Trả giá đắt bởi làm công nghiệp nặng bằng mọi giá

12:05, 07/05/2016

Một cân thép của Trung Quốc hiện nay chỉ trị giá bằng một cân bắp cải.

Một cân thép của Trung Quốc hiện nay chỉ trị giá bằng một cân bắp cải.

Trong cái bất hạnh cũng thường có cơ may. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế tài chính 2008-2009 đã mở ra một cơ hội để thế giới bước vào kỷ nguyên mới xây dựng nền “kinh tế xanh” và phát triển “công nghệ xanh”. Điều may mắn ấy đến với những nước có nguồn lực và tầm nhìn. Nhưng thực ra tầm nhìn mới là quyết định. 


 

Một cân thép ở Trung Quốc hiện nay chỉ trị giá bằng một cân bắp cải
Một cân thép ở Trung Quốc hiện nay chỉ trị giá bằng một cân bắp cải

Giải quyết ô nhiễm môi trường sinh thái là nhiệm vụ khó khăn

Thảm họa môi trường sinh thái biển ở miền Trung Việt Nam đưa ra lời cảnh báo về những hiểm họa môi trường do chính con người gây ra. Bài học phát triển của nước láng giềng Trung Quốc liên quan đến môi trường sinh thái và làm công nghiệp hóa như thế nào để phát triển bền vững cho thấy cái giá rất đắt của việc làm công nghiệp bằng mọi giá.

Trong 30 năm phát triển ở giai đoạn đầu, Trung Quốc tập trung phát triển các khu vực duyên hải. Thành tựu phi thường nhưng thảm họa môi trường sinh thái cũng hết sức trầm trọng. Vùng duyên hải Trung Quốc bị ô nhiễm nặng – trước hết là các con sông, nước ngầm và ven biển phía Đông Nam Trung Quốc. Một tài liệu của Bộ Tài nguyên nước cuả Trung Quốc công bố cuối năm 2015 cho biết khoảng 80% lượng nước ngầm tại các lưu vực sông lớn của Trung Quốc không đạt được mức an toàn. Tháng 7/2012, tác giả Đông Tuyết viết trên tạp chíBách khoa tri thức (Trung Quốc) cho biết: “Mặc dù mấy chục năm gần đây ô nhiễm ở khu vực gần bờ Biển Đông (mà người Trung Quốc gọi là Nam Hải) dần dần nghiêm trọng, nhưng chủ yếu là các vùng nước cục bộ, gần bờ các thành phố tại khu vực Chu Giang, Dương Giang,  Trạm Giang và Khâm Châu, còn vùng biển xa, cách xa đường ven biển như khu vực  biển Hoàng Sa và Trường Sa thì vẫn giữ được là vùng nước thuần thiên nhiên, không ô nhiễm”.

Trong các kế hoạch phát triển và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế gần đây, chính quyền Trung Quốc đã đề ra các giải pháp và biện pháp lớn, chi phí hàng trăm tỷ USD, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái. Nhưng, theo đánh giá của một chuyên gia hàng đầu của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại của Trung Quốc đưa ra trong một tiếp xúc tại Hà Nội cuối tháng 4 vừa rồi, trong các chỉ tiêu đề ra, cho đến nay việc giải quyết ô nhiễm môi trường vẫn chưa đạt được.

Triển vọng u ám của các ngành sắt thép Trung Quốc

Theo một báo cáo nước ngoài gần đây, trong khuôn khổ của một kế hoạch cải tổ kinh tế lớn, khoảng 5-6 triệu công nhân trong các ngành khai thác than, luyện kim và công nghiệp nặng khác của Trung Quốc sẽ có nguy cơ bị mất việc làm. 

Theo một báo cáo mới đây của Chính phủ Trung Quốc, 1.000 mỏ than và quặng sắt sẽ bị đóng cửa và hơn 90% dự án xây dựng mới tại các khu khai thác than sẽ bị dừng lại. Đây là một phần của cuộc chiến chống ô nhiễm và hướng tới năng lượng sạch hơn. Nhưng mục tiêu thực sự là để giảm năng suất dư thừa rất nhiều của ngành này. Trong thời gian đầu, gần 1,5 triệu nhân công trong ngành khai thác than sẽ bị nghỉ việc và 50 vạn nhân công trong ngành luyện kim cũng bị mất việc làm.

Do công suất dư thừa lớn, nhiều doanh nghiệp Nhà nước không còn có lãi nữa và chỉ còn sống sót nhờ vào vay nợ. Từ một hệ thống dựa vào sản xuất nhiều giá rẻ và dành ưu tiên cho xuất khẩu chuyển sang một hệ thống khác trong đó chú trọng tiêu dùng trong nước và mang lại giá trị gia tăng là một hoạt động mang tính rủi ro cao. 

Do nhu cầu trong nước yếu và giá giảm mạnh, rất nhiều nhà máy thép của Trung Quốc đã phải đóng cửa. Theo Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc, năm ngoái tổng thua lỗ của toàn ngành này gấp 24 lần so với năm 2014, với số tiền lên tới 13 tỷ euro. Trong giai đoạn 2000-2014, với đầu tư lớn, thị trường bất động sản phát triển nóng và đô thị hóa nhanh, sản lượng thép đã tăng gấp 7 lần, đạt 820 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong năm 2014, nhu cầu thép của Trung Quốc đã đột ngột giảm. Hiện nay, sự chênh lệch cung cầu càng lớn. Các nhà máy của Trung Quốc sản xuất 1,2 tỷ tấn thép/năm, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng 700 triệu tấn.

Để tiêu thụ lượng thép dư thừa, các nhà máy thép đã chuyển hướng xuất khẩu, nhưng không thành công. Năm 2015, xuất khẩu thép đạt 100 triệu tấn - một tín hiệu tốt đối với họ nhưng lại là một cú sốc đối với thị trường thế giới.

Sự xuất hiện ồ ạt của thép Trung Quốc với giá thách thức mọi sự cạnh tranh đã làm tổn hại đến sự hồi phục yếu trong ngành thép của châu Âu và Mỹ. Nhiều nước châu Âu đã yêu cầu áp thuế chống bán phá giá như cách mà Mỹ đã áp dụng với thép Trung Quốc. 

Để khôi phục tăng trưởng, Trung Quốc hướng đến Con đường tơ lụa mới hay nói cách khác là xây dựng đường xá, cầu cống, hầm và các cơ sở hạ tầng khác tại Trung Á, châu Âu và Trung Đông. Tổng giá trị đầu tư lên tới hơn 100 tỷ USD. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đây là sự đánh cược đầy rủi ro. 

Ý thức được vấn đề, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết giảm mạnh sản lượng thép từ nay đến 2020 (khoảng 150 triệu tấn), điều này đồng nghĩa với 500.000 việc làm sẽ bị mất, một con số cực lớn nếu đem so sánh với toàn bộ khu vực Liên minh châu Âu (EU), nơi số nhân công trong ngành luyện thép chỉ khoảng 328.000 người.

Một cân thép của Trung Quốc hiện nay chỉ trị giá bằng một cân bắp cải. Nhưng một khi môi trường sống bị hủy hoại, cái giá phải trả là không thể định lượng.

Theo Tổ Quốc

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh