Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, nhiều đại biểu (ĐB) rất đồng tình cho rằng
Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, nhiều đại biểu (ĐB) rất đồng tình cho rằng, chuyên đề giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 cần được xem là cái gốc của vấn đề.
ĐB tham gia đóng góp về dự kiến chương trình giám sát của QH. |
* Giám sát rõ trách nhiệm tổ chức và cá nhân
Trong 4 nội dung giám sát trình ra Quốc hội tại kỳ họp này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cân nhắc rất kỹ, vì tất cả đều là những vấn đề rất nóng và rất bức xúc hiện nay.
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì tất cả những vấn đề bức xúc đó đều có một điểm chung. Hay nói cách khác, các bức xúc đó đều có chung một nguyên nhân, đó là sự vận hành của bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức.
Theo nhiều ĐB, lâu nay chúng ta thấy vấn đề này nổi lên, vấn đề kia nổi lên, dư luận ồn ào và nhiều người cũng nhận ra rằng bộ máy nhà nước có vấn đề. Bộ máy nhà nước tự thân nó không làm nên được điều gì mà nó được tạo nên bởi hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, nếu một bộ máy tốt, một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm thì sẽ không có một nền hành chính còn nhiều ách tắc và phiền hà, không có đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, để hàng tỷ, hàng triệu đô la lãng phí mỗi năm được cộng thêm vào gánh nợ công vốn đã quá sức chịu đựng.
Nếu có bộ máy tốt, không có việc xả thải làm ô nhiễm và hủy diệt môi trường khủng khiếp như ở một số tỉnh Bắc miền Trung vừa qua, không có tình trạng phá rừng nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều nơi và không có nạn cấp khống giấy chứng nhận hợp chuẩn phân bón, cấp khống giấy chứng nhận chất lượng thủy sản và thức ăn chăn nuôi làm cho người nông dân khốn đốn, không có tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay…
Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận): Hiện nay, sự vận hành của bộ máy nhà nước và việc thực hiện trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang là nguyên nhân chủ yếu của mọi vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội và rất cần Quốc hội giám sát.
Ông đề nghị, cần triển khai nội dung giám sát cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Trong giám sát cần làm rõ thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hành chính các cấp và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Bùi Văn Phương (tỉnh Ninh Bình) cho rằng, đây là nội dung mang tính chất bao trùm.
Hiện nay bộ máy tổ chức nhà nước của ta gần như kín, từ thôn, xóm, tổ dân phố cho đến Trung ương. Bộ máy đầy đủ, chức năng, nhiệm vụ được quy định theo pháp luật cũng đầy đủ nhưng vẫn xảy ra nhiều chuyện để người dân ai oán.
Theo ĐB Phương, chúng ta để người dân ăn bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường ô nhiễm cũng đều là lỗi của bộ máy cán bộ.
Chúng ta rất buồn khi báo chí nói “ăn không từ một thứ gì”, giờ lại xuất hiện thêm một từ nữa là “bán không từ một thứ gì”, bán từ giấy chứng nhận VietGAP, bán đến giấy chứng nhận sản phẩm lưu hành, bán hao mòn con dấu.
Con dấu đóng ‘thực phẩm đã được kiểm nghiệm” nhập cả vào siêu thị, những con dấu đó chuyển cho người giết mổ cứ đóng thoải mái, rồi đếm con trả tiền phí đóng dấu.
Cũng theo ĐB Phương, gốc rễ vẫn là bộ máy. Chúng ta biết 70% nhân dân đóng thuế nuôi bộ máy, nhưng bộ máy không làm tròn trách nhiệm mới để hậu quả như thế. Đề nghị cần phải tập trung ưu tiên cho một bộ máy thật sự trong sạch.
* Nên có giám sát toàn diện về môi trường
ĐB đề nghị cần có giám sát tối cao về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. |
Ngoài 4 vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất, nhiều ĐB còn đề xuất cần đưa vấn đề môi trường vào diện giám sát tối cao.
Theo nhiều ĐB, khoảng chừng hai, ba năm trở lại đây, đặc biệt từ đầu năm đến nay vấn đề môi trường là vấn đề hết sức bức xúc. Trong đó cụm từ “Formosa” được nhắc đi, nhắc lại. Những sự cố môi trường, thảm họa môi trường, đặc biệt là vụ Formosa ở Hà Tĩnh làm cho một bộ phận lớn cử tri, nhân dân rất băn khoăn, bức xúc.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần có chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên, môi trường đưa. ĐB đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời, để điều tra, xác minh và phải làm việc tới nơi, tới chốn.
Trong nhiệm kỳ này nước ta sẽ triển khai thi hành 2 hiệp định rất quan trọng là hiệp định tự do với EU và hiệp định TPP. Vấn đề môi trường tác động thẳng vào phát triển kinh tế của đất nước.
Chúng ta thương lượng, ký kết để mở rộng thị trường trên thế giới để hàng hóa tăng cường việc xâm nhập các thị trường. Nhưng nếu chúng ta không bảo vệ được môi trường của chính mình thì có những luật chơi chung của quốc tế là họ tẩy chay hàng hóa của mình.
Do đó vấn đề môi trường không chỉ tác động vào đời sống của chính chúng ta, của nhân dân mà còn là vấn đề đóng góp vào phát triển và tăng trưởng kinh tế trong những năm sắp tới.
ĐB Lê Xuân Thân (tỉnh Khánh Hoà) đề nghị trong Chương trình giám sát chuyên đề năm 2017 cần có giám sát chuyên đề về việc thi hành Luật bảo vệ môi trường một cách toàn diện.
Nội dung giám sát, đề nghị phải giám sát xem văn bản luật của chúng ta có đi vào cuộc sống không, hay dừng lại ở những quy định chung chung mà thực tế không chấp nhận và không thể thi hành để có biện pháp sửa, bổ sung. Ông cũng thống nhất nên có một Ủy ban lâm thời giám sát dự án Formosa.
Bởi vì, đây không chỉ là sự cố môi trường mà còn là thảm họa môi trường, chưa biết bao giờ khắc phục xong và không ai dám đảm bảo nguy cơ này có còn xảy ra nữa hay không.
Bài, ảnh: THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin