Khoảng 137 triệu công nhân, tức 56% lực lượng công nhân của Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất việc cao trong hai thập kỷ tới do máy móc tự động sẽ dần thay thế con người, theo một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 7/7.
Các robot làm việc bên cạnh các công nhân tại một dây chuyền lắp ráp ở một nhà máy của công ty Glory Ltd chuyên sản xuất máy đổi tiền tự động tại TP Kazo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Khoảng 137 triệu công nhân, tức 56% lực lượng công nhân của Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất việc cao trong hai thập kỷ tới do máy móc tự động sẽ dần thay thế con người, theo một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 7/7.
Hãng tin Reuters cho biết Đông Nam Á là khu vực có hơn 630 triệu dân và cũng là trung tâm của nhiều ngành sản xuất, bao gồm dệt may, xe ô tô và ổ cứng máy tính. Báo cáo của ILO cho biết ngành dệt may, giày dép ở Đông Nam Á có nguy cơ bị tự động hóa cao nhất trong số 5 ngành nghề được nghiên cứu, bao gồm lắp ráp ô tô, sản xuất phụ tùng ô tô, sản xuất đồ điện và điện tử, gia công quy trình kinh doanh và bán lẻ.
Báo cáo cảnh báo 64% số công nhân ngành dệt may và giày dép ở Indonesia có nguy cơ mất việc cao do tự động hóa. Tại Việt Nam, máy móc tự động sẽ khiến 86% công nhân ngành dệt may và giày dép có nguy cơ mất việc cao. Trong khi đó, con số này ở Campuchia là 88%. Hiện có khoảng 9 triệu công nhân làm việc trong ngành dệt may và giày dép ở Đông Nam Á. Báo cáo có đoạn: “Robot đang ngày rẻ hơn, hiệu quả hơn trong việc lắp ráp và có khả năng hợp tác với con người cao hơn”.
Báo cáo của ILO cho biết các công nghệ hiện đại bao gồm in 3D, công nghệ nano, tự động hóa bằng robot có thể gây đổ vỡ cho ngành dệt may ở Đông Nam Á. Tăng trưởng xuất khẩu của ngành này có thể sẽ giảm mạnh nếu như hai thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tự sản xuất áo quần nhờ tự động hóa. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả xã hội lớn đối với các nền kinh tế ASEAN, chẳng hạn Việt Nam và Campuchia. Việt Nam đang chứng kiến đầu tư kỷ lục trong ngành dệt may và giày dép nhờ các hiệp định tự do thương mại với các thị trường lớn, bao gồm Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương đang chờ nước phê chuẩn.
Đối với ngành lắp ráp và sản xuất phụ tùng ô tô, có hơn 70% công nhân ở Thái Lan có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc tự động. Con số này ở Indonesia là hơn 60%. Thái Lan là trung tâm sản xuất và xuất khẩu của các hãng xe hàng đầu thế giới. Ngành công nghiệp ô tô đóng góp 10% trong tổng GDP hàng năm của Thái Lan.
Báo cáo của ILO cho rằng các công nhân ở Đông Nam Á cần phải được đào tạo để làm việc hiệu quả bên cạnh máy móc được số hóa.
“Các nước có thế mạnh nhân công giá rẻ cần phải tái định vị chính họ. Lợi thế nhân công giá rẻ là không đủ. Các nhà hoạch định chính sách cần tạo ra một môi trường thuận lợi giúp đẩy mạnh đầu tư vốn con người, nghiên cứu và phát triển cũng như sản xuất hàng hóa có giá trị cao”, Deborah France-Massin, Giám đốc Văn phòng giám sát hoạt động của các chủ sử dụng lao động thuộc ILO cho biết.
Theo TBKTSG Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin