Trung Quốc xả nước cũng không thể đẩy mặn ĐBSCL

03:04, 01/04/2016

Đó là nhận định của PGS- TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) tại buổi tọa đàm "Vấn đề hạn, mặn ĐBSCL năm 2016: Hiện trạng- tác động- giải pháp" tại Cần Thơ vào sáng 1/4.

Đó là nhận định của PGS- TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) tại buổi tọa đàm “Vấn đề hạn, mặn ĐBSCL năm 2016: Hiện trạng- tác động- giải pháp” tại Cần Thơ vào sáng 1/4.

Theo PGS- TS Lê Anh Tuấn, theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ ngày 15/3- 10/4, họ xả đập thủy điện Cảnh Hồng (tỉnh Vân Nam) xuống hạ lưu sông MêKông với lưu lượng xả 2.190 m3/giây. Tuy vậy, theo thông tin có được hiện nay phía tỉnh Vân Nam cũng đang chịu cảnh khô hạn nên việc xả nước sẽ không thực hiện liên tục mà diễn ra gián đoạn.

“Khó khăn hiện nay là phía Trung Quốc không cung cấp số liệu nào về tổng lượng lượng nước, cũng như số liệu thủy văn phía thượng lưu sông Mê Kông. Mặc khác, việc Trung Quốc  xả nước thời điểm này là theo quy luật, vì họ cũng cần nước để phát điện các tháng mùa khô kế tiếp.

Hơn nữa, dòng chảy kéo dài hơn 4.000 km, qua Thái Lan, Lào, Campuchia và các vùng trũng, dòng nhánh, đất ngập nước dọc lưu vực thì nước về đến ĐBSCL cũng chẳng còn bao nhiêu”- PGS- TS Lê Anh Tuấn nói và cho biết thêm, hầu hết các vùng canh tác lúa và hoa màu hiện ven biển của ĐBSCL đã bị thiệt hại gần hết, đưa nước vào chẳng cứu được bao nhiêu và không còn ý nghĩa.

Ths Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho rằng, “họa gần” cho ĐBSCL chính là 11 dự án thủy điện của Lào và Campuchia đã xây dựng. 11 thủy điện này không có hồ chứa và dùng chính dòng sông Mê Kông để làm nơi chứa. Để nguồn nước đi hết được 11 đập thì nhanh nhất cũng một tháng rưỡi mới về tới ĐBSCL.

11 đập này do 11 chủ đầu tư khác nhau, không có sự liên kết nên rất khó để nắm bắt thông tin, quy luật hoạt động của chúng. Điều này sẽ khiến ĐBSCL bị rối loạn mặn - ngọt, không biết đâu mà lần.

Một trong những giải pháp mà các chuyên gia đề xuất cho sản xuất thời gian tới là giảm diện tích lúa, tăng diện tích cây trồng ít tiêu thụ nước; đồng thời tránh đầu tư những công trình lớn, thay vào đó là những công trinh nhỏ, dễ vận hành, thiết kế hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu.

Tin, ảnh: HOÀNG MINH

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh