Một số địa phương ở "xứ dừa" Bến Tre cho biết đến thời điểm này cây dừa chưa có biểu hiện tác động bởi xâm nhập mặn. Người dân trồng dừa còn kinh nghiệm: "Trong mấy tháng nước lợ lợ, dừa cho nhiều dầu hơn".
Một số địa phương ở “xứ dừa” Bến Tre cho biết đến thời điểm này cây dừa chưa có biểu hiện tác động bởi xâm nhập mặn. Người dân trồng dừa còn kinh nghiệm: “Trong mấy tháng nước lợ lợ, dừa cho nhiều dầu hơn”.
Theo Trung tâm khuyến nông- Khuyến ngư Bến Tre, cây dừa chịu được mặn từ 4-5‰, nếu nhiễm mặn thường xuyên hơn 5‰, trái dừa sẽ nhỏ lại. Độ mặn cao hơn nữa, dừa sẽ không có trái. |
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có trên 68.000ha trồng dừa. Bến Tre được xem “quê hương xứ dừa”, loài cây trồng này gắn bó bao đời với người dân Bến Tre và sản lượng khoảng 526 triệu trái/năm.
Diện tích dừa nhiều nhất ở Giồng Trôm 17.000ha, Mỏ Cày Nam hơn 16.700ha… Dừa cũng được biết đến là một loài cây có sức sống mạnh mẽ, nó có thể chịu đựng và tồn tại được trong những điều kiện khắc nghiệt của môi trường.
Tại “huyện dừa” Mỏ Cày Nam có trên 16.700ha trồng dừa, theo một cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, diện tích trồng dừa không ngừng tăng lên vài năm gần đây, do nhiều hộ dân bỏ lác chuyển sang trồng dừa và trồng cỏ dưới vườn dừa nuôi bò.
Giá dừa thời gian qua bớt bấp bênh cũng khuyến khích người dân tăng diện tích. Hiện dừa đang có giá từ 60.000- 70.000 đ/chục (12 trái), dừa Xiêm xanh giá 90.000- 100.000 đ/chục, dừa Dứa 12.000-15.000 đ/trái.
Cũng theo cán bộ này, có một số tài liệu cho biết dừa có thể chịu được độ mặn 4- 10‰, còn trên 10‰ sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng đến nay: “các địa phương chưa có thông báo gì về những biểu hiện ảnh hưởng mặn của cây dừa”.
Người trồng dừa cho biết nắng hạn, thiếu nước tưới cũng làm trái dừa nhỏ hơn |
Tại “xã dừa” Thành Thới A (Mỏ Cày Nam) hiện có 1.155ha dừa đang cho trái và theo ông Đỗ Văn Nho- Phó Chủ tịch UBND xã: “Cây dừa vẫn chưa ảnh hưởng gì bởi nước mặn”. Một số hộ trồng dừa phỏng chừng: “dừa có thể chịu đựng độ mặn 5-6‰ gì đó”, nhưng lại nói kinh nghiệm chắc nịch rằng: “Ở độ mặn 2‰, dừa cho dầu dữ lắm.
Thường thì trong mấy tháng nước lợ lợ, dừa cho nhiều dầu hơn”. Thực tế, theo kinh nghiệm của người trồng dừa, trải qua đợt hạn mặn kéo dài nhất từ trước đến nay, độ mặn có lúc vượt trên 10‰, cây dừa cũng đã chứng minh sự sống vững vàng, khả năng chống chọi, phát triển tốt của nó.
Hiện nay, Bến Tre vẫn đang tiếp tục nghiên cứu khả năng tồn tại và phát triển của cây dừa cũng như tính hiệu quả của nó trong tình hình mặn xâm nhập ở mức độ cao và kéo dài. Kỹ sư Huỳnh Quang Đức- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Bến Tre- Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Dừa Bến Tre, cho rằng dừa được xếp vào nhóm cây có khả năng chịu mặn khá tốt trên 5‰.
Các nghiên cứu chuyên sâu trên dừa cho thấy khi độ mặn trong nước trên 10‰ và hàm lượng sunfat cao hơn 500mg/lít thì sinh trưởng, phát triển dừa bị ảnh hưởng rất rõ rệt.
Và có thể đánh giá chung là độ mặn trong thời gian qua không phải là yếu tố hoàn toàn quyết định đến năng suất dừa, mà chỉ là một trong những yếu tố liên quan, như lệ thuộc vào thời gian nhiễm mặn, nhiệt độ môi trường...
“Khác với một số loại cây trồng khác, việc chăm sóc dừa ở thời điểm giao thời 2 mùa nắng- mưa, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với năng suất, sản lượng dừa trong năm, đặc biệt sau thời gian dài bị ảnh hưởng hạn, mặn.
Có thể nói rằng năng suất dừa, ngoài thời tiết còn phụ thuộc rất lớn vào mức độ đầu tư và kỹ thuật chăm sóc của người trồng dừa và đây là điều mà mọi người có thể thực hiện được cho vườn dừa của mình”- Kỹ sư Huỳnh Quang Đức bảo vậy.
Bài, ảnh: LÝ AN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin