Đạt bao phủ BHYT cao, đó chính là văn minh, hiện đại

06:06, 03/06/2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các bộ, ngành chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành cả nước "về đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân" ngày 3/6/2016. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các bộ, ngành chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành cả nước “về đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân” ngày 3/6/2016.

Tại điểm cầu mỗi tỉnh, thành có bí thư, chủ tịch UBND các địa phương tham dự. Đây là cơ sở để nâng cao tinh thần chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách BHYT.

Người dân có BHYT đến khám và nhận thuốc tại trạm y tế phường.
Người dân có BHYT đến khám và nhận thuốc tại trạm y tế phường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu: Đây là cuộc họp rất quan trọng, bàn về chính sách có ý nghĩa nhân văn với mọi người dân. Những vấn đề chúng ta chưa làm được trong thực hiện BHYT cần được nêu ra, từ đó tìm giải pháp, cơ sở để áp dụng thuận lợi nhất, với tinh thần quyết tâm cao nhất.

Đây cũng là hội nghị trực tuyến thứ 2 từ đầu năm nay trực tiếp Thủ tướng Chính phủ chủ trì và có lãnh đạo cao nhất các tỉnh thành tham dự, sau hội nghị về an toàn vệ sinh thực phẩm tháng 5 rồi. Tại tỉnh Vĩnh Long, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón; Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang tham dự hội nghị.

Bao phủ BHYT đạt khá

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, trong năm 2015 toàn ngành BHXH đã nỗ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ BHYT được Chính phủ giao, với trên 76,5% dân số cả nước có BHYT.

Đến đầu năm 2016, đã có trên 70,8 triệu đối tượng có BHYT, tăng 0,83 triệu người (1,2%) so 2015. Hiện toàn ngành BHXH đang phấn đấu để đạt bao phủ BHYT toàn dân với 78% dân số vào cuối năm nay.

Coi việc cải thiện chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế là sự cộng hưởng quan trọng với phát triển BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói, số người khám chữa bệnh tăng dần từng năm: 136,3 triệu lượt (2014), 150 triệu lượt (2015).

Chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2014 là 41,4 nghìn tỷ đồng, năm 2015 dự kiến chi là 50 nghìn tỷ đồng. “Những số liệu này thể hiện người có thẻ BHYT đã ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận.

Bộ Y tế đánh giá đến nay 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh. Với kết quả tính chung ở tất cả loại hình khám bệnh, thời gian khám bệnh trung bình sau hơn một năm đã giảm được 48,5 phút so với trước khi triển khai cải tiến quy trình.

Tại Thông tư liên tịch 37 của liên Bộ Y tế- Tài chính ban hành cuối tháng 10/2015, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết:

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi,... mà còn làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, do không phải trả thêm một số chi phí trước đây (tiền lương, phụ cấp thủ thuật, phẫu thuật, chi phí trực tiếp...) chưa tính trong giá.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân có BHYT ngày càng tăng cao.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân có BHYT ngày càng tăng cao.

“Việc đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm dần việc cấp ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế và chuyển sang hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHYT, thúc đẩy các cơ sở y tế nâng chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời đảm bảo tính công bằng cho các cơ sở y tế trên cả nước và quyền lợi của mọi người dân có thẻ BHYT”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá và dự báo, quỹ BHYT vẫn còn khả năng cân đối đến năm 2018.

BHXH Việt Nam đề nghị được ưu tiên dùng nguồn kinh phí kết dư (nếu có) của các địa phương để hỗ trợ người dân thuộc các đối tượng hộ cận nghèo, học sinh sinh viên, hộ nông- lâm- ngư- diêm nghiệp, hộ gia đình tham gia BHYT.

Trước mắt hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng này trong năm 2016 là hơn 450 tỷ đồng. Về đề xuất trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Kính đề nghị Thủ tướng kết luận sẽ đồng ý chấp thuận”.

Đến 2020, phải trên 90% dân số có BHYT

Điểm cầu Vĩnh Long dự họp trực tuyến về BHYT.
Điểm cầu Vĩnh Long dự họp trực tuyến về BHYT.

Đây là nội dung quan trọng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại hội nghị. Đi cùng với đó là yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bởi tính nhân văn, quan trọng của chính sách này đối với nhân dân, chúng ta phải nỗ lực nâng tỷ lệ người dân có BHYT.

“Chúng ta cần mặc định BHYT là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người dân, phấn đấu đến 2020 phải có trên 90% dân số tham gia BHYT. Chính phủ sẽ ra quyết định về chỉ tiêu này”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh, để đảm bảo hoàn thành sớm mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành quyết định điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020 với định hướng phấn đấu đến 2020, cả nước có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu bật 2 phần quan trọng: thứ nhất là nhận thức và tuyên truyền; thứ hai phải làm sao để người dân có BHYT khi vào bệnh viện, thì phải bỏ tiền túi cùng chi trả ít hơn.

Đây là “thách đố” rất lớn với cả hệ thống y tế, các bệnh viện. Nếu tất cả nhận thức đúng, quyết liệt thì có thể làm được. “Không một nước nào tự nhận mình tiến bộ mà không có hệ thống bảo hiểm, trong đó có BHYT cho toàn dân”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tin học hóa công tác khám chữa bệnh, thanh quyết toán BHYT: “Không lạm dụng, không thất thoát, buộc phải tin học hóa.

Điều này sẽ kết nối tất cả 14.000 cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc (trên 10.000 cơ sở y tế tuyến xã), để người dân liên thông, thuận lợi trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT”.

Đáp lại vấn đề này, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho hay, trước 30/6 tới đây hệ thống giám định thanh toán chi trả BHYT tại 14.000 cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc sẽ được liên thông đồng bộ.

Nhắc lại việc các tỉnh thành đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm, 5 năm của địa phương, chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về kết quả triển khai, Thủ tướng nói: “Chỉ tiêu này nó quyết định rất quan trọng tới đời sống người dân”.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý vẫn còn một số tồn tại: một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, để người dân còn thiếu thông tin quyền lợi, trách nhiệm của mình đối với chính sách BHYT; chưa đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT đến cơ sở khám chữa bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản thủ tục trong khám chữa bệnh và thanh quyết toán BHYT còn chậm, chi phí chi trả của người dân có BHYT còn cao,... Điều đó “làm giảm tính hấp dẫn cho chính sách BHYT”.

Trong các nội dung chỉ đạo, gợi mở để Chính phủ, các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện BHYT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn ý của Thủ tướng Đức AngelaMerkel tại Hội nghị G7 ở Nhật Bản mới đây về chính sách BHYT nói rằng “nâng cao hệ thống BHYT, đó mới là văn minh của thời đại”.

Chúng ta đặt ra chỉ tiêu 90% bao phủ BHYT (năm 2020), nhưng cần phải nỗ lực để đạt cao hơn, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh “đó mới là hiện đại, văn minh”.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh