"VCCI cần cân nhắc việc sử dụng cụm từ "quy định pháp luật tốt nhất" và "quy định pháp luật tồi nhất" vì chưa đưa ra tiêu chí đánh giá. Hơn nữa, quy định về thời gian làm việc và bảo hộ lao động đã và đang được hoàn thiện. Bởi vậy, không nên đưa vào bình chọn quy định tồi".
"VCCI cần cân nhắc việc sử dụng cụm từ “quy định pháp luật tốt nhất” và “quy định pháp luật tồi nhất” vì chưa đưa ra tiêu chí đánh giá. Hơn nữa, quy định về thời gian làm việc và bảo hộ lao động đã và đang được hoàn thiện. Bởi vậy, không nên đưa vào bình chọn quy định tồi".
Đây là một phần nội dung Công văn số 1733/LĐTBXH-PC vừa được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân ký ban hành gửi Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI). Công văn liên quan tới việc trả lời việc VCCI đang triển khai Cuộc bình chọn “10 quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất".
Trước đó, hôm 5/5, VCCI đã gửi văn bản đề nghị về việc cung cấp thông tin thêm cho cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH có ý kiến về tên gọi cũng như 2 nội dung bình chọn cụ thể.
Quy định về giờ làm thêm còn gây nhiều ý kiến khác nhau trong doanh nghiệp dệt may. (ảnh minh họa) |
Về tên gọi cuộc bình chọn, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị VCCI cân nhắc việc sử dụng cụm từ “quy định pháp luật tốt nhất” và “quy định pháp luật tồi nhất” do VCCI chưa đưa ra tiêu chí đánh giá về nội dung này.
“Hơn nữa, Bộ luật Lao động đã được Quốc hội khóa 13 thông qua sau khi đã tiếp thu ý kiến của rất nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các chuyên gia...để thông qua. Vì vậy, khi áp dụng điều luật trên thực tế cần xem xét, đánh giá một cách tổng thể cho phù họp, không nên áp dụng cho từng đối tượng, phạm vi để xem xét, bình luận” - trích ý kiến của Thứ trưởng Phạm Minh Huân.
Bộ LĐ-TB&XH cũng bày tỏ ý kiến về 2 nội dung giờ làm thêm, bảo hộ lao động do VCCI tập hợp từ đề cử của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Đây là 2 nội dung do Bộ chủ trì soạn thảo trước đây.
“Về thời giờ làm thêm, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở sự phát triển của lực lượng sản xuất, đảm tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc sức khỏe gia đình và các điều kiện xã hội của người lao động” - trích nội dung công văn của Bộ LĐ-TB&XH.
VCCI đang chuẩn bị công bố kết quả Cuộc bình chọn “10 quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất”. Đây là hoạt động nhằm trưng cầu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia nhằm đánh giá những quy định liên quan tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thời gian thu thập đề cử từ 22/12/2015 - 29/02/2016. Dự kiến công bố vào tháng 5/2016. (Nguồn VCCI: web http://topten.vibonline.com.vn ).
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, xuất phát điểm thấp, năng suất lao động chưa cao và qua điều tra, khảo sát thực tiễn của Bộ, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội 13, nhiều doanh nghiệp đề xuất mở rộng thời giờ làm thêm cho phù họp.
Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích trên cơ sở yêu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như đảm bảo sức khỏe, sự phát triển về thể chất, tinh thần của người lao động Việt Nam hiện nay và mai sau để đề xuất cấp có thấm quyền ban hành quy định cho phù hợp.
Liên quan tới quy định trang bị bảo hộ lao động, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng: Trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép quy định chi tiết các nội dung Bộ luật Lao động chưa quy định cụ thể hoặc còn nhiều cách hiểu khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Vì vậy, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 được Chính phủ ban hành đã cơ bản giải quyết các nội dung trên. Tuy nhiên, khi triển khai, một số doanh nghiệp gặp khó khăn do quy định chưa đảm bảo tính linh hoạt.
“Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp nhưng đảm bảo nguyên tắc an toàn lao động đối với người lao động và thực tiễn của doanh nghiệp, có sự tham gia, thống nhất của đại diện người lao động tại doanh nghiệp” - trích nội dung công văn của Bộ LĐ-TB&XH.
Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 nội dung trên còn nhiều ý kiến khác nhau và không nên đề cử là quy định tồi.
Theo Dân trí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin