Ứng xử khi gặp TNGT

10:07, 06/07/2016

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điều đáng nói là thái độ, cách ứng xử của những người tham gia giao thông khi gặp vụ TNGT là còn lảng tránh, ngại liên quan.

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điều đáng nói là thái độ, cách ứng xử của những người tham gia giao thông khi gặp vụ TNGT là còn lảng tránh, ngại liên quan.

Khi gặp người bị TNGT, có điều kiện thì đứng ra cứu giúp hơn là đứng nhìn. Ảnh: HÙNG HẬU
Khi gặp người bị TNGT, có điều kiện thì đứng ra cứu giúp hơn là đứng nhìn. Ảnh: HÙNG HẬU

Những hành vi bỏ mặc, không cứu giúp người bị nạn không chỉ thể hiện sự vô trách nhiệm của người đi đường biết việc, mà còn do thiếu hiểu biết pháp luật.

Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT.

Trong đó, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm:

Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Đối với những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm: Bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Tại Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó nghiêm cấm hành vi: "Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông".

Bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân tự giác chấp hành quy định của pháp luật, pháp luật cũng quy định những chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi không cứu giúp người
bị TNGT:

Căn cứ vào Nghị định 46/2016/ NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế Nghị định 171/2013/NĐ- CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2016:

Phạt tiền từ 500.000- 1.000.000đ đối với cá nhân, từ 1.000.000- 2.000.000đ đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm: Không cứu giúp người bị TNGT khi có yêu cầu.

Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm:

Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. (Điều 102 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009). Cụ thể quy định như sau:

- Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

-  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1- 5 năm:

+ Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

+ Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

- Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3- 7 năm.

Quy định của pháp luật rất nghiêm minh nhưng cũng rất chính xác, tội phạm phải được chứng minh cụ thể về hành vi cũng như mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Thay vì ngồi đó, chờ sự chứng minh về hành vi không phạm tội thì hãy nhân văn đứng lên cứu giúp người bị nạn.

Không cần tòa án hình sự tuyên án, tòa án lương tâm cũng đủ làm ta day dứt trước một mạng người không đáng ra đi nếu ta có đủ điều kiện mà không cứu giúp.

Thực thi pháp luật cũng chính là bảo vệ chính mình. Hãy thử đặt tình huống bản thân là người bị nạn để ứng xử có văn hoá, nhân văn và đúng quy định của pháp luật.

MINH TRUNG (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh