Phỏng vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về việc số hóa truyền hình mặt đất

04:05, 05/05/2016

Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về kế hoạch triển khai và hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh

Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về kế hoạch triển khai và hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh

PV: Xin ông cho biết rõ hơn về số hóa truyền hình mặt đất là gì? Và việc triển khai hỗ trợ lắp đặt đầu thu tại tỉnh Vĩnh Long như thế nào?

Ông Phan Văn Giàu: Hiện cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng thực hiện theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; lộ trình thực hiện từ ngày 27/12/2011 đến 31/12/2020; theo kế hoạch được chia là 4 nhóm, tỉnh Vĩnh Long thuộc nhóm II, sẽ kết thúc phát sóng truyền hình Analog vào ngày 31/12/2016.

Có thể nói, đây là cuộc cách mạng về công nghệ, tức là chúng ta loại bỏ công nghệ phát sóng truyền hình tương tự (Analog) lạc hậu để chuyển sang sử dụng công nghệ phát sóng truyền hình số (Digiata) hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nâng cao nhu cầu giải trí của người dân.

Một số nước trên thế giới đã dừng phát sóng truyền hình Analog để chuyển sang phát sóng truyền hình kỹ thuật số như: Hàn Quốc/năm 2002; Đức/năm 2003; Mỹ/năm 2009. Trong tương lai gần truyền hình Analog sẽ được các nước trên thế giới từ từ bỏ hẳn.

Như vậy, khi quá trình số hóa này hoàn thành, truyền hình số mặt đất sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất. Truyền hình tương tự mặt đất sẽ ngừng hoạt động, coi như hoàn thành sứ mệnh và đi vào lịch sử như truyền hình đen trắng trước đây được thay thế bởi truyền hình màu.

Thực hiện hiện Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 24/07/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020;

Ngày 07/9/2015 UBND tỉnh Vĩnh Long có công văn số 2916/UBND-VX  chỉ đạo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai các nội dung theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định  số 907/QĐ-UBND ngày 20/4/2016 Quyết định ban hành Kế hoạch Triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai kế hoạch này, song song với việc phát hành 30.000 tờ bướm tuyên truyền về Đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh.

Thời gian hỗ trợ lắp đặt lắp đặt đầu thu từ ngày 29/4/2016 đến ngày 15/5/2016

PV: Tại sao phải chuyển từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất, thưa ông ?

Ông Phan Văn Giàu: Ngoài chủ trương của Thủ tướng Chính phủ như tôi đã nêu trên, cùng với xu hướng phát triển công nghệ và rất nhiều ưu điểm về mặt kỹ thuật của công nghệ phát sóng truyền hình số mặt đất mang lại thì đến một lúc nào đó các nhà quản lý buộc phải có sự điều chỉnh kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và giải trí của nhân dân.

+ Những ưu điểm: về công tác quản lý tần số vô tuyến điện thì chúng ta sẽ tiết kiệm được nguồn tài nguyên Quốc gia về tần số rất lớn trong phạm vi cả nước, sau khi kết thúc quá trình số hoá truyền hình, một phần của băng tần UHF đang sử dụng bởi truyền hình mặt đất sẽ được giải phóng và sẽ được tái sử dụng vào những mục đích khác; về phía Đài Truyền hình sẽ có cơ hội lựa chọn thiết bị, công nghệ hiện đại, đồng bộ với giá thành hợp lý để đầu tư; đặc biệt là chuẩn của truyền hình kỹ thuật số phát được nhiều chương trình trên cùng 1 kênh tần số; hình ảnh có độ nét cao, âm thanh sống động do tín hiệu chuyển từ máy phát đến máy thu đã được mã hóa bằng những con số [0,1] nên hạn chế tối đa bị nhiễu do thời tiết xấu hoặc cách xa về mặt địa lý,...những ưu điểm này trong phát sóng truyền hình Analog không có được.

Vì thế người xem sẽ xem được nhiều chương trình trên một kênh tần số mà không phải chuyển hướng ăng ten rất khó khăn như trước đây.

+ Khuyết điểm: trong đợt chuyển đổi công nghệ lần này thì hầu hết các Đài Truyền hình phải đầu tư thêm trang thiết bị phát sóng truyền hình số, phải tốn thêm một khoản chi phí.

Người dân đang sử dụng máy thu hình không có tích hợp chức năng chuẩn DVB-T2 phải trang bị bổ sung bộ đầu thu (DVB-T2) mới thu được tín hiệu truyền hình số, giá thành từ 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

Tóm lại, truyền hình số là một phương thức phát sóng mới, hiện đại, có nhiều ưu điểm hơn truyền hình Analog  như âm thanh, hình ảnh rõ nét hơn, ít bị nhiễu hình ảnh.

Kỹ thuật này giúp Đài Truyền hình cung cấp được nhiều chương trình  khác nhau trên cùng một kênh, phục vụ đa dạng nhu cầu giải trí của người dân… tương tự như việc chuyển đổi công nghệ của hệ thống chuyển mạch tương tự (Analog) sang chuyển mạch số (Digital) của ngành Viễn thông (trước đây là Bưu điện) cách đây hơn 20 năm, tức đầu thập niên 90 và cho đến hôm nay mạng Viễn thông đã có những bước phát triển ngoài mong đợi mà chúng ta ai cũng đã biết.

PV: Người dân cần phải làm gì trong lộ trình thực hiện số hóa truyền hình, thưa ông? Những tiện ích người xem nhận được sau khi chuyển sang phát sóng truyền hình số ?

Ông Phan Văn Giàu: Ngoài những hộ dân thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất, các hộ còn lại đang sử dụng loại hình truyền hình tương tự mặt đất thì cần chú ý như sau:

- Mua trang bị bổ sung bộ đầu thu truyền hình số chuẩn DVB-T2 tại các cửa hàng điện máy. Cần chú ý nhãn mác, có (tem) hợp chuẩn để tránh nhầm phải hàng nhái, hàng kém chất lượng. Giá thành từ 300 ngàn đến dưới 1 triệu đồng.

- Đối với máy thu hình thế hệ mới có năm xuất xưởng từ năm 2016 trở đi đã được nhà sản xuất thiết kế tích hợp sẵn chức năng thu truyền hình số chuẩn DVB-T2 nên không cần phải trang bị bộ đầu thu DVB-T2; Nếu người dân đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền như: truyền hình cáp, truyền hình Internet, truyền hình vệ tinh… thì không bị ảnh hưởng khi truyền hình mặt đất ngừng phát sóng.

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng khuyến cáo người dân trước khi mua sắm TV hoặc bộ đầu thu DVB-T2 cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, lựa chọn nơi mua sắm có uy tín hoặc nhờ những người có am hiểu về kỹ thuật tư vấn để có được sản phẩm chất lượng cao.

PV: Những tiện ích người xem nhận được sau khi chuyển sang phát sóng truyền hình số ?

- Ông Phan Văn Giàu: Xem được nhiều chương trình trên 1 kênh, ngược lại chuẩn Analog chỉ cho phép phát được một chương trình trên mỗi kênh, rất lãng phí tài nguyên tần số; Âm thanh trung thực, sống động, hình ảnh có độ nét cao. Được xem nhiều kênh chương trình nhưng không phải trả tiền cước phí sử dụng hàng tháng. Không phải lựa chọn hướng ăng ten thu sóng để lựa chọn kênh có nhiều chương trình.

PV: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long đã triển khai lộ trình này như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Văn Giàu: Thực hiện sự chỉ đạo tại công văn số 2916/UBND-VX ngày 07/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc triển khai Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 của TTg Chính phủ.

Theo Quyết định này thì 64 tỉnh, thành được chia làm 4 nhóm và sẽ ngừng việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất như sau:

- Nhóm I (5 thành phố lớn): kết thúc vào ngày 31/12/2015.

 - Nhóm II (26 tỉnh thành, trong đó có Vĩnh Long): kết thúc vào ngày 31/12/2016.

- Nhóm III (18 tỉnh): kết thúc vào ngày 31/12/2018.

 - Nhóm IV (15 tỉnh): kết thúc vào ngày 31/12/2020.

Tỉnh Vĩnh Long thuộc (Nhóm II) và sẽ kết thúc quá trình phát sóng truyền hình tương tự vào 31/12/2016; chỉ còn 8 tháng nữa và cho đến thời điểm này chúng tôi đã cơ bản hoàn thiện một số Kế hoạch như sau:

- Tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 907/QĐ-UBND, ngày 20/4/2016 về việc ban hành kế hoạch triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

- Tiếp theo Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành công văn số 95/STTTT-BCVT ngày 22/3/2016 gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đề nghị điều tra khảo sát hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện nhận hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất theo Quyết định số 499/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh long.

Những nội dung này được Sở Thông tin và Truyền thông in ấn 30.000 tờ bướm để tuyên truyền và đã phân phối cho 08 huyện, thị xã, thành phố là 25.000 tờ, 5.000 tờ phân phối cho các Sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị, xã hội.

- Đến ngày 29/4/2016, Sở Thông tin và Truyền thông đã nhận được số liệu báo cáo tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện nhận hỗ trợ đầu thu trên địa bàn tỉnh (6 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố) ước tính khoảng 24.000 hộ.

- Ngày 24/4/2016, sở đã có buổi làm việc với  đại diện Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cùng với Bưu điện tỉnh Vĩnh Long (nhà thầu lắp đặt) để thống nhất kế hoạch, phương án triển khai lắp đặt trong phạm vi toàn tỉnh.

- Ngày 27/4/2016, sở đã ban hành công văn số 144/STTTT-BCVT gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố về việc phối hợp triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, thời gian lắp đặt từ ngày 29/4/2016 đến ngày 15/5/2016.

Như vậy, ngày 29/4/2016  Bưu điện tỉnh Vĩnh Long đã bắt đầu triển khai lắp đặt chính thức.

PV: Xin ông cho biết rõ hơn việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại tỉnh Vĩnh Long?

Ông Phan Văn Giàu: Việc hỗ trợ này thực hiện theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020;

Trong đó có hỗ trợ kết nối truyền hình số với mục tiêu là bảo đảm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước thu xem các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu qua hệ thống truyền dẫn, phát sóng tín hiệu truyền hình công nghệ số mặt đất.   

Điều kiện là hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước đầu thu truyền hình số mặt đất, nếu đã có máy thu truyền hình tương tự và chưa sử dụng dịch vụ truyền hình số, truyền hình cáp, truyền hình Internet (IPTV).

Nguồn kinh phí từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam do các doanh nghiệp viễn thông đóng góp theo quy định của Luật viễn thông.

Xin cảm ơn ông! 

GK thực hiện

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh