Tổng thống Mỹ đã khẳng định như vậy khi được hỏi về tầm quan trọng của việc một quốc gia cần nỗ lực để thúc đẩy nghệ thuật phát triển.
Tổng thống Mỹ đã khẳng định như vậy khi được hỏi về tầm quan trọng của việc một quốc gia cần nỗ lực để thúc đẩy nghệ thuật phát triển.
Khi được 2 bạn nữ hỏi về việc Chính phủ Mỹ có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng buôn người trong bối cảnh Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đem lại cơ hội cho người lao động trong khu vực nhưng cũng tạo điều kiện cho những kẻ buôn người lừa đảo, cưỡng ép và buôn bán họ, Tổng thống Obama nói:
“Vấn đề buôn người là vấn đề mà Chính phủ và Bộ Ngoại giao Mỹ luôn đặt ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đã đưa ra một chính sách toàn diện để hợp tác với các quốc gia đang đối mặt với vấn nạn buôn người. Chúng tôi đã bắt đầu đạt được những tiến bộ trong việc tăng cường điều phối việc thực thi pháp luật, nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) đã rất hợp tác với chúng tôi trong việc xác định những đối tượng bị bóc lột trong quá khứ.
Tổng thống Obama cam kết sẽ hợp tác với chính phủ các nước trong khu vực để ngăn chặn tình trạng buôn người, |
Liên quan đến TPP, đây cũng là chính là vấn đề mà chúng tôi đã đặt trọng tâm. Chúng tôi đã có những điều khoản trong TPP để ngăn chặn nạn buôn người. Đây cũng là những điều khoản để chúng tôi có thể tuyên bố với các quốc gia rằng, nếu bạn muốn tham gia TPP bạn cần phải có một hệ thống tốt hơn để ngăn chặn nạn buôn người bao gồm cả các biện pháp ứng phó với vấn đề người tị nạn xuyên quốc gia.
Khi tôi có mặt tại Malaysia để gặp Thủ tướng Najib, một trong những vấn đề quan trọng nhất khi đàm phán về TPP là, làm thế nào để chúng ta có thể làm nhiều hơn để bảo vệ những người được đưa sang đây.
Malaysia cần có những kế hoạch để có thể giám sát và bảo vệ người lao động cũng như thực thi pháp luật tốt hơn. Và điều này đã được ghi vào trong Hiệp định. Tuy nhiên, tôi cho rằng, một thỏa thuận trên giấy tờ không bao giờ là đủ mà cần có một hệ thống hoạt động hiệu quả để giám sát những gì đang diễn ra.
Những kẻ buôn người rất ranh ma không khác gì những kẻ buôn ma túy. Nếu bạn chặn một đường, chúng sẽ lại tìm đường khác. Chúng cũng luôn tìm cách bóc lột những người đang trong cơn tuyệt vọng.
Chính vì thế, đây không phải là vấn đề mà một Chính phủ có thể giải quyết thông qua các sáng kiến hoặc thông qua việc thực thi pháp luật mà cần phải có sự hợp tác của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nhân quyền. Chúng tôi đã rất nhanh chóng tìm cách thay đổi tình hình hiện tại và đóng cửa hoàn toàn một số tuyến đường buôn người.
Điều cuối cùng tôi muốn nói là, cách tốt nhất để hạn chế nạn buôn người là mang đến cơ hội cho những người dân ở nông thôn trên khắp Đông Nam Á. Bạn cần giúp đỡ những bạn trẻ và người dân cơ hội để kiếm sống và tiếp cận với giáo dục.
Ngoài ra các bạn cũng cần tập trung đặc biệt vào phụ nữ và những trẻ em gái bởi nhiều vụ buôn người diễn ra là do những trẻ em gái không được tiếp cận với giáo dục như những em trai. Hậu quả là, họ thường rơi vào tình thế tuyệt vọng.
Chúng ta càng chủ động thay đổi thì càng hạn chế được việc có những kẻ bóc lột những người không còn hy vọng hoặc nghĩ rằng mình cần phải rời khỏi làng để rồi bị những kẻ buôn người dụ dỗ rằng chúng sẽ kiếm công việc tốt cho họ. Đến khi mọi chuyện diễn ra họ mới hiểu rằng mình bị kẹt vào tình thế cực kỳ tồi tệ”.
Một nhà làm phim đã đặt câuhỏi về việc liệu có đúng là ông đã hút cần sa như các trang mạng đưa tin hay không và điều gì đã làm Tổng thống Mỹ từ một kẻ “lông bông” như ông nói ở trên thành một người quan tâm đến xã hội. Ông Obama chia sẻ:
“Đó là một câu hỏi rất hay, tôi đã viết một quyển sách có tựa đề “Những giấc mơ của cha tôi”, tôi nghĩ rằng cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt, tuy nhiên tôi không biết liệu nó có còn trong các hiệu sách hay không.
Bạn biết đấy, bạn không bao giờ biết được khi nào bạn thay đổi và bạn quyết định đi theo một con đường khác. Đối với tôi, khi còn trẻ, tôi không biết mặt cha mình cũng như không được lớn lên bên ông. Ông bà và mẹ tôi đã nuôi tôi lớn khôn. Họ rất thương yêu và rộng lượng với tôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình nổi loạn vì tôi cảm thấy thiếu một điều gì đó.
Khi tôi lớn lên, tôi mới nghĩ được rằng, thay vì cứ nghĩ mãi về một người cha không ở bên mình, tôi nên nghĩ xem mình có thể làm gì và sống có trách nhiệm hơn với bản thân. Điều đó khiến tôi chú tâm vào học hành và quan tâm đến những vấn đề xã hội hơn.
Khi tôi khoảng 19-20 tuổi, thì rất nhiều bạn bè của tôi đã là những người sống rất chỉn chu và chú tâm vào công việc như các bạn tại đây. Khi tôi trở thành Tổng thống, tôi nhận ra rằng, đôi khi các bạn nghĩ rằng, một người đó làm việc vì tiền, vì quyền hoặc những phần thưởng cụ thể.
Tuy nhiên, có những người cũng được khích lệ bởi những câu chuyện, nhất là những câu chuyện mà họ kể cho người khác về những gì mà họ coi là quan trọng với cuộc đời mình, về cuộc sống, về đất nước và cộng đồng của họ.
Tôi nghĩ rằng, dù bạn có làm trong lĩnh vực gì, dù là kinh doanh hay chính trị, hoặc làm cho các tổ chức phi lợi nhuận, bạn cần lắng nghe mọi người và hỏi họ xem điều gì là quan trọng đối với họ bởi thường đó chính là động lực của họ.
Ngoài ra, việc các bạn có thể đến với nhau và cùng làm việc là bởi các bạn chia sẻ cùng một câu chuyện về việc tại sao chúng ta lại nên làm cùng nhau.
Hãy nghĩ đến nước Mỹ, chúng tôi có một câu chuyện rất hay mang tên Tuyên ngôn Độc lập. Chúng tôi hy vọng đó là bằng chứng xác thực về việc “mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”. Mỗi khi cảm thấy hoài nghi, chúng tôi lại xem lại điều đó và nhận ra rằng mọi người đều có quyền tự do theo đuổi hạnh phúc của mình. Đó là một câu chuyện vĩ đại.
Khi Tuyên ngôn độc lập được viết ra nước Mỹ vẫn chưa hình thành và bàn Tuyên ngôn Độc lập này chỉ đề cập đến việc nước Mỹ sẽ như thế nào và mọi người đều bị thu hút bởi điều đó. Khi nước Mỹ trở nên độc lập, điều này khiến cho nhiều người di cư- những người theo đuổi tự do cho bản thân- tìm cách đặt chân đến Mỹ.
Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn và trở thành nguồn cảm hứng cho các phong trào trên toàn thế giới. Chính vì thế, có thể nói rằng, những câu chuyện mà chúng ta chia sẻ với người khác có ý nghĩa hết sức quan trọng”.
Cuối cùng, Tổng thống Obama đã chọn nữ rapper Suboi đặt câu hỏi cho mình và đùa rằng: “Cô ấy vung tay lên rất mạnh, nếu tôi không chọn cô ấy, có thể cô ấy sẽ đánh tôi”.
Rapper Suboi giới thiệu rằng: “Chào Tổng thống, tôi là một rapper sống ở Sài Gòn, Việt Nam, chú đã nói rất nhiều về môi trường, chính trị và kinh tế của Việt Nam, nhưng là những nghệ sĩ, chúng tôi có rất nhiều điều muốn nói. Tôi muốn hỏi về tầm quan trọng của việc một quốc gia phải thực sự hỗ trợ và thúc đẩy nghệ thuật và văn hóa để phát triển trong tương lai”.
Đáp lại, Tổng thống Obama đề nghị: “Trước khi tôi trả lời câu hỏi của bạn, sao bạn không hát một chút rap nhỉ? Hãy xem bạn sẽ biểu diễn gì nào, bạn có cần nhịp không?”.
Tôi sẽ hát bằng tiếng Anh hay tiếng Việt ạ?”, Suboi hỏi.
“Bằng tiếng Việt chứ, nhưng tôi sẽ không hiểu nghĩa của bài hát. Nhưng bạn hát ngắn thôi nhé vì tôi sắp phải đi rồi”, Tổng thống Mỹ nói và thực hiện một đoạn beatbox để động viên cô bắt đầu phần trình diễn của mình.
“Phần biểu diễn thật tuyệt phải không! Rất hay đấy! Đoạn rap này là về điều gì”, ông Obama hỏi?
“Lời bài hát là về người có lắm tiền và có nhà to, nhưng liệu họ có thực sự hạnh phúc”, rapper Suboi giải thích cho Tổng thống Obama sau khi hát xong.
“Rất nhiều lần mọi người nhìn chúng tôi và xì xào những điều khác nhau dù chỉ là phỏng đoán hoặc là những định kiến trong đầu họ. Có người bảo tôi là rapper của châu Á và là một cô gái dễ thương nhưng với nhiều người Việt- cái tên Suboi là điều gì đó hoàn toàn khác. Họ cho rằng, rap không dành cho phụ nữ”.
Tổng thống Mỹ đáp lời: “Nhưng điều đó cũng đúng ở Mỹ mà. Ý tôi là luôn có những định kiến kiểu như vậy về giới tính. Đây là điều rất điển hình trong ngành công nghiệp âm nhạc cũng như nhiều ngành khác.
Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi của bạn, tôi muốn nói rằng, nghệ thuật là rất quan trọng và việc các nghệ sĩ được thể hiện quan điểm nghệ thuật của mình cũng là rất quan trọng. Đó cũng là điều tôi đã chia sẻ với nhà làm phim lúc trước về những câu chuyện mà chúng ta chia sẻ với nhau.
Âm nhạc, thi ca đại diện cho cuộc sống, đó là những thứ mang lại cảm hứng cho chúng ta. Cuộc sống là sự kết hợp của những thứ rất thực tế- bạn phải ăn, phải làm việc, xây đường sá hay đảm bảo rằng một con đập không gây tác động xấu đến cộng đồng- nhưng cũng bao gồm cả những thứ thuộc về tâm hồn chúng ta- cách chúng ta thể hiện cũng như tầm nhìn của chúng ta trong tương lai hay làm thế nào để chúng ta có thể chung sống với nhau cũng như chúng ta đối xử với nhau như thế nào?
Điều quan trọng nhất đối với nghệ thuật là nó dạy cho bạn không chỉ nghĩ đến bản thân mà còn suy nghĩ bằng “cái đầu” của người khác. Bạn sẽ nhận ra được nỗi đau hay niềm hy vọng của một ai đó và hiểu rằng, chúng ta có nhiều điểm tương đồng.
Chính vì thế, nếu tôi đọc một cuốn tiểu thuyết của một ai đó ở châu Phi, tôi có thể nhận ra sự đồng điệu giữa chúng tôi, và nếu tôi nghe bản rap bằng tiếng Việt nó sẽ giúp kết nối những cảm xúc của tôi. Giờ tôi cảm thấy mình gần gũi hơn với một quốc gia nằm ở bên kia địa cầu. Nhờ thế chúng ta có thể hiểu nhau và làm việc với nhau và cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Tổng thống Obama giao lưu với các thủ lĩnh YSEALI sau khi kết thúc màn hỏi đáp. |
Tuy nhiên, cũng phải thành thật là, đôi khi, nghệ thuật trở nên nguy hiểm và khiến chính phủ cảm thấy bất an. Tuy nhiên, tôi thực sự tin rằng, nếu bạn tìm cách đàn áp nghệ thuật thì cũng là bạn đàn áp những giấc mơ và niềm cảm hứng sâu thẳm nhất của mỗi con người.
Một điều rất tuyệt vời ở Mỹ là, trong bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, chúng tôi cho phép mọi người được tự do hơn trong việc thể hiện quan điểm nghệ thuật của họ. Ví dụ như rap, một loại hình nghệ thuật với xuất xứ là nhằm giúp những người Mỹ gốc Phi nghèo khó thể hiện mình đột nhiên trở thành một hiện tượng toàn cầu và trở thành loại hình nghệ thuật của giới trẻ.
Hãy tưởng tượng khi rap mới ra đời, nếu Chính phủ Mỹ nói “không” vì một số lời rap chứa đầy tính khiêu khích hoặc đầy thô lỗ, hoặc các nghệ sĩ chửi thề quá nhiều thì sự kết nối trong hip hop trên thế giới mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay sẽ không tồn tại.
Chính vì thế, hãy để mọi người thể hiện quan điểm của họ, đó chính là điều được coi là văn hóa của thế kỷ 21.
Giờ tôi phải đi, xin cám ơn mọi người, buổi trao đổi thật tuyệt vời!./.
Theo Trần Khánh/VOV.VNDịch
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin