Làm báo thời cạnh tranh thông tin- nhanh nhưng phải đúng

01:06, 21/06/2016

Mỗi năm vào dịp 21/6, chúng tôi lại có dịp ngồi lại với nhau trao đổi và bàn luận về vị trí, vai trò của nhà báo: đã làm được gì để đóng góp cho quê hương, cho phát triển kinh tế địa phương, cho xã hội tươi đẹp hơn? 

Mỗi năm vào dịp 21/6, chúng tôi lại có dịp ngồi lại với nhau trao đổi và bàn luận về vị trí, vai trò của nhà báo: đã làm được gì để đóng góp cho quê hương, cho phát triển kinh tế địa phương, cho xã hội tươi đẹp hơn?

Nhà báo- còn được trân trọng gọi là “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”- hôm nay, đang có nhiều điều kiện tốt để phát triển nghề nghiệp, khẳng định năng lực và cống hiến. Nhưng thời đại kỹ thuật số cũng đặt ra rất nhiều vấn đề nóng rẫy về trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp mà mỗi người cầm viết luôn phải tự vấn.

Phóng viên các cơ quan báo chí Vĩnh Long tác nghiệp trong một sự kiện
Phóng viên các cơ quan báo chí Vĩnh Long tác nghiệp trong một sự kiện

Nhanh nhưng phải đúng

Sự phát triển như vũ bão của Internet, công nghệ đã và đang chi phối hoạt động truyền thông một cách mạnh mẽ, đòi hỏi người làm báo phải “chạy theo” cho kịp. Tốc độ thông tin lan truyền nhanh chóng, gần như tức thời và dường như phạm vi thông tin đã không còn ranh giới địa lý.

Bất kỳ đâu, khi nào chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, nhà báo (hoặc người dân cũng có thể làm báo với sự hỗ trợ của mạng xã hội) đã có thể đưa những tin hiện trường nóng hổi về tòa soạn và đăng tải.

Đến nay, rất nhiều tờ báo địa phương truyền thống đã khai thác thêm trang tin điện tử để tăng hiệu quả truyền thông và thu hút thêm lượng độc giả đông đảo. Chẳng hạn, trang tin điện tử Vĩnh Long Online chính thức hoạt động từ tháng 2/2010 và đến nay đã thu hút lượng truy cập lớn mỗi ngày.

Lượng thông tin mới, nóng trong và ngoài tỉnh cập nhật nhanh hàng giờ là yếu tố giúp Vĩnh Long Online “lôi kéo” độc giả…

Ở đây, chúng tôi không đề cập đến một loại hình truyền thông cụ thể, mà nói chung đến một trong những đòi hỏi cơ bản mà báo chí rất chú trọng hiện nay là tính nhanh, kịp thời. Thời cạnh tranh thông tin, làm sao báo chí vừa đáp ứng tính thời sự, vừa đảm bảo tính định hướng, phải đúng và chính xác?

Với kinh nghiệm dày dạn trên “chiến trường” làm báo, nhà báo Gia Khánh- Phó Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long- cho rằng đôi khi thông tin nhanh thì thường thiếu tính cẩn thận, thiếu kiểm định, chính xác.

Khai thác thông tin từ nhiều kênh khác nhau, nhà báo thận trọng phải biết kiểm định, xác định nguồn tin từ đâu, có đủ tin cậy hay không.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay điều này có vẻ “lập lờ”, nhiều thông tin không dẫn nguồn, hoặc dẫn theo “nguồn tin riêng” truyền tải, lan đi rất nhanh và khi có sự cố “thông tin nóng vội, không chính xác” thì rất nguy hại.

Nhất là trong thời cạnh tranh thông tin trên các tờ báo, trang tin điện tử hiện nay, theo nhà báo Gia Khánh, các trang tin, báo mạng thường sao chép thông tin của nhau mà ít được kiểm chứng, nên những thông tin thiếu chính xác sẽ rất nguy hại cho cả “dây chuyền”.

Vì báo mạng là không biên giới, nên mức độ ảnh hưởng, tác động của nó sẽ vô cùng rộng lớn và đôi khi đưa tới những hậu quả khó lường trước.

Thực tế, đã có nhiều thông tin “tốc độ” đã gây tác hại lâu dài. Gần đây, phóng sự giả tạo “Cây chổi quét rau” phát trên “Cà phê sáng với VTV3” ngày 3/5, khiến VTV phải đưa phóng viên- người làm phóng sự lên sóng xin lỗi người dân xã Vĩnh Thành (huyện Vĩnh Lộc- Thanh Hóa) về sự gán ghép, dàn dựng trong tác phẩm.

Mà những người làm báo nói chung chắc chắn đều thức tỉnh một lần nữa về trách nhiệm của truyền thông đối với xã hội. Dư luận vẫn chưa hết “hậm hực” khi hàng ngàn nông dân trồng xoài ở ĐBSCL điêu đứng vì giá rớt thảm hại.

“Hậm hực” vì, theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, thông tin sử dụng túi bao trái xoài có nguồn gốc Đài Loan có độc xuất hiện lần đầu vào tháng 5/2015 trên một tờ báo chính thống.

Lần đó, nông dân điêu đứng vì không bán được xoài. Các cơ quan chức năng chỉ rõ một số cơ quan truyền thông đưa tin thất thiệt khiến người tiêu dùng e ngại mua xoài.

Một tờ báo đã bình luận chua chát “ngòi bút có độc” và ví von một viên đạn lạc có thể chỉ làm bị thương một người, một ngòi bút có độc viết ra một bài báo có thể làm vô số người lâm vào cảnh khốn cùng.

Nhà báo Phương Nam- Trưởng Phòng Phóng viên Báo Vĩnh Long, nhận định rằng: “Thật ra độc giả đọc báo rất kỹ, từng chữ, từng câu. Trách nhiệm của nhà báo lớn lắm, mỗi thông tin đưa ra đều được lan truyền rộng rãi đến người dân, giai tầng xã hội, lứa tuổi. Vì thế, báo chí có sức tác động rất lớn.

Mỗi sản phẩm của báo chí đưa ra, đều phải nghĩ viết cho ai, viết làm gì. Nhà báo phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết”.

Phải có đạo đức và tri thức

Báo chí hiện đại có sự đồng hành của các doanh nghiệp và bạn đọc, trong công tác xã hội. Trong ảnh: Ban Biên tập báo nhận tượng trưng tiền hỗ trợ công tác xã hội.
Báo chí hiện đại có sự đồng hành của các doanh nghiệp và bạn đọc, trong công tác xã hội. Trong ảnh: Ban Biên tập báo nhận tượng trưng tiền hỗ trợ công tác xã hội.

Hiện nay, người làm báo có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển nghề nghiệp và tiếp cận nền báo chí hiện đại, nhưng phải thừa nhận, yêu cầu đặt ra cho người làm báo ngày càng khắt khe hơn.

Và ở bất kỳ thời điểm nào, theo nhà báo Gia Khánh: “Nhà báo phải trang bị kiến thức, nhận biết thông tin nào vô lý, không có cơ sở, trái quy định”. Bởi báo chí hiện đại đa phương tiện, không chỉ giới hạn loại hình báo in truyền thống, phạm vi thông tin địa phương.

Vì thế, nhà báo Gia Khánh nhận định 2 vấn đề nhà báo cần lưu ý, đó là: “Người làm báo phải trang bị kiến thức rộng và sâu, đánh giá mức độ thông tin ngay từ ban đầu để có nguồn tin chuẩn xác hơn.

Càng trang bị kiến thức chuyên sâu, nghề báo càng vững vàng hơn. Tiếp đến, cần xác định nguyên tắc cơ bản của thông tin phải lấy từ nguồn tin cậy, và đồng thời, nhà báo phải có trách nhiệm với thông tin của mình từng phút từng giây”.

Xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, luôn yêu cầu nhà báo cao hơn, càng nhanh càng phải chính xác.

Theo nhà báo Phương Nam: “Làm báo truyền thống trước đây nhanh theo kiểu khác, thời công nghệ cạnh tranh thông tin hiện nay cực kỳ nhanh, nên tính chính xác sẽ chông chênh hơn.

Điều đó đòi hỏi nhà báo cũng phải tinh nhạy và sâu sắc hơn. Nhà báo cần phải hiểu biết rộng và sâu, đánh giá nhanh thông tin có chính xác hay không, có đem lại lợi ích cho người dân hay gây tác hại gì không?

Theo tôi, công việc của nhà báo: nhanh và chính xác phải đi song hành, đồng thời phải có tầm nhìn- chuyên môn sâu, đạo đức nghề nghiệp cao. Thời cạnh tranh thông tin, trách nhiệm của nhà báo phải càng cao”.

Hơn 20 năm làm báo, nhà báo Quốc Dũng- Phó Phòng Thời sự (THVL) “chuyên trị” mảng kinh tế, cũng cho biết cảm nhận sự hội nhập của nhà báo ngày càng rõ ràng hơn. Và theo anh, càng viết báo kinh tế càng thấy khó, vì những thông tin kinh tế nếu không được xử lý khéo thì sẽ trở nên hại cho doanh nghiệp, người sản xuất.

Cũng đồng tình với nhà báo Gia Khánh và Phương Nam, nhà báo Quốc Dũng cho rằng: Thời đại thông tin mạng như hiện nay, càng phải cân nhắc hơn vì nguồn thông tin không tin cậy, chưa qua kiểm chứng.

Do vậy, nhà báo có lương tâm phải viết những gì mình mắt thấy tai nghe, từ thực tế cuộc sống chứ không thể lấy thông tin từ bàn phím, là “copy” và “paste”.

Và dù nhà báo viết lĩnh vực nào, thì theo nhà báo Quốc Dũng phải có phẩm chất đạo đức tốt để không bị “sa ngã”.

“Có trường hợp doanh nghiệp muốn dùng báo chí để thông tin những điều có lợi cho mình, thổi phồng quá mức. Theo tôi thì nhà báo có trách nhiệm không dễ sa ngã vào những việc như vậy, điều mà có thể đánh đổi bằng chính uy tín cá nhân và cơ quan báo chí của mình.

Tuy nhiên, thời gian qua cũng có nhiều những nhà báo nhũng nhiễu doanh nghiệp, bị đem ra truy tố, họ là những con sâu làm rầu nồi canh.

Từ những sự vụ đó cho thấy việc quản lý nhà báo, giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho nhà báo trong giai đoạn hội nhập này sẽ không bao giờ cũ. Điều đó sẽ gọt giũa trui rèn để có những nhà báo giỏi viết về kinh tế với cái tâm trong sáng”- nhà báo Quốc Dũng nói.

Khi nói về trách nhiệm xã hội của nhà báo, nhà báo Gia Khánh đặt vấn đề: “Chắc có lẽ ai làm nghề cầm viết cũng phải hiểu mình viết cho ai, viết để làm gì?” Còn nhà báo Phương Nam cũng có góc nhìn tương tự: “Thời cạnh tranh thông tin đặt yêu cầu đối với nhà báo cao hơn.

Nhà báo phải thật giỏi mới đáp ứng được yêu cầu 2 chữ nhanh và đúng. Nhà báo phải luôn đặt câu hỏi: thông tin đưa ra để làm gì? Giải quyết được câu hỏi này, xác định đúng mục đích thông tin, thì dù có thông tin nhanh tới đâu cũng không vấn đề gì”.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh