Nhà máy giấy Lee & Man: Dự báo hiểm họa giáng xuống dòng sông Hậu

05:07, 01/07/2016

Nguy cơ xả thải của nhà máy là mối hiểm họa chực chờ này sẽ đe dọa trực tiếp cuộc sống hàng triệu cư dân sinh sống trên dòng sông Hậu.

Nguy cơ xả thải của nhà máy là mối hiểm họa chực chờ này sẽ đe dọa trực tiếp cuộc sống hàng triệu cư dân sinh sống trên dòng sông Hậu.

Theo các chuyên gia, nếu Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) đi vào hoạt động và xả thải không kiểm soát ra môi trường bên ngoài, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cả vùng phía Tây Nam của sông Hậu bao gồm các địa phương Hậu Giang, một phần Thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh.

Cần Thơ sẽ là địa phương bị ảnh hưởng đầu tiên khi nhà máy giấy đi vào hoạt động mà không kiểm soát hệ thống xả thải.
Cần Thơ sẽ là địa phương bị ảnh hưởng đầu tiên khi nhà máy giấy đi vào hoạt động mà không kiểm soát hệ thống xả thải.

Mối hiểm họa chực chờ này sẽ đe dọa trực tiếp cuộc sống hàng triệu cư dân sinh sống trên dòng sông Hậu.

Bà Lê Ngọc Diện, phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ cho biết, theo thông tin nắm được thì báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy giấy Lee & Man trong gian đoạn vận hành này chưa hoàn thiện. Chính vì thế, người dân nuôi thủy sản ở Cần Thơ cũng như một số địa phương trong vùng ĐBSCL rất lo lắng.

Bởi chất lượng nước trên sông Hậu quyết định rất lớn đến việc nuôi thủy sản. Trong khi việc đặt nhà máy giấy khổng lồ tại cụm công nghiệp Phú Hữu A sẽ đồng nghĩa với việc đặt một đường ống xả chất thải khổng lồ ra sông Hậu.

Trước thực trạng đáng lo ngại của Nhà máy giấy Lee & Man dự báo tác động xấu đến môi trường, theo bà Lê Ngọc Diện, Hiệp hội đã có lấy ý kiến các hội viên về vấn đề này.

Trong đó, mối quan tâm hàng đầu là cho dù báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy làm đúng theo quy định nhà nước, nhưng trong thời kỳ biến đổi khí hậu như hiện nay, nếu bão lũ hay điều kiện bất thường xảy ra liệu hệ thống xử lý ‎nước thải này có đáp ứng được trong những trường hợp bất khả kháng hay không?

“Vấn đề đặt ra trong trường hợp gặp những vấn đề về biến đổi khí hậu, khả năng nước thải tràn ra ngoài hay không? Nếu xảy ra trường hợp nước thải tràn ra ngoài, người dân nuôi thủy sản và sinh sống trên dòng sông Hậu sẽ rất khổ.

Đặc biệt tại Cần Thơ là nơi nuôi cá tra xuất khẩu trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Trong khi xu hướng chung của thế giới là xem trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì vấn đến quan tâm nhất vẫn là bảo vệ môi trường”, bà Diện lo lắng.

Trước những thông tin liên quan đến nguy cơ xả thải của Nhà máy giấy Lee & Man, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang rất bức xúc.

Bởi lẽ theo ông, trước khi xây dựng nhà máy giấy này thì nhiều nhà khoa học và cơ quan Cục Kiểm Lâm đã đánh động về mức độ nguy hiểm của nhà máy này khi hoạt động sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, nhất là nuôi trồng thủy sản.

Trong khi đó, như chính ông Chung Wai Fu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam thừa nhận chưa có đánh giá tác động môi trường tổng thể mà chỉ có báo cáo từng hạng mục và cho biết sẽ tiến hành gom lại thành một.

Chính vì thế theo ông Nguyễn Minh Nhị, phải có một sự hành xử kiên quyết đối với những dự án mà dự báo trong tương lai sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường.

“Không ai đi làm nhà máy xả độc ra như vậy, nhất là trên vùng trũng của đồng bằng sẽ rất nguy hiểm. Tất cả những vấn đề về pháp lý liên quan ra sao thì không rõ, nhưng lấy việc đã rồi để chèn ép chính quyền, nhân dân, công luận để cho qua là không ổn, cần phải làm kiên quyết”, ông Nhị thẳng thắn nói.

Trước những vấn đề đặt ra đối với nhà máy giấy Lee & Man, nhiều nhà khoa học tại vùng ĐBSCL cũng nêu rõ, cần có một quyết tâm hành động để bảo vệ môi trường. Trong đó, vấn đề chất lượng nguồn nước trên dòng sông Hậu phải luôn được quan tâm hàng đầu.

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, rõ ràng nguồn nguyên liệu tại chỗ không thể đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của nhà máy giấy khổng lồ này.

Đồng thời, vùng ĐBSCL cũng không có những vùng cung ứng lớn nhiên liệu gỗ, chắc chắn nhà máy sẽ phải nhập nguyên liệu gỗ, bột gỗ hoặc nguyên liệu đã qua sử dụng và thực hiện các công đoạn tái chế. Hậu quả của việc làm này sẽ phát sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn về môi sinh cho cả khu vực.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn cũng nêu rõ, đừng để sau khi vùng ĐBSCL bị các đập thủy điện đầu nguồn gây tác động, ảnh hưởng xâm nhập mặn, đưa đến việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất; đảo lộn cuộc sống người dân như thời gian qua thì nay lại phải chịu thêm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước trên con sông lớn nhất của đồng bằng.

“Nhà máy giấy hay bất kì một nhà máy có sức thải lớn đặt bên cạnh dòng sông bao giờ cũng là điều lo ngại. Tất cả những hoạt động của nhà máy sẽ sản sinh ra một lượng độc chất trong nước thải rất lớn. Nếu không có biện pháp xử lý ‎và kiểm soát hiệu quả, hậu quả để lại rất nặng nề.

Đặc biệt tại khu vực này, nguồn nước có liên quan mật thiết đến đời sống sinh hoạt của người dân, diện tích nuôi trồng thủy sản và canh tác nông nghiệp lớn.

Cho nên bất cứ một hóa chất hay độc chất nào đổ xuống cũng làm cho chất lượng nước xấu, làm hủy hoại thủy sinh trong khu vực”, PGS.TS. Lê Anh Tuấn quả quyết.

Theo nhiều nhà khoa học, đặc điểm thủy lực của vùng này là nước từ sông Hậu theo các kênh rạch xuôi về vùng bán đảo Cà Mau rồi thoát thẳng ra biển Tây mà không có sự đẩy nước ngược lại.

Chính vì thế, cả vùng Tây Nam sông Hậu và biển Tây sẽ gánh chịu hậu quả ô nhiễm khủng khiếp từ nhà máy giấy khi xả thải không kiểm soát ra môi trường nước.

Điều mà các chuyên gia khẳng định, khi đi vào hoạt động, ô nhiễm môi trường từ nhà máy giấy là chắc chắn và không thể nào xử lý triệt để được./.

Theo Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh