Quốc hội sẽ kiểm soát nợ công để không "dẫm lên vết xe đổ"

05:07, 23/07/2016

Ngày 23/7, tại Trung tâm Báo chí- Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tổ chức cuộc gặp mặt với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.

Ngày 23/7, tại Trung tâm Báo chí- Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tổ chức cuộc gặp mặt với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.

Cùng tham dự có các Phó chủ tịch Quốc hội: bà Tòng Thị Phóng, ông Đỗ Bá Tỵ, ông Uông Chu Lưu và Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Tại buổi họp mặt, Chủ tịch Quốc hội nhận được rất nhiều câu hỏi của báo chí về nhiều vấn đề liên quan đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì buổi họp báo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì buổi họp báo.

* Chủ tịch Quốc hội nói sẽ phát huy kinh nghiệm của người tiền nhiệm. Bà tâm đắc nhất điều gì từ ông Nguyễn Sinh Hùng- nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa XIII?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Tôi có thời gian làm việc nhiều với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, từ Bộ Tài chính đến thành viên Chính phủ khi ông là Phó Thủ tướng.

Tôi học tập được rất nhiều kinh nghiệm từ ông, nhưng có lẽ có hai điều quan trọng nhất, đó là bản lĩnh chính trị khi phải đứng trước những quyết định khó khăn và tính quyết đoán cũng như sẵn sàng nhận trách nhiệm với các quyết định của mình.

* Quyền hiến định về biểu tình nêu trong Hiến pháp từ lâu nhưng Luật biểu tình đã bị lùi vô thời hạn. Trong nhiệm kỳ này, bà có dự kiến trả món nợ này?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Quyền biểu tình đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật của chúng ta. Đây là dự án Luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân và cần đảm bảo hài hòa nhiều mục đích.

Do đó việc lùi dự án luật này lại là để nghiên cứu căn cơ, thấu đáo để nó phù hợp với tình hình đất nước. Chúng ta ban hành luật này phải đảm bảo quyền lợi của đất nước và của nhân dân, đảm bảo không rối loạn đất nước.

Nếu ban hành luật này mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn, dân cũng không mong muốn. Quốc hội khóa XIV sẽ nghiêm túc xem xét, sau khi Chính phủ trình dự án, chứ không phải lùi vô thời hạn.

* Nhiều khả năng nợ công vượt giới hạn Quốc hội cho phép là 65% trong năm nay. Nếu xảy ra ai chịu trách nhiệm? Trong vai trò của mình, bà sẽ làm gì để người dân giảm bớt nỗi lo về gánh nặng nợ công? 

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Hiện nay, Quốc hội đang kiểm soát chặt chẽ nợ công. Tuy nhiên, Quốc hội cũng có trách nhiệm, bởi vì quyết định bội chi hàng năm bao nhiêu, phát hành trái phiếu bao nhiêu đều có nghị quyết của Quốc hội.

Nếu như trước đây Quốc hội quyết định nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP nhưng đến cuối năm 2013 nợ công vẫn dưới 65% nhưng nợ Chính phủ vượt 0,3%.

Tới đây, Quốc hội sẽ tính toán lại cách xác định nợ công cho đúng, để đảm bảo an toàn. Ở nhiều nước có thể là 100%, 200% GDP không sao, nhưng với chúng ta thì 65% có an toàn không. Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ nhiều lần có báo cáo riêng cho Quốc hội thảo luận.

Hiện nợ công vẫn trong tâm kiểm soát, tuy nhiên quan tâm của Quốc hội là nợ công có an toàn hay không không phải là nó dưới hay trên 65% mà an toàn là đã vay thì đến hạn phải trả được, và vay để làm gì, có hiệu quả không.

Chúng ta vay để đầu tư đúng mục đích, đảm bảo mang lại hiệu quả thì vay rất cần thiết. Nghĩa là phải đảm báo mức mà nền kinh tế tài chính nhà nước có thể chịu được, không vỡ nợ thì mới an toàn.

Hiện nay nợ công cũng đang có vấn đề, tức là chúng ta vẫn ở mức kiểm soát, nhưng đến thời hạn trả nợ thì có khó khăn, nên đã xảy ra tình trạng vay để đáo hạn, vay mới để trả nợ cũ.

Trước thực tế trên, Quốc hội đã có nghị quyết điều chỉnh để giảm bớt áp lực trả nợ và đảm bảo có hiệu quả các khoản vay. Nghĩa là thay đổi cơ cấu nợ trong nước và nước ngoài; thay đổi cơ cấu vay ngắn hạn thành vay trung hạn và dài hạn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính xu hướng này đang có chiều hướng tốt. Tới đây Quốc hội sẽ kiểm soát nợ công để Việt Nam không dẫm lên vết xe đổ của các quốc gia đi trước ở Châu Âu, Châu Mỹ. 

* Có đại biểu Quốc hội đề xuất lập ủy lâm thời xem xét xử lý vụ Formosa. Quan điểm cá nhân của bà?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Hiện chưa có chủ trương lập ủy ban lâm thời giám sát Formosa. Để có kết luận về vụ việc, Chính phủ đã rất cố gắng, huy động nhà khoa học trong và ngoài nước.

Formosa đã phải cúi đầu nhận lỗi, nhận trách nhiệm, cam kết xử lý. Đó là thắng lợi bước đầu. Chuyện đã diễn ra nhưng đấu tranh để có được kết quả đó, người dân nói là chậm, nhưng xin thưa là không nhanh được đâu. Bởi phải có căn cứ, bằng chứng thì họ mới nhận và việc đó cần cả quá trình đấu tranh.

Đối với vụ Formosa, đây là vấn đề rất lớn, Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm điều tra sớm. Bộ Chính trị cũng đã nhiều lần nghe báo cáo về vấn đề này. Quốc hội chưa lập ủy ban lâm thời nhưng chúng tôi sẽ giám sát rất chặt chẽ, tiếp tục theo dõi quá trình giải quyết.

Đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước đến dự buổi họp báo.
Đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước đến dự buổi họp báo.

* Chủ quyền biển đảo được nêu nhiều trong Quốc hội khóa XIII, Quốc hội khóa XIV sẽ đề cập thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Việt Nam luôn nhất quán lập trường với chủ quyền biển đảo, không có gì thay đổi từ trước tới giờ. Chủ quyền là điều thiêng liêng với mỗi người dân Việt Nam.

Trong điều kiện tranh chấp nhiều bên, Việt Nam phải có biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao và thực địa để bảo vệ chủ quyền, hòa bình, ổn định.

Việt Nam không hiếu chiến, không đe dọa vũ lực, sử dụng vũ lực và yêu cầu các nước khác cũng như vậy.

Còn nhớ, khi giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông, chưa một giờ phút nào chúng ta không có mặt ở vùng biển của chúng ta. Tàu ta nhỏ, ít, nhưng lúc nào cũng có mặt, đấu tranh trên thực địa. Ta yêu cầu không dùng vũ lực. Quốc hội gửi thư cho Quốc hội các nước ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam. 

Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế nên dù không phải là một bên của vụ kiện Biển Đông ở tòa quốc tế, người phát ngôn của Việt Nam đã lên tiếng ngay sau phán quyết. Hiện nay, chúng ta đang nghiên cứu thật kỹ, xem cái gì tác động đến lợi ích của Việt Nam  thì lên tiếng bảo vệ.

* Xin bà cho biết vai trò của dân chủ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như đối với đất nước?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Bản chất chế độ là của dân, do dân và vì dân, theo đó phải tôn trọng dân chủ trong hoạt động nhà nước. Nếu đâu đó xảy ra mất dân chủ, dân chủ hình thức, thì đó là cái sai của của tổ chức, cá nhân cụ thể, không phải bản chất nhà nước. Vai trò dân chủ rất quan trọng.

Ngay trong gia đình, nếu bố mẹ không tôn trọng con cái thì ra đời con cái không tôn trọng người khác. Quyền của trẻ em không phải ở chỗ được chăm sóc, bảo vệ mà còn là quyền phát triển, nói lên tiếng nói của mình. Một đất nước mà không có dân chủ thì lòng dân sẽ không yên, không có sự đồng thuận xã hội.

THANH TÂM (lược ghi)
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh