Hôm rồi có dịp về quê, nghe các anh chị cán bộ xã Tân Phú (Tam Bình) đang cật lực chuẩn bị cho ngày khởi công "cây cầu mơ ước".
Hôm rồi có dịp về quê, nghe các anh chị cán bộ xã Tân Phú (Tam Bình) đang cật lực chuẩn bị cho ngày khởi công “cây cầu mơ ước”.
Cây cầu sẽ nối mấy cái ấp chơ vơ ngăn sông cách thủy cho liền lại với cả xã, cả huyện, cả tỉnh… con đường mở rộng dường như đến vô bờ.
Bà con rôm rả, cán bộ xã ấp hết lòng, chị chủ tịch UBND xã ra sức vận động, rồi huyện, tỉnh hỗ trợ, rồi đóng góp của người dân… số tiền lên tới gần cả tỷ- không phải là chuyện nhỏ với một xã ruộng đồng.
Cái vui nhất là chỉ cần “hô một tiếng” liền người góp công, người góp của. Chị bán thịt heo ngày nào cũng đem vô “bếp xã” ký thịt, anh nuôi vịt “đăng ký” một cặp để kho gừng. Ấp trên chục buồng chuối già, ấp giữa nửa thúng gạo… Cánh phụ nữ xúm xít phụ nấu cơm. Cánh mày râu lưng trần đi cưa cây, xẻ gỗ…
Hồi trước để qua sông rạch, người quê thường hạ dừa, đốn tre để làm cầu nối đôi bờ. Hình ảnh này đã gắn bó hàng trăm năm, thấm cả vào dân ca “ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…” thậm chí sau này còn “phát triển tư duy” lên thành “khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời”… cho câu hát ru thêm đầy nỗi niềm và chiêm nghiệm.
Nhưng tuổi nhỏ thường vô tư. Có biết bao lứa học sinh tính đường đi học bằng số cầu tre lắt lẻo. Có đứa nói từ nhà đến trường phải qua 3 cây cầu, đứa khác “xì” một tiếng coi thường, nhà tao phải qua tới 8 cây cầu, mà cây dài nhứt tới gần… 20m.
Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa đường sình lầy cầu càng trơn trợt, lũ nhỏ mắm môi mắt chăm chăm ngó dưới chân xuyên qua dòng nước… bữa té sông tập vở trôi lềnh bềnh, bạn bè lại nhảy ùm phụ vớt, râm ran cả khúc sông quê.
Nghĩ thương lũ trẻ, nên giờ đây, ở các xã miệt sông nước, chuyện những “cây cầu đã gãy” luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân và cán bộ. Ở xã nào, huyện nào mà nhẩm tính “không còn cầu khỉ” là thêm nhẹ một mối lo.
Những chiếc cầu tre lắt lẻo giờ đây chỉ còn rất ít ở vài con rạch hoặc ở điểm du lịch để du khách thử “cảm giác mạnh”.
Song, chiếc cầu tre thật sự là một chứng nhân lịch sử cho giai đoạn hàng trăm năm của miền Tây sông nước, như một biểu tượng của vùng đất đi qua gian khó. Bởi bước qua những chiếc cầu tre, là mở ra biết bao hy vọng cùng tương lai tươi sáng.
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin