Từ giã quân ngũ trở về đời thường, với đôi bàn tay trắng và vết thương hằn sâu sau chiến tranh, những người lính cụ Hồ tiếp tục tăng gia, ổn định kinh tế gia đình và không quên nghĩa vụ của mình với địa phương trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Từ giã quân ngũ trở về đời thường, với đôi bàn tay trắng và vết thương hằn sâu sau chiến tranh, những người lính cụ Hồ tiếp tục tăng gia, ổn định kinh tế gia đình và không quên nghĩa vụ của mình với địa phương trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
“Có sá gì những vất vả đời thường!”
Ông Nguyễn Văn Thum phấn đấu vượt khó thoát nghèo và tích cực tham gia công tác xã hội. |
Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An- quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ông Nguyễn Bá Thìn “truyền thống yêu nước đã ăn sâu vào máu thịt của lớp trẻ ngày ấy”.
Năm 1969 khi vừa tròn 17 tuổi, ông Thìn tình nguyện tham gia Thanh niên xung phong, rồi nhập ngũ ở chiến trường miền Đông sôi sục lửa đạn. Khi Bắc- Nam sum họp một nhà chẳng bao lâu, ông lại tiếp tục cầm súng sang chiến trường biên giới Tây Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và sang giúp nước bạn Campuchia, ông Thìn hai lần bị thương nặng. Hiện vẫn còn 2 mảnh đạn trong đầu với tỷ lệ thương tật 65% (thương binh 2/4). “Mỗi khi trái gió trở trời đau nhức lắm”- ông Thìn nói.
Sau 20 năm phục vụ trong quân đội, năm 1990, sau khi xuất ngũ, ông Thìn quyết định chọn đất Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long) làm quê hương thứ hai vì “nơi đây gần gũi với anh em đồng đội”. Với khoản tiền nhỏ trợ cấp khi rời quân ngũ, ông chí thú làm ăn và tích cóp tiền chăm lo 3 người con ăn học.
Khó khăn là vậy nhưng theo ông Thìn, thời chiến sống chết trong gang tấc còn không sợ thì có sá gì những lo toan vất vả đời thường. Do đó, dù còn nhiều khó khăn nhưng ông không quên trách nhiệm trước công cuộc đổi mới đất nước.
Ông Thìn kể, lúc mới về địa phương làm Bí thư Chi bộ ấp, tôi tìm nguồn thanh niên có tư tưởng chính trị, đạo đức tốt; phân công, giao việc và xem sự phấn đấu của đoàn viên để có hướng bồi dưỡng phát triển đảng.
Theo ông Thìn, thời chiến tranh, gian khổ và thiếu thốn nhưng tình đồng chí, tình dân tộc luôn gắn bó.
Nay đất nước đã đổi mới, phát triển hơn nên ông càng hy vọng góp sức cùng gia đình và xã hội, cùng các tổ chức, đoàn thể giáo dục truyền thống để lớp thanh niên trẻ thêm yêu quê hương, quý trọng hòa bình và trở thành những người có ích cho đất nước.
Chăm lo an sinh xã hội
Hiện ông Nguyễn Bá Thìn mở quán mua bán nhỏ. |
Sau 5 năm sang chiến trường K (Campuchia) làm cố vấn quân sự và trực tiếp chiến đấu, năm 1961, ông Nguyễn Văn Thum bị trọng thương với nhiều mảnh đạn ở mắt, cổ, bụng, tay và chân (tỷ lệ thương tật 69%, là thương binh 2/4) khi đánh với bọn diệt chủng Pôn Pốt- Iêng Xary tại tỉnh Kampong Speu.
“Nhiều đêm nhớ lại trận chiến ác liệt năm xưa, tôi còn thấy rùng mình”- ông Thum tâm sự.
Sau gần 1 năm điều trị, ông trở về quê nhà ở ấp Phú Thạnh 4 (Đồng Phú- Long Hồ). Gia đình khó khăn, ông phải “mần mướn đủ việc”- khi thì cắt lúa, đào đất, lúc gánh trấu... để nuôi hai người con ăn học.
Được chính quyền địa phương cất nhà tình nghĩa và Hội Cựu chiến binh thì hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông làm thêm nghề chiết cây giống.
Ông Thum kể, hồi đó tui mần dữ lắm, ngày chưa xong làm tới đêm, căng bóng đèn ra để thấy đường chiết cây. “Nhờ vậy mà dư được chút đỉnh tiền cho con ăn học và kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn”- ông Thum vui vẻ nói.
Từ khi có “của ăn, của để”, ông Thum dành thời gian làm công tác xã hội. Thấy đồng đội còn nghèo khó, ông tìm cách giúp đỡ để họ vươn lên thoát nghèo, đường sá đi lại khó khăn- ông vận động tu sửa…
Có trường hợp hộ nghèo chuẩn bị nhận tiền hỗ trợ sửa nhà từ địa phương, nhưng chưa kịp nhận tiền thì nhà bị sập, ông vận động hỗ trợ “chữa cháy” cho họ.
Với vai trò là Trưởng Ban Đại diện Hội Cha mẹ học sinh các trường, mỗi năm ông vận động trên 100 triệu đồng để nâng cấp, tu sửa các trường.
Ông nói: Tui chỉ mong mình có sức khỏe để góp công cùng địa phương chăm lo hộ nghèo và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo ông Đỗ Văn Kẹo- Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Long Hồ: Toàn huyện có 130 CCB là thương binh.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cho các hộ gia đình thuộc diện chính sách, các cấp hội cũng luôn ưu tiên hỗ trợ cho Cựu Chiến binh là thương binh, nhờ vậy, đến nay toàn hội không còn hội viên là thương binh nghèo.
Bài, ảnh: CHI ĐOÀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin