nhựa xuyên qua ruộng đồng, xe hơi lăn bánh tới trước cửa nhà”.

Từng là người lính và gắn bó với vùng đất Cái Ngang, hơn ai hết, chú Ba Rè cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của quê hương mình. Và trong ký ức của chú: “Chiến tranh qua đi để lại cho vùng đất này cái nghèo khó, hầu như không có gì để phát triển.

Làm lúa mùa chỉ vài ba giạ một năm, phải lặn lội tận Cà Mau, Minh Hải mua lúa ăn. Muốn đi chợ phải bơi xuồng ra Ba Càng hoặc lội bộ xuống Tam Bình. Hồi đó, chợ xã tạm bợ, lụp xụp, vài người bán, có gì bán nấy...”

Nhưng nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng, mà bây giờ “Cái Ngang có điện, đường, trường, trạm… không thiếu thứ gì. Con em có điều kiện thuận lợi học hành.

Đời sống tốt hơn. Nhà phố, chợ mua bán nhộn nhịp… Và tới đây sẽ phát triển lên đô thị nữa, tui nói thiệt, hồi đó tụi tui không dám mơ. Thiệt là ngoài sức tưởng tượng.

Đặc biệt là từ năm 2014, Mỹ Lộc trở thành xã nông thôn mới”- chú Ba Rè bày tỏ sự vui mừng với chúng tôi.

Dáng dấp đô thị xanh “Tứ Lộc”

Cầu, đường được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương.
Cầu, đường được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương.

Nói về việc đưa Cái Ngang lên đô thị loại V trong tương lai, ông Lê Văn Chiến cho rằng vẫn còn nhiều bề bộn, khó khăn và đó là định hướng đến năm 2020.

Tuy vậy, theo ông, vùng Cái Ngang đã và đang trở thành vùng trung tâm của khu vực “Tứ Lộc”. Theo đó, 4 trục đường huyết mạch, vừa phục vụ giao thông vừa phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, giao thương hàng hóa.

Nhờ có cầu, đường giao thương, vận chuyển hàng hóa ở đây dễ dàng hơn nên người dân nâng cao được thu nhập.

Không những vậy, giao thông cũng đưa nhiều nhà đầu tư đến với Mỹ Lộc. Hiện Saigonco.op đang hợp tác nông dân sản xuất lúa hữu cơ tại Mỹ Lộc, với khoảng 30ha, hướng tới xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ sạch Mỹ Lộc cung ứng cho hệ thống siêu thị.

Bên cạnh, 100% diện tích lúa làm cánh đồng mẫu lớn với 1.200ha… Những chuyển biến trong kinh tế nông nghiệp từng bước nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân.

Từ nền tảng nông nghiệp đó, theo ông Lê Văn Chiến, đô thị Cái Ngang sẽ phát triển theo hướng thương mại- dịch vụ xanh cho sản xuất nông nghiệp, gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, tạo cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp.

Theo đó, xã đang quy hoạch bố trí lại vùng trồng cây ăn trái như thanh long, bưởi da xanh, măng cụt, dừa xiêm lùn,... Đồng thời, dự định mở quầy nông sản sạch mà trước hết sẽ thí điểm quầy cung cấp thịt, rau sạch cho người tiêu dùng và hướng khuyến khích nông dân sản xuất sạch.

Trước mắt, xã Mỹ Lộc sẽ quy hoạch, sắp xếp lại chợ, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Củng cố phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ. Hiện thương mại- dịch vụ đã chiếm khoảng 40% trong cơ cấu kinh tế của xã và dự báo còn nhiều “dư địa” phát triển.

Mặc dù con đường lên đô thị loại V của Cái Ngang- Mỹ Lộc còn nhiều bề bộn, như: cơ sở vật chất, hạ tầng ở đô thị còn nhiều khó khăn, nhà phố chưa thật khang trang, hộ dân sử dụng nước sạch chỉ mới đạt hơn 80%, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải chưa đảm bảo, ý thức “đô thị” của người dân chưa cao…

Nhưng với niềm tin lớn lao “trong gian khó nở hoa anh hùng”, cùng sự chung tay, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, một đô thị Cái Ngang sung túc và phát triển đang dần hình thành.

Cái Ngang là 1 trong 3 hạt nhân phát triển các trung tâm thương mại tại các khu đô thị của huyện Tam Bình. Ở đây, một nhịp sống đô thị mới đã và đang hình thành đầy năng động.

Theo Báo cáo của Tỉnh ủy tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động 06, cụm Cái Ngang (Tam Bình) đang lập đề án đánh giá phân loại và công nhận đô thị loại V, ước đạt 76%. Đang điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Trung tâm thương mại Cái Ngang.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh