Huấn luyện bơi phổ cập cho trẻ là việc làm có ý nghĩa vô cùng nhân văn. Bởi ở nước ta- nơi có hệ thống sông ngòi chằng chịt và số người đuối nước thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á- thì đây là một trong những kỹ năng sống rất quan trọng đối với trẻ em.
Huấn luyện bơi phổ cập cho trẻ là việc làm có ý nghĩa vô cùng nhân văn. Bởi ở nước ta- nơi có hệ thống sông ngòi chằng chịt và số người đuối nước thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á- thì đây là một trong những kỹ năng sống rất quan trọng đối với trẻ em.
Dạy bơi phổ cập cho học sinh ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh do Công ty Nhật Quang cung cấp |
Sắp tới đây, Vĩnh Long sẽ được triển khai chương trình “Phổ cập bơi lội học đường” với giáo án huấn luyện bài bản quốc tế và hệ thống hồ bơi đạt chuẩn, an toàn, do một doanh nghiệp trẻ ở TP Hồ Chí Minh đầu tư với tâm huyết hướng đến đối tượng học sinh, đặc biệt là các trẻ em nghèo nông thôn.
Anh là Hồ Bạch Long- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Dịch vụ thể thao giải trí Nhật Quang (Công ty Nhật Quang).
“Phổ cập bơi lội học đường”
Đây là chương trình có tính nhân văn, nhằm hình thành các CLB thể dục thể thao nhóm phù hợp cho sở thích, giới tính, lứa tuổi và sức khỏe trong nhà trường, nhằm trang bị cho học sinh các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực thể chất góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Công ty Nhật Quang hiện là đơn vị đi đầu ở TP Hồ Chí Minh trong việc phối hợp với ngành giáo dục triển khai chương trình dạy bơi phổ cập cho học sinh các cấp và có xe đưa rước học sinh an toàn, tiện lợi.
Hiện công ty đang điều hành 8 CLB tại các trường tiểu học, THCS, và THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: Tây Ninh, Bình Dương, Long An. Mỗi năm, công ty thực hiện được 4 khóa dạy bơi/2 học kỳ, mỗi khóa được 7.000 học sinh.
Với riêng tỉnh Vĩnh Long, anh Hồ Bạch Long khẳng định sẵn sàng làm hết sức mình mà không đơn thuần vì mục đích kinh doanh.
Đó là tấm lòng của người con xa xứ khi có được chút điều kiện muốn đóng góp cái gì đó trong khả năng của mình, như tài trợ các chương trình học bổng cho học sinh nghèo hay các sự kiện văn hóa thể thao ở địa phương.
Trước mắt là cụm hồ bơi Minh Anh đã được khởi công ở Phường 8 (TP Vĩnh Long) với kinh phí đầu tư khoảng trên 3 tỷ đồng; tiếp theo là một hồ bơi ở xã Hựu Thành (Trà Ôn) và một ở thị trấn Cái Vồn (TX Bình Minh), mỗi công trình khoảng trên 1 tỷ đồng.
Đây là những công trình tâm huyết mà anh Long mong muốn có được sự phối hợp hỗ trợ của ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long, các Mạnh thường quân nhằm đào tạo kỹ năng bơi lội cho học sinh ở các cấp học.
Mục tiêu trên hết là chung tay cùng cộng đồng, xã hội kéo giảm những tai nạn đuối nước thương tâm hàng năm.
Từ đây, đẩy mạnh phong trào bơi lội và chúng ta hy vọng trong hàng chục ngàn nhân tố học sinh, sẽ phát hiện và phát triển những năng khiếu, tài năng bơi lội của địa phương.
Nếu công việc thuận lợi thì trong năm tới Công ty Nhật Quang sẽ đầu tư hồ bơi lớn ngay tại xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn) và hoàn toàn miễn phí cho các học sinh nghèo của địa phương.
Đó cũng là tất cả tấm lòng, tình yêu của anh Long dành cho vùng đất quê hương mình. Cái việc mà anh cứ lặp đi, lặp lại là: “Làm được gì cho xã hội, cho quê hương mình, nó “đã” dữ lắm!”
Bất ngờ chuyện lập nghiệp của "rái cá" Hồ Bạch Long
Chỉ mới biết nhau qua cuộc gọi ngắn gọn, ngay sáng hôm sau anh Hồ Bạch Long đã có mặt tại TP Vĩnh Long.
Nụ cười cởi mở, nói chuyện một cách bộc bạch, chân tình, không “ra vẻ” một doanh nghiệp thành đạt. Tôi cũng thẳng thắn bày tỏ thắc mắc của mình: vì sao đang “ăn nên, làm ra”, công việc “nở nồi” thuận lợi ở một thành phố lớn, hà cớ gì lại bỏ ra trên 5 tỷ bạc đầu tư về vùng nông thôn Vĩnh Long?
Chắc hẳn lợi nhuận kinh doanh không phải là mục tiêu số một của sự chuyển hướng đầu tư này.
Câu chuyện trở về với vùng đất nghèo Vĩnh Xuân- một xã xa xôi nhất của huyện Trà Ôn của cái thời hơn 20 năm về trước. Ba má nghèo khó lại đông con, ruộng rẫy không có bao nhiêu, anh Long “xếp” gia đình mình vào dạng nghèo nhất của... xứ nghèo.
“Ngó qua, ngó lại bạn bè đồng trang lứa đa phần đều đi chăn trâu, làm ruộng nghỉ học gần hết bởi cái suy nghĩ rặt ròng miền Tây “lấy táo đong lúa, có ai lấy táo đong chữ bao giờ”.
Vậy mà 5 anh em tôi được ba má lo cho đến trường đầy đủ”- anh Long tâm sự. Đó cũng là lý do gia đình lâm cảnh nợ nần hàng chục triệu đồng. Trong điều kiện đó, được học hết lớp 12 đã là khá lắm rồi, nhưng làm sao “vùng vẫy” bước ra cái vòng lẩn quẩn của xứ nghèo, khi mà nhìn xuống chỉ thấy ruộng, còn ngó lên chẳng thấy... đường ra.
Anh Long “xin ba má cho con ra đi lập nghiệp”, quảy cái giỏ có 2 bộ đồ cũ, má chạy bán giỏ cam sành được 150.000đ đưa cho con dằn túi, đó là năm 1994 anh vừa tròn 20 tuổi.
Ở cái đất địa Sài Gòn không người thân thích, anh Long phải lao vào làm đủ nghề thuê mướn, trong đó có thời gian dài đi phụ hồ với người ta.
Cho đến khi cơ duyên đưa đẩy cho anh gặp được chú Sơn lúc đó là quản lý hồ bơi Lâm Viên (Thủ Đức)…
Khi thấy “con rái cá miền Tây” nhào xuống nước bơi ào ào, dù chả có bài bản gì, chú Sơn ngoắc lại hỏi: “Ê, dân xứ nào mà lội dữ vậy mậy?” “Dạ, con dân Trà Ôn, Vĩnh Long, chú”.
Chú Sơn cười: “Hèn chi, lội như rái cá. Tao khoái dân miền Tây, ở đây làm với tao luôn nghe”. Có khác gì “buồn ngủ gặp chiếu manh”, công việc phụ giúp chú Sơn quản lý hồ bơi, dù lương chỉ có 200.000 đ/tháng, nhưng đó là công việc chính thức, ổn định.
Và đó cũng chính là cái bước ngoặt lớn của cuộc đời dẫn anh Long đến với những thành công của ngày hôm nay. Tôi nói đùa: “Anh tên Hồ Bạch Long, nên vận vào công việc dưới nước là phải rồi”.
Thực ra, thành công đến từ cái tính cách cần cù, chịu khó lại năng động của chàng trai miền Tây thật thà, chất phác là “điểm cộng” để chú Sơn ngày càng giao cho anh Long nhiều việc quan trọng hơn, rồi được đưa đi học hành, đào tạo bài bản và tốt nghiệp khóa huấn luyện viên chuyên nghiệp do Trường Bơi lội Úc (Australian Crawl Swimming Schools) cấp bằng năm 2004.
Giờ đây, có trong tay công ty khá thành công, cùng đội ngũ nhân viên, huấn luyện viên chuyên nghiệp, anh Long luôn đau đáu trăn trở về vấn nạn đuối nước của trẻ em, nhất là trẻ em nghèo vùng đất quê hương mình.
Một kỹ năng sống vô cùng quan trọng, nhưng chưa được quan tâm đúng mức, huấn luyện phổ cập mà hầu hết đều do gia đình tự lo, tự phát.
Chương trình “Phổ cập bơi lội học đường” được giảng dạy theo chương trình giáo án của Trường Bơi lội Úc (Australian Crawl Swimming Schools) và Liên đoàn Thể thao dưới nước TP Hồ Chí Minh, phù hợp với từng độ tuổi dựa trên số tiết học, số học sinh của mỗi lớp, mỗi khóa do nhà trường cung cấp”- anh Hồ Bạch Long (ảnh) cho biết. |
NGỌC TRẢNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin