Theo chân các đại biểu HĐND 3 cấp tiếp xúc cử tri tại các địa phương, bên cạnh nhiều kiến nghị an sinh xã hội, thì "ổn định đầu ra nông sản" vẫn là kiến nghị nhiều nhất và là cấp thiết nhất. Điều này không mới nhưng xem ra kiến nghị lúc nào cũng "nóng", bởi xét lại năm nào cũng có một vài nông sản rớt giá, khó tiêu thụ.
Theo chân các đại biểu HĐND 3 cấp tiếp xúc cử tri tại các địa phương, bên cạnh nhiều kiến nghị an sinh xã hội, thì “ổn định đầu ra nông sản” vẫn là kiến nghị nhiều nhất và là cấp thiết nhất. Điều này không mới nhưng xem ra kiến nghị lúc nào cũng “nóng”, bởi xét lại năm nào cũng có một vài nông sản rớt giá, khó tiêu thụ.
Và năm nay cũng không ngoại lệ khi trong tháng 6 vừa qua, vụ lúa Hè Thu bị mưa gió làm ngã rạp, chỉ còn trên dưới 4.000 đ/kg, thương lái lại kỳ kèo khiến nông dân thấp thỏm; thanh long hiện vào mùa đầy ngoài chợ treo giá 5.000 đ/kg, thậm chí 10.000 đ/3kg nhưng chẳng mấy ai mua…
Nông dân Bình Tân đang trúng mùa khoai lang lại… rất hên, bởi hiện nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Trong khi đó, do mấy năm trước thua lỗ liên tục nên năm nay nông dân “không dám trồng” chuyển đổi cây khác, diện tích ít, sản lượng ít nên mới được giá.
Cho là nông dân sản xuất tự phát, làm theo phong trào? Có lần đặt vấn đề này với TS Võ Mai- Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, bà nói ngay “đổ lỗi cho nông dân là không phải”.
Nhiều năm qua, họ phải tự “bơi” trên mảnh đất của mình, không ai giúp nên họ sản xuất cầu may là dễ hiểu. Lỗi ở đây là nhà quản lý, chính sách đầu tư chưa thỏa đáng, mà cụ thể là công nghệ sau thu hoạch như: xử lý, bảo quản, vận chuyển, chế biến... quá yếu, đặc biệt là khâu chế biến gần như bỏ trống nên khi hàng tươi không bán được chỉ có cách đổ bỏ!
Nông sản tới mùa rớt giá, ế ẩm, kể cả nông sản làm theo quy trình tốt, là thực tế. Phải chăng chính điều này mà hiện nhiều nơi nông dân “ngại” tham gia sản xuất theo các tiêu chuẩn nông sản sạch, còn khi tham gia rồi thì thời gian sau cũng xin ra.
Quy trình sản xuất có đi ngược và khâu phối hợp các bộ, ngành chưa thực hiện tốt? Bởi lẽ, Bộ Công thương phải có điều tra nghiên cứu thị trường rồi “đặt hàng” cho Bộ Nông nghiệp- PTNT tổ chức sản xuất. Đằng này, lâu nay chúng ta cứ làm ngược, sản xuất ào ào rồi không biết bán cho ai.
Trở lại góc độ của một đại biểu HĐND trước kiến nghị “làm sao ổn định đầu ra cho nông sản”, có thể thông cảm khi chỉ hứa “tiếp thu và sẽ kiến nghị tìm giải pháp”, bởi vấn đề này xem ra quá… vĩ mô, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bộ ngành mới có thể giải quyết.
Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, nông dân, sản phẩm nông nghiệp không thể “một mình một chợ” mà cần liên kết. Vì vậy, cấp quản lý cần có những chính sách phù hợp cũng như hành động thiết thực hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học vào sản xuất… mới mong nông sản có đầu ra ổn định.
HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin