Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6:

Hãy yêu nghề như yêu bản thân mình

Cập nhật, 15:40, Thứ Hai, 20/06/2016 (GMT+7)

Là một người mới bước chân vào nghề báo, đối với tôi thật nhọc nhằn và đầy lo lắng. Anh bạn đồng nghiệp cứ cười bảo “nghề này là nghề của những âu lo”. Tôi bâng quơ, đôi mắt tròn xoe với vẻ đầy khó hiểu. Rồi dần cũng ngộ ra, cái nghề mà mình đang theo đuổi có lắm cái để lo.

Bằng tình yêu nghề những người làm báo có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Bằng tình yêu nghề những người làm báo có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Lo đối với mỗi sản phẩm báo chí mà mình dày công thực hiện là đề tài.

Lúc chưa tìm được đề tài thì cứ hỏi “không biết sẽ viết gì đây?”. Khi có đề tài rồi thì hớn hở triển khai để đi, để viết. Tích góp từng mớ nhỏ tư liệu, từng câu nói chứa đựng thông tin, rồi ghi ghi, chép chép giống cái kiểu người ta đi chợ chuẩn bị cho bữa cơm.

Về tòa soạn thì nặn tim vắt óc để viết. Đến khi viết xong nộp bài cho BBT (lại lo lắng) “không biết viết vậy ổn chưa, có sai sót gì không?”. Rồi thì bài cũng được lên mặt báo.

Niềm vui vì đứa con tinh thần được được đến với công chúng, với độc giả, mang những thông tin cần thiết cung cấp cho mọi người chưa được bao lâu thì nỗi lo lắng đi tìm đề tài mới lại bắt đầu. Vậy là cái vòng lo lắng ấy lại trở về với điểm xuất phát.

Nhưng một khi đã bước chân vào nghề báo bằng tình yêu, bằng nhiệt huyết tuổi trẻ thì mới thấy rằng cái nghề này “cám dỗ” những người làm báo đến mức nào.

Những bước chân chúng tôi qua, trên mảnh đất quê hương vốn còn nhiều cơ cực đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm về cuộc sống.

Nghề báo là cơ hội cho chúng tôi có thể tiếp xúc, gặp gỡ với mọi thành phần trong xã hội, từ lãnh đạo địa phương, đến quan chức các cấp, hay những doanh nhân thành đạt, cho đến những thân phận còn nhiều khó khăn trong xã hội như anh xe ôm, chị bán xôi, người nông dân lam lũ, trẻ em mồ côi cơ nhỡ…

Và cả những câu chuyện vui buồn, những kỷ niệm khó quên trong mỗi chuyến hành trình đi tìm cái đẹp, phản biện cái chưa đẹp. Chị bạn đồng nghiệp, một sáng đi ruộng khoai lang, về cơ quan hý hửng với đôi chân và bộ đồ còn dính sình bảo “đi ruộng khoai bắt được cả mớ ếch bán cho cả nhà đây!”.

Hay anh bạn đồng nghiệp cùng tôi đi đến một xã vùng sâu, được người dân đưa qua sông bằng chiếc xuồng ba lá “bé tẹo”, đã vậy phần mũi xuồng còn thủng một lỗ lớn được vá tạm bằng sình non, khiến hai anh em có một phen hú vía.

Hú vía mà vui vì hình ảnh quê đâu phải lúc nào cũng gặp, và tấm tình quê đâu phải lúc nào cũng đong đầy. Hoặc những miếng dưa hấu ngọt lịm giữa cái nắng gay gắt của mùa hè được bác nông dân đưa cho, rồi tủm tỉm cười bảo “đây là miếng dưa hấu ngon nhất mà tụi con được ăn”.

Những kỷ niệm vui buồn trong nghề báo không thể nào nói hết. Không vui sao được khi đâu đó là niềm hạnh phúc của những cảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình.

Cũng từ những bài viết mà không biết bao nhiêu gương điển hình, người tốt việc tốt, mô hình hay,…cũng được nhân rộng.

Thế nhưng song hành cùng nghề báo không chỉ có vinh quang, niềm vui mà còn cả nỗi buồn. Chị Bích Chi-Phóng viên Phòng Thời sự Đài PTTH Vĩnh Long, gạt nước mắt nhớ về nhân vật mà Chương trình Địa chỉ nhân đạo đi khảo sát, có hoàn cảnh hết sức khắc khổ.

Chị còn nhớ cả cái ghì chặt tay níu kéo trong hoàn cảnh ấy cùng câu hỏi xé lòng: “Cô ơi! Vậy là không cứu được con tôi hả cô?”.

“Là một phóng viên của mục địa chỉ nhân đạo, bản thân tôi và những người thực hiện chương trình luôn muốn giúp đỡ được thật nhiều nhân vật, giúp họ vượt qua bệnh tật, vượt qua hoàn cảnh để có cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng đôi lúc “lực bất tòng tâm”.

Nhìn người ta quằng mình trong cơn bĩ cực mà không làm gì được, bản thân tôi cứ thấy lòng trĩu nặng”- phóng viên trẻ Bích Chi gạt nước mắt chia sẻ.

Là người làm báo, chúng tôi phải đương đầu với rất nhiều thử thách và cám dỗ. Không ít trường hợp cảm xúc đánh lừa bản thân. Vì vậy mỗi khi được ngồi cùng các đồng nghiệp là lại được dặn dò “cần giữ cái tâm trong sáng, cái đầu lạnh và trái tim nóng với nghề”.

“Đừng bao giờ nghĩ rằng bản thân hoàn thành công việc tốt để được khen mà cứ nghĩ rằng làm tốt mọi việc vì trách nhiệm trên vai mình. Một bài báo viết ra đôi khi nó tác động đến nhiều số phận”- Một anh đồng nghiệp vào nghề đã lâu năm nhắc nhở./.

Bài, ảnh: Ngọc Liễu