Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: "Qua sự việc này, cá nhân tôi là cũng là đại biểu biểu quyết thông qua, thừa nhận nhận trách nhiệm của mình trước cử tri".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: “Qua sự việc này, cá nhân tôi là cũng là đại biểu biểu quyết thông qua, thừa nhận nhận trách nhiệm của mình trước cử tri".
Sáng 30/6, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Ông Nguyễn Văn Luật (giữa) khẳng định, quan điểm chủ trương về chính sách hình sự trong Bộ luật Hình sự mới là không sai |
Vẫn áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội
Ông Nguyễn Văn Luật cho biết, sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri và nhiều cơ quan khác, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp ngay với các cơ quan liên quan như TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an,… tiến hành rà soát những sai sót của BLHS 2015.
Trên cơ sở báo cáo của các bên, có thể khẳng định những sai sót là lỗi kỹ thuật, chứ quan điểm chủ trương chính sách hình sự là không sai.
Tuy nhiên, những sai sót đó có thể ảnh hưởng, làm bỏ lọt tội phạm, oan sai nên UBTVQH đã quyết định báo cáo các cơ quan và có hướng xử lý.
Đề cập cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, các sai sót thể hiện ở một số dạng như một số quy định trùng hoặc bỏ lọt định lượng; trong một số điều luật có hai cấu thành tội danh, tại một số điều Luật có quy định viện dẫn điều luật khác không chính xác... Điều đó cho thấy sai về kỹ thuật nhưng ảnh hưởng đến sự thống nhất của điều luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh thêm, những điều luật trong Bộ luật có lợi cho người phạm tội vẫn tiếp tục được thực hiện dù lùi thời hạn hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015 và điều này được thể hiện rõ trong nghị quyết.
“Cái đó thể hiện tính nhân văn, hướng thiện của Bộ luật Hình sự mới. Qua rà soát có nhiều điều có lợi cho người phạm tội như quy định liên quan tuổi chịu trách nhiệm, đồng phạm, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm...” – ông Đinh Trung Tụng cho biết thêm.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Việc áp dụng ngay các quy định có lợi cho người phạm tội thể hiện tính nhân văn và hướng thiện của Bộ luật Hình sự mới |
Về việc phải lùi thời hạn hiệu lực của 3 luật: Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13, ông Trần Công Phàn – Phó Viện trưởng VKSNDTC cho biết lý do là có nhiều điều viện dẫn từ Bộ luật Hình sự và liên quan đến điều tra, tuy tố, xét xử chứ 3 luật này không có sai sót.
Tới đây, Toà án NDTC sẽ có hướng dẫn thực hiện những quy định có lợi cho người phạm tội theo Nghị quyết của Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cũng nhấn mạnh: “UBTVQH đã xem xét báo cáo của các cơ quan về tác động của việc lùi hiệu lực thi hành 3 Luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, còn các đạo luật đó không có sai sót.
Do đó, Quốc hội bỏ phiếu chỉ bổ sung vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2016 nội dung sửa một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 mà thôi”.
Nhận lỗi trước cử tri
“Qua sự việc này, cá nhân tôi là cũng là đại biểu biểu quyết thông qua, thừa nhận nhận trách nhiệm của mình trước cử tri.
Qua đó cũng cho thấy quá trình thẩm tra, lấy ý kiến nhân dân cần phải chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng. Báo cáo trình ra vừa rồi cũng đã nói trách nhiệm nào của Quốc hội và của đại biểu” – ông Nguyễn Văn Luật – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ.
Nhấn mạnh trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi để xảy ra sai sót và “thấy có lỗi với cử tri”, ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ đánh giá để có quyết định cần thiết, nhất là làm rõ hơn nữa trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng: "Thấy có lỗi với cử tri" |
“Chính cử tri, nhà chuyên môn và báo chí phát hiện ra sai sót. Điều đó một lần nữa cho thấy vai trò giám sát hết sức quan trọng của cử tri, người dân, dư luận đối với hoạt động của Quốc hội.
Quốc hội khoá XIII sắp hết nhiệm kỳ nhưng khoá XIV và các khoá tiếp theo sẽ tiếp tục chú ý việc phát huy vai trò giám sát của cử tri, người dân và dư luận hơn nữa để nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là về lập pháp”- ông Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ.
Liên quan đến việc các ấn phẩm Bộ luật Hình sự 2015 đã được xuất bản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng khẳng định chắc chắn sẽ phải thu hồi và xử lý theo quy định của luật xuất bản.
Ông Đinh Trung Tụng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết thêm, chưa có số lượng cụ thể ấn phẩm Bộ luật Hình sự 2015 được phát hành nhưng cơ quan liên quan sẽ làm việc với nhà xuất bản để thông tin và trao đổi biện pháp xử lý về sự việc ngoài mong muốn này./.
Kết quả bỏ phiếu biểu quyết có 423 đại biểu (chiếm 85,63% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành lùi hiệu lực thi hành 4 luật; số đại biểu không đồng ý là 11 (2,23%) và 4 đại biểu không biểu quyết (0,81%).
Quốc hội quyết nghị bổ sung Dự án luật sửa đổ, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và trình Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp thứ hai.
Lùi hiệu lực thi hành 4 Bộ luật trên từ ngày 1/7/2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành, trừ một số quy định có lợi cho người phạm tội.
Tiếp tục áp dụng Bộ luật Hình sự số và Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự và Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam hiện hành cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin