Những người nông dân tay lấm chân bùn thiệt tình không hề biết "tăng trưởng âm" là cái gì, họ chỉ biết rằng năm nay thất mùa dữ lắm.
Những người nông dân tay lấm chân bùn thiệt tình không hề biết “tăng trưởng âm” là cái gì, họ chỉ biết rằng năm nay thất mùa dữ lắm.
Lũ trẻ về vườn ngoại trưa hè rảo rảo kiếm trái sầu riêng rụng- không thấy, lắng nghe hương mít chín- không có… chúng khó mà hình dung được “ảnh hưởng của hạn mặn” nhưng hậu quả đã bày ra trước mắt.
Nếu tính bằng số liệu, ngành nông- lâm- thủy sản cả nước 6 tháng đầu năm giảm 0,18%. Riêng nông nghiệp khu vực ĐBSCL giảm tới hơn 2,1% còn Vĩnh Long giảm gần 4%.
Nông nghiệp vốn được xem là chỗ dựa đặc biệt trọng yếu của miền Tây Nam Bộ, song vẫn được đánh giá là đầu tư chưa xứng tầm cả về vốn, kỹ thuật, hạ tầng cơ sở,… Và đây là lần đầu tiên, sau một kỳ hạn mặn, đã tăng trưởng ở mức dưới 0- như một hồi chuông báo động chăng?
Người nông dân nói gì? Rằng nghề nông quá thua thiệt, thị trường đã bấp bênh, nắng mưa lại thất thường. Nên như nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam từng nói, không ai muốn cho con làm nghề nông- như mình.
Và không mấy người trẻ muốn ở lại ruộng đồng. Rằng, cứ loanh quanh luẩn quẩn giữa nuôi con gì, trồng cây gì giữa vùng thời tiết thuận lợi hàng chục năm nay còn chưa khá, giờ thêm “biến đổi, hạn mặn” làm sao khá nổi?
Tại Diễn đàn “Vì ĐBSCL thịnh vượng và thích ứng với khí hậu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà còn phải là nền nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao của Đông Nam Á và rộng hơn là của Châu Á trong tương lai:
“Nếu thực hiện được tầm nhìn này, chúng ta coi như đã hoàn thành được một trong những sứ mệnh khó khăn nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước nói chung và nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng”.
Và Thủ tướng cũng nhìn nhận: “Sự sụt giảm sản lượng nông nghiệp ở vùng này sẽ không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà sẽ tác động rõ nét đến giá lương thực, làm suy yếu an ninh lương thực của toàn cầu” bởi đây là vựa lúa lớn nhất, chiếm 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước và 1/5 lượng gạo thương mại toàn cầu.
Có rất nhiều nguyên nhân từ thời tiết, biến đổi khí hậu cho đến chủ quan về chính sách, đầu tư, sự liên kết,… nhưng dẫu vì vấn đề gì, thì từng tỉnh- thành và vùng ĐBSCL vẫn rất cần được đầu tư thích đáng để có thể phát triển nông nghiệp bền vững- nhất là khi những “thuận lợi trời cho” lâu nay đã không còn nhiều nữa.
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin