Cần có sự chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

07:07, 29/07/2016

Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm 2016, ông Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đề nghị

Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm 2016, ông Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đề nghị, cần có sự chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tổng kết nghị quyết về chiến lược biển.  

Phát biểu trong phiên thảo luận, ông Trần Văn Rón đồng tình với báo cáo của Chính phủ về những thuận lợi cũng như những khó khăn hạn chế và các giải pháp khắc phục để thực hiện đạt nghị quyết đã đề ra trong năm 2016.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, Chính phủ có nhiều cố gắng, chỉ đạo kịp thời để tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô, kềm chế lạm phát, quyết tâm thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, tiền tệ…

Tìm các giải pháp hữu hiệu nhất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, xác định đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm chổ dựa cho nền kinh tế hiện nay.

Cử tri cả nước hết sức đồng tình và ủng hộ các chủ trương của Chính phủ trong thời gian vừa qua.

Từ thực tiễn ý kiến, kiến nghị của cử tri ở các địa phương, ông Trần Văn Rón đề xuất một số vấn đề cho những tháng còn lại của 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.

Theo đó, việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với phát triển và xây dựng nông thôn mới, đây là chủ trương hết sức phù hợp với đất nước ta.

Chúng ta đã có đề án, đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành nhưng việc vận hành để thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp còn chậm.

ĐBSCL và các địa phương có diện tích trồng lúa nhiều cũng chỉ mới dừng lại ở những cánh đồng mẫu lớn, lợi nhuận mang lại cho người trồng lúa không nhiều. Hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đầu tư chưa đúng mức, chưa có bước đột phá.

Các tuyến QL53, 54, 57 là những tuyến giao thông trong yếu nối liền các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre quyết định việc phát triển kinh tế của cả vùng nhưng hiện nay vừa hẹp, vừa xuống cấp gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa cũng như việc đi lại của bà con cử tri.

Người nông dân hiện nay vẫn tiếp tục chiến đấu một cách đơn lẻ đi tìm vật nuôi, cây trồng mới, theo kiểu may rũi, thiếu bền vững, chưa có sự hỗ trợ và đồng hành căn cơ của nhà nước.  

Trước nguy cơ tác hại của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, đây là thách thức lớn đối với nền nông nghiệp của nước ta. Cử tri cám ơn Chính phủ đã có những hỗ trợ, ứng phó kịp thời đối với những địa phương bị khô hạn, xâm nhập mặn thời gian qua.

Tuy nhiên, Chính phủ cần nghiên cứu xem xét có những giải pháp đồng bộ hơn, tích cực hơn, bền vững hơn trong chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho toàn vùng của ĐBSCL nói riêng và cho ngành nông nghiệp của chúng ta nói chung.

Một vấn thứ hai là vấn đề mà cử tri, đại biểu Quốc hội cũng đã nói rất nhiều đó là tình trạng hàng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng…

Chúng tôi rất mong Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương hành động một cách quyết liệt hơn để tình hình này sẽ giảm hoặc không còn nữa.

Vấn đề thứ ba là việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia. Chúng ta đã có Nghị quyết 09 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đây là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với một quốc gia có diện tích biển gấp 3 lần diện tích đất liền.

Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã có Nghị định 67 và Nghị định 89 hướng dẫn giao các bộ, ngành hỗ trợ ngư dân tiếp cận nguồn vốn nhưng chủ trương này thực hiện rất chậm.

Nghị quyết 09 ra đời đến nay đã 10 năm, đề nghị Chính phủ có sự tổng kết đánh giá xem việc đầu tư cho phát triển kinh tế biển được thực hiện như thế nào, đồng thời có những giải pháp để tiếp tục thực hiện một cách toàn diện để đưa nước ta trở thành một nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực.

Cũng liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương, đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm, chúng ta đã nghiên cứu và đầu tư cho biển Đông rất nhiều, nhưng ở cực Tây Nam của Tổ quốc cũng có một vùng biển Tây cũng khá rộng lớn, tiềm năng kinh tế cũng dồi dào như đảo Phú Quốc, có khả năng phát triển kinh tế biển và du lịch rất cao; quần đảo Nam Du có lượng nước ngọt đủ cung cấp cho các tỉnh phía Nam, đảo Thổ Chu được xem là một chốt tiền tiêu, có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng và an ninh, cửa ngỏ trên đường biển, để đi vào các tỉnh phía Nam.

Biển Tây cũng là nơi nhạy cảm, trong lịch sử cận đại cũng từng có những tranh chấp đổ máu.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu thêm chiến lược phát triển biển Tây và đặc biệt là trong chiến lược quốc phòng an ninh khu vực, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải chủ động trong mọi tình huống mới có thể bảo vệ được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam của chúng ta.

THANH TÂM (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh