Quy định về thu thập chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

10:07, 07/07/2016

Ngày 25/11/2015, Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 với nhiều nội dung mới. 

Ngày 25/11/2015, Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 với nhiều nội dung mới.

Trong đó, có quy định về thu thập, cung cấp chứng cứ của các bên đương sự. Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tửu- Phó Chánh án TAND tỉnh về vấn đề này.

* Xin ông cho biết Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có những quy định gì mới về vấn đề cung cấp chứng cứ của các bên đương sự?

- BLTTDS năm 2015 quy định khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác, trừ tài liệu, chứng cứ được giữ bí mật theo khoản 2 Điều 109 bộ luật này nhưng phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác biết.

Đương sự giao nộp chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Đương sự có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ chính xác địa chỉ nơi cư trú của mình. Trong quá trình tòa án giải quyết vụ việc, nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và tòa án biết.

Đương sự có nghĩa vụ nộp chi phí tố tụng theo quy định của pháp luật. Nếu không nộp chi phí tố tụng theo yêu cầu của tòa án thì tòa án đình chỉ giải quyết vụ án.

Cung cấp, giao nộp chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ án dân sự. Đương sự nào yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì phải thu thập, cung cấp cho tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó…

Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không thể đưa ra đủ chứng cứ thì tòa án giải quyết vụ án dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án.

Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù, để bảo vệ cho người yếu thế, BLTTDS năm 2015 quy định rõ một số trường hợp nghĩa vụ cung cấp chứng cứ thuộc về người bị yêu cầu như:

Người tiêu dùng khởi kiện về hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo thì không phải cung cấp chứng cứ mà người bị kiện phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh mình không có lỗi theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đương sự là người lao động trong vụ án lao động hoặc người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì nghĩa vụ cung cấp chứng minh thuộc về người sử dụng lao động.

* Trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập chứng cứ thì sao, thưa ông?

- Theo quy định tại Điều 97 BLTTDS năm 2015, khi đương sự không thể tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền làm đơn yêu cầu tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ: lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng; trưng cầu giám định; định giá tài sản; xem xét, thẩm định tại chỗ; ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự; xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú; các biện pháp khác theo quy định của bộ luật này.

* Về thời gian cung cấp chứng cứ giữa các bên đương sự, BLTTDS năm 2015 quy định như thế nào, thưa ông?

- Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm theo quy định của bộ luật này.

Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm đương sự mới cung cấp tài liệu, chứng cứ thì cần xem xét:

Nếu tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó.

Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ án dân sự.

* Cảm ơn ông!

PHẠM PHONG (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh