PV Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Tao- Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ), Sở Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) về hiệu quả của Dự án VLAP, cũng như những vướng mắc và giải pháp tháo gỡ liên quan vấn đề này.
Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (Dự án VLAP) đã góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý nhà nước và phục vụ nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên đến nay, việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là GCN) theo Dự án VLAP có một số vướng mắc, khiến nhiều người dân gặp khó khăn khi thực hiện các quyền của người sử dụng.
PV Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Tao- Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ), Sở Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) về hiệu quả của Dự án VLAP, cũng như những vướng mắc và giải pháp tháo gỡ liên quan vấn đề này.
* Vĩnh Long là một trong 9 tỉnh cả nước được chọn thực hiện Dự án VLAP và được đánh giá là tỉnh triển khai thực hiện khá hiệu quả dự án này. Xin ông cho biết đến nay, tỉnh đã đạt được những kết quả gì từ Dự án VLAP?
- Vĩnh Long là tỉnh đầu tiên của Dự án VLAP đã hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ địa chính dạng số cho 100% diện tích toàn tỉnh, đã kê khai đăng ký, xét duyệt QSDĐ theo dự án đạt 93,33% tổng số thửa cần cấp, tổng số thửa đủ điều kiện cấp đổi GCN là 446.776 thửa (đạt 78% tổng số thửa đã đăng ký), trong đó đã tổ chức cấp phát cho người dân đạt 93% số GCN đã ký. Song song, tỉnh cũng đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu đất đai cho 109 xã- phường- thị trấn và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng thống nhất trên toàn tỉnh.
Kết quả của dự án góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai của tỉnh, cụ thể như: quản lý chính xác các biến động đất đai, làm nền tảng để thực hiện công tác thống kê, kiểm kê đất đai, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quy hoạch, giao đất, cho thuê đất. Thông qua việc quản lý tốt các biến động đất đai đã làm tăng thu ngân sách nhà nước. Cụ thể như, theo báo cáo của Phòng TN- MT huyện Tam Bình có 13.940 hồ sơ hợp thức hóa để cấp đổi GCN đã được cơ quan thuế ban hành thông báo thuế, lệ phí hơn 13,3 tỷ đồng, trong đó 2.846 thông báo thuế đã được người dân nộp xong hơn 6,6 tỷ đồng. Còn tại TP Vĩnh Long, số thu từ tiền sử dụng đất trong năm 2015 là 50,21 tỷ đồng, tăng 1,74 lần so với năm 2014 là 28,85 tỷ đồng.
Đối với người dân, thông qua VLAP, nhận thức của cộng đồng về pháp luật đất đai đã được nâng cao, việc tiếp cận thông tin đất đai cũng được tăng cường bằng nhiều hình thức, chi phí đo đạc giảm hẳn, thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với những hộ được cấp GCN theo VLAP thực hiện nhanh, đơn giản.
* Vâng, đó là kết quả ấn tượng mang lại từ Dự án VLAP. Tuy nhiên, thực tế nhiều người dân phản ánh việc cấp GCN theo Dự án VLAP ở vài địa phương còn chậm, gây khó khăn cho việc thực hiện quyền của người dân đối với mảnh đất của mình. Như vậy, đối với việc đổi cấp GCN theo Dự án VLAP có những vướng mắc nào, thưa ông?
- Hiện nay, những hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp đổi GCN theo Dự án VLAP vẫn sử dụng GCN cũ để thực hiện các quyền của người sử dụng (chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, chuyển mục đích…). Đối với việc cấp đổi GCN theo Dự án VLAP, Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn là các huyện có số trường hợp chưa đủ điều kiện cấp đổi GCN còn nhiều so với các huyện khác trong tỉnh.
Mặc dù đã có sự tập trung chỉ đạo từ tỉnh đến huyện như trên nhưng tiến độ cấp đổi GCN của hộ, cá nhân vẫn chưa đạt so với kế hoạch, do những nguyên nhân sau:
- Về phía cơ quan nhà nước: Khối lượng hồ sơ cần cấp đổi còn khá lớn, đa số là những dạng phức tạp, đòi hỏi phải có kinh phí, nhân sự để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên hiện nay ngân sách huyện chưa bố trí đủ kinh phí để thực hiện. Công chức địa chính mỗi xã chỉ có một người, lại được giao nhiều công việc khác nhau nên việc hướng dẫn thủ tục cho người dân còn chậm. Các chi nhánh (VPĐKĐĐ) phải thực hiện các dịch vụ thường xuyên của đơn vị theo luật định (có quy định thời hạn giải quyết cụ thể) nên không thể huy động cùng lúc nhiều nhân sự để thực hiện công tác cấp đổi.
- Về phía hộ gia đình, cá nhân: Có 2 vướng mắc lớn nhất từ phía người dân.
+ Thứ nhất là các trường hợp chưa đủ điều kiện cấp đổi GCN do chưa thực hiện các thủ tục theo quy định Luật Đất đai như: chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng,… chủ đất gốc đã thế chấp QSDĐ tại ngân hàng (chiếm khoảng 65% trên tổng số các trường hợp chưa đủ điều kiện cấp đổi) nên muốn làm thủ tục chuyển quyền, chủ sử dụng đất gốc phải trả hết nợ vay ngân hàng để rút GCN ra (trường hợp này ngân hàng không đồng ý đổi GCN “tay ba” do diện tích bị giảm). Đây là vướng mắc chủ yếu. Cụ thể như ở Tam Bình, có 16.725 hồ sơ chuyển quyền đã mời dân (lần thứ 4) đến để bổ sung thủ tục nhưng người dân không đến (do không có GCN gốc, đang vay vốn ngân hàng).
+ Thứ hai là trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở (chiếm 20%). Nhưng khi được thông báo phải nộp tiền chuyển mục đích thì rất nhiều trường hợp người dân không có khả năng nộp tiền sử dụng đất và một số hộ không đồng ý ghi nợ (trong khi thực tế đã cất nhà trên đất).
* Như vậy, từ những nguyên nhân nêu trên đây, ngành TN- MT đã có những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ cấp đổi GCN, tạo thuận lợi cho người dân, thưa ông?
- Để đẩy nhanh tiến độ cấp đổi GCN theo Dự án VLAP, thời gian qua, UBND các huyện phối hợp với Sở TN-MT đã có nhiều biện pháp chỉ đạo tích cực như: phân công cán bộ cụ thể phụ trách từng huyện để hỗ trợ công tác phân loại hồ sơ, theo dõi đôn đốc nắm tiến độ thực hiện. Tập huấn cán bộ phòng TN- MT, chi nhánh VPĐKĐĐ và cán bộ địa chính xã các quy định nghiệp vụ chuyên môn để đơn giản hóa thủ tục. Chỉ đạo chi nhánh VPĐKĐĐ tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng để đổi GCN theo hình thức “tay ba”, xác minh diện tích đối với các trường hợp lấn chiếm…
UBND cấp huyện đã chỉ đạo chủ tịch UBND các xã tập trung cho công tác này, đồng thời giao trách nhiệm cho Phòng TN- MT phối hợp với chi nhánh VPĐKĐĐ tăng cường nhân lực hỗ trợ các xã và tập huấn chuyên môn, giải quyết kịp thời những vướng mắc về chuyên môn cho cấp xã.
* Cảm ơn ông!
Ông Phạm Thanh Tao: VLAP được sử dụng và vận hành hiệu quả |
Cơ sở dữ liệu đất đai theo Dự án VLAP được sử dụng và vận hành hiệu quả tại VPĐKĐĐ tỉnh và các chi nhánh. Các biến động đã được cập nhật kịp thời, thường xuyên. VPĐKĐĐ cũng thực hiện việc quét và đính kèm hồ sơ đăng ký đất đai để phục vụ cho công tác cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của người dân và cơ quan được nhanh chóng, thuận lợi. Các chi nhánh VPĐKĐĐ cũng đã thực hiện việc kết nối liên thông với cơ quan thuế để rút ngắn thời gian luân chuyển hồ sơ, xác định nghĩa vụ tài chính của người dân. Cơ sở dữ liệu đất đai chia sẻ đến cấp xã để tra cứu hồ sơ phục vụ cho công tác tham mưu giải quyết của công chức địa chính, đồng thời hỗ trợ công tác lập bộ thuế phi nông nghiệp. Tại TP Vĩnh Long, cơ sở dữ liệu bản đồ địa chính được cung cấp cho Phòng Quản lý đô thị để cập nhật và cấp phép xây dựng. |
TRẦN PHƯỚC (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin