Ghi nhanh ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia

06:07, 01/07/2016

Đề Toán và Ngoại ngữ được đánh giá hay, có khả năng phân loại học sinh cao. Thời tiết thuận lợi như ủng hộ hết mình cho kỳ thi lớn.

Ngày thi đầu tiên và cũng là lần đầu tiên tình Vĩnh Long tổ chức một kỳ thi lớn, ghi nhận chung là thí sinh dự thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đề Toán và Ngoại ngữ được đánh giá hay, có khả năng phân loại học sinh cao. Thời tiết thuận lợi như ủng hộ hết mình cho kỳ thi lớn.

Nhẹ nhõm ra về sau ngày thi đầu tiên.
Nhẹ nhõm ra về sau ngày thi đầu tiên.

Thầy cô, cha mẹ hết lòng

Mới 5 giờ 30 phút sáng, nhiều phụ huynh đã chở con em đến điểm thi để chuẩn bị mặc dù đến 6 giờ 45 phút các em mới vào phòng thi. Em Huỳnh Gia Bảo được cha chở từ Tân Lộc lên thi và đi về mỗi buổi, rất vui vì được thi gần nhà.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hồng Anh- phụ huynh em Đặng Ngọc Như băn khoăn “con gái thi y điểm chuẩn cao nên cô lo lắm”. Ngọc Như không chỉ đi thi với mẹ mà còn có anh trai đưa rước.

Cô Anh nói thêm: “Thầy cô cũng thương tụi nó lắm, hôm trước thi còn nấu nồi chè đậu cho cả lớp ăn”. Cô Nguyễn Thị Út ở tận Bình Tân, lần này đưa con đi thi Vĩnh Long xa hơn nhiều so với thi ở Cần Thơ. Cô cười nói: “Thi ở đây tuy xa, nhưng ăn uống miễn phí, ở trọ 1 phòng chỉ có 50.000 đồng/ngày hà”.

Tại điểm thi THPT Trần Đại Nghĩa, nhiều thầy cô của các trường THCS- THPT Hòa Bình, THPT Phan Văn Hòa,… luôn túc trực ngoài cổng trường. Khi có những thí sinh đầu tiên bước ra khỏi phòng thi, câu hỏi đầu tiên là “Làm bài được không”.

Thầy Trãi- THPT Phan Văn Hòa cho biết, nhà trường cử giáo viên đến mỗi điểm thi để động viên tinh thần cũng như nắm bắt tình hình thi của các em.

Đề thi vừa sức

Thí sinh quay quanh thầy giáo sau khi thi xong môn Toán.
Thí sinh quay quanh thầy giáo sau khi thi xong môn Toán.

2 môn thi Toán và Anh văn là 2 môn bắt buộc đối với thí sinh muốn xét tốt nghiệp THPT, cho nên số thí sinh dự thi rất đông. Tùy theo năng lực mà thí sinh nhận định đề thi khó dễ khác nhau. Tuy nhiên, đánh giá chung vẫn là đề hay, vừa sức.

Đánh giá về đề Toán, nhiều thầy cô giáo cho rằng năm nay đề tương đối “cứng” so với các em thi chỉ để xét tốt nghiệp. Ra phòng thi khi chỉ mới hết 2/3 thời gian, em Lê Thế Vĩ cho biết mình chỉ có thể kiếm 3- 4 điểm do đề khó. Còn em Phan Thị Kim Anh thì  chắc chắn “không bị điểm liệt”.

Ngược lại, ở Hội đồng thi THPT Quốc gia cụm thi số 65 tình hình đề thi có vẻ “không quá tình hình”. Giáo viên dạy Toán Trường TH Cấp II- III Hòa Bình (Trà Ôn) cho rằng: “Đề hay, có khả năng phân hóa thí sinh cao. Các em khá có thể tìm điểm 6-7”.

Đề thi ngoại ngữ mà cụ thể là môn Tiếng Anh nhẹ nhàng hơn, thí sinh trung bình đã có thể thở phào chờ ngày thi thứ 2. Em Phương- THPT Tân Lược cho biết, với     90 phút làm bài vừa đủ để đọc câu hỏi, chọn đáp án. Đề có một phần khó để cho các bạn học sinh khá, giỏi.

Em tự đánh giá được 6 điểm. Các thí sinh thi tại điểm thi THPT Bình Minh cũng hớn hở do đề vừa sức. Nhiều em cho biết, môn Tiếng Anh là khó “nhằn” nhất, nhưng thi xong với đề tương đối cũng giúp cho tinh thần thoải mái trước những môn thi tiếp theo.

 

Em Nguyễn Thị Mỹ Linh- học sinh Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự (Vũng Liêm), mồ côi cha, sống với mẹ và anh trai, nhà chỉ có 1 công đất.

Anh hai của Mỹ Linh vì hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học khi mới 13 tuổi, đi làm thêm phụ mẹ. Hiện nay, anh đi trồng cà phê cho nông trại ở Tây Nguyên. Mẹ Linh “ai thuê gì mần nấy”. Lớp 12, Mỹ Linh là học sinh giỏi, em cũng chính là ước mơ “đi học để thoát nghèo của cả nhà”. Linh chia sẻ: “Em muốn học ngành công nghệ thực phẩm. Em rất vui vì được đi thi, ăn, ở miễn phí còn được thầy cô bạn bè quan tâm giúp đỡ. Em sẽ cố gắng thực hiện ước mơ, xứng đáng với niềm tin của mọi người”.

Em Hà Minh Huy- Học sinh trường THCS- THPT Hòa Bình (Trà Ôn) là một trường hợp rất khó khăn của trường. Huy mồ côi mẹ từ nhỏ, cha đi làm ăn xa, hiện giờ chỉ có 2 anh em sống ở xã Xuân Hiệp.

Những ngày thi này, cha không thể về động viên tinh thần nên đó cũng là một thiệt thòi đối với cậu học trò nhỏ. Nhưng Huy tâm sự, miễn cha điện thoại về hỏi thăm là vui rồi.

Tuy có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân lại cận trên 10 độ, em vẫn quyết tâm thi để đậu tốt nghiệp. Ước mơ của em là tốt nghiệp để đi làm công nhân may, phụ giúp cha nuôi đứa em đang học lớp 10.

Em Lê Thị Hồng Thâu- Học sinh Trường TH Cấp II- III Hòa Bình.

“Em ước được làm nhà báo từ nhỏ”. Ngày em đi thi, mẹ mượn được 100.000 đồng cho em “dằn túi” nay vẫn còn nguyên. Cha mẹ Hồng Thâu đều sống bằng nghề làm thuê, công việc bấp bênh. Đi thi ĐH không tốn tiền đối với gia đình Thâu như một câu chuyện cổ tích “Em không ngờ mình được miễn phí hết như vậy, mẹ em mừng đến khóc”- Hồng Thâu nói. Nhiều năm liền là học sinh giỏi, yêu thích môn Văn, cô gái nhỏ này quyết tâm vào giảng đường ĐH. Thâu khẳng định: “Em sẽ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho việc học”.

Bài, ảnh: HUYỀN DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh