Lốc xoáy đang vào mùa: Nắm vững quy luật để giảm thiệt hại

10:06, 09/06/2016

Thời tiết tỉnh Vĩnh Long đang bước vào mùa mưa, cũng là thời kỳ lốc xoáy xảy ra nhiều nhất. Trong vòng chưa đầy một tháng (19/5- 7/6/2016) đã có hàng chục ngôi nhà ở các huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Bình Tân và TX Bình Minh bị thiệt hại…

Thời tiết tỉnh Vĩnh Long đang bước vào mùa mưa, cũng là thời kỳ lốc xoáy xảy ra nhiều nhất. Trong vòng chưa đầy một tháng (19/5- 7/6/2016) đã có hàng chục ngôi nhà ở các huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Bình Tân và TX Bình Minh bị thiệt hại…

Những lồng, bè nuôi thủy sản ven các sông lớn phải được neo đậu, chằng chống vững chắc để phòng lốc xoáy gây hại.
Những lồng, bè nuôi thủy sản ven các sông lớn phải được neo đậu, chằng chống vững chắc để phòng lốc xoáy gây hại.

Những vùng có nguy cơ cao xảy ra lốc xoáy

Theo ngành chức năng và chính quyền sở tại cho hay, số nhà bị hư hại nêu trên không chỉ là nhà yếu, tạm bợ mà còn xảy ra ở những nhà đã thực hiện “3 cứng” (nền, tường, mái), nhà xây tường cũng bị tốc mái, cùng với nhiều cây cối, cột điện bị đổ ngã... Vì vậy nên lốc xoáy rất nguy hiểm, có thể so sánh như bão nhưng phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn bão.

Tỉnh Vĩnh Long đang trong thời kỳ đầu của mùa mưa, thời kỳ chịu ảnh hưởng chính của gió mùa Tây Nam, cùng với gió mùa Đông Bắc (thời kỳ cuối mùa mưa) là 2 thời kỳ lốc xoáy xảy ra nhiều nhất.

Lốc thường xuất hiện song song với giông. Chúng xảy ra không liên tục mà theo từng đợt, thường sau những đợt không mưa, hoặc hạn ngắn hạn (hạn Bà Chằn) trong mùa mưa. Khi trời “chuyển mưa” là ngay sau đó giông, lốc kéo đến.

Phạm vi ảnh hưởng của gió trong lốc xoáy là nhỏ, không phủ rộng liên huyện, liên tỉnh hay cả khu vực ĐBSCL như bão mà vùng ảnh hưởng thường là những vùng bằng phẳng, trống trải, có diện tích vài chục đến vài trăm hecta.

Đối với tỉnh Vĩnh Long, vùng có nguy cơ bị lốc xoáy “quét” qua là dải đất ven các sông lớn, kinh trục chính, các quốc lộ lớn có hướng vuông góc với 2 hướng gió chính Đông Bắc, gió Tây Nam vì có khoảng rất trống trải, không có vật cao chắn gió.

Trong đó, thời kỳ đầu mùa mưa, thường các vùng ven sông Hậu bị lốc nhiều nhất, thời kỳ cuối mùa mưa là dải đất ven sông Tiền, sông Cổ Chiên bị ảnh hưởng lớn.

Các cù lao, cồn trên sông lớn bị ảnh hưởng cả 2 mùa. Nhà cửa, công trình ven các kinh, rạch lớn có hướng vuông góc với 2 hướng gió chính vừa nêu đều bị gió lốc gây ảnh hưởng.

Ở đất liền, số nhà, công trình ở giữa đồng trống hoặc ở cuối hướng gió của khu đất trống, những lồng, bè nuôi thủy sản ven các sông lớn cũng thường hay bị lốc gây hại...

Phòng, tránh lốc xoáy như thế nào?

Từ đặc điểm, tính chất và xác định những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của lốc xoáy như đã nêu trên, đối với tỉnh Vĩnh Long, biện pháp khả thi nhất hiện nay là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đốn hạ những cây cao, dễ gãy gần nhà, gần công trình; đối với cây cao, to có sức chống chịu tốt thì chỉ mé bớt, để chắn gió; khẩn trương chằng chống nhà, công trình cho chắc chắn.

Ở nơi trống trải, những nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng, ngói phải được dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có lốc xoáy, bão, áp thấp nhiệt đới.

Các ngành chức năng quản lý công trình điện, bưu chính- viễn thông nên tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn. Những lồng, bè nuôi thủy sản ven các sông lớn cần phải được neo đậu, chằng chống vững chắc...

Mỗi người dân nên hết sức đề phòng, cảnh giác tác hại của lốc xoáy và cả sét vì sét thường song hành với giông, lốc.

Người đi trên sông lớn, khi thấy đám mây gây mưa, giông kéo đến thì phải nhanh chóng trở vào bờ hoặc di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn.

Khi ở trên đất liền, khi trời mưa lớn kèm theo giông, cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến những nơi an toàn, vững chắc hơn. Khi xảy ra lốc xoáy mọi người phải tìm những nơi trú ẩn an toàn như các nhà kiên cố, tránh núp dưới bóng cây, nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn.

Trong xây dựng nhà ở, công trình cần kiên cố, liên kết chắc chắn các bộ phận như mái, tường, cửa.

Ở những nơi có điều kiện, có đất rộng thì nên trồng hàng cây có độ chống chịu cao để chắn gió mạnh thổi vào nhà. Hàng cây phải trồng giữ khoảng cách với nhà ở để khi cây ngã không trúng nhà, trước mùa mưa phải cắt ngọn cây với độ cao tối thiểu bằng đỉnh nhà.

Đối với những nhà yếu, các cấp chính quyền nên tích cực vận động người dân tự chằng chống hoặc hỗ trợ về người, vật tư, kỹ thuật cho dân chằng, chống để giảm thiểu thiệt hại.

Mùa mưa ở Nam Bộ còn kéo dài đến 5- 6 tháng nữa. Tháng 7, tháng 8 là thời đoạn ít mưa của mùa mưa cũng là lúc giông, lốc xoáy thường xảy ra nhiều nhất. Những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của lốc xoáy cần thực hiện ngay các biện pháp phòng, tránh để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản ở mức thấp nhất.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh