Trong tiếng Việt, có lẽ từ "ăn" là một trong những từ đa nghĩa và được chuyển nghĩa nhiều nhất.
Trong tiếng Việt, có lẽ từ “ăn” là một trong những từ đa nghĩa và được chuyển nghĩa nhiều nhất.
Chẳng hạn, nghĩa gốc của từ ăn là: đưa thức ăn vào trong miệng và nuốt để nuôi dưỡng cơ thể (ăn cơm) nhưng từ chuyển nghĩa của “ăn” thì… vô vàn.
Như: ăn bận, ăn bẩn, ăn bám, ăn quỵt, ăn mảnh, ăn bờ ở bụi, ăn chắc mặc bền, ăn cơm hớt, ăn ngay nói thật, ăn vóc học hay, ăn hiền ở lành, ăn nên làm ra, ăn cưới, ăn tết,…
Nói như vậy, để thấy rằng, chữ “ăn” có một vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sống và đã “ăn sâu” vào tư duy, tình cảm cùng kinh nghiệm sống của người dân hàng ngàn đời nay. Nói đến việc gì, dường như đều có thể gắn với từ “ăn” để diễn đạt.
Song giờ đây, có lẽ hơn lúc nào hết, chữ “ăn” với nghĩa nguyên gốc được đặc biệt đề cập và quan tâm nhiều nhất. Bởi ở mọi nơi trong mọi cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm cuộc bầu cử, người dân đều bức xúc trước thực trạng đầy rẫy thức ăn thiếu vệ sinh an toàn, thực phẩm chứa hóa chất độc hại…
Những hóa chất trong chăn nuôi cho mau lớn, trong trồng trọt cho tươi xanh… được sử dụng vô tội vạ; những hóa chất dùng để ướp, tẩm, tạo màu công nghiệp- bỗng có mặt ngay trong bữa ăn hàng ngày.
Vì vậy, chữ “ăn” trong gia đình- hiện nay đã trở thành chữ “lo” với mỗi người phụ nữ, mỗi người mẹ, người cha. Trở thành một vấn đề nhức nhối cho toàn xã hội. Trở thành một yêu cầu cấp bách cần được giải quyết và giải quyết triệt để tại nghị trường cũng như trong thực tế cuộc sống.
Với chữ “ăn” giờ đây đã đặt ra nhiều vấn đề về kinh tế thị trường, về quản lý xã hội, về văn hóa, về đạo đức, về tính thiện, tính nhân văn,… của con người và thời đại.
Cũng không chỉ lo chuyện bữa ăn, người dân còn nêu lên rất nhiều lo lắng về việc “ăn trộm, ăn cướp” ngày càng nhiều ở vùng nông thôn, chuyện “ăn bớt, ăn bẩn” của các loại “cò” ngay trên đồng ruộng. Đặc biệt là tình trạng “ăn hối lộ” tham nhũng vẫn còn gây nhiều bức xúc.
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin