Trận đánh vào TX Vĩnh Long ngày 20/4/1969

10:04, 20/04/2016

Nói đến tấn công vào TX Vĩnh Long, mọi người cứ liên tưởng đến đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chớ ít người biết vào tháng 4/1969, Tiểu đoàn 312 đã đánh một trận long trời lở đất ở đây.

Nói đến tấn công vào TX Vĩnh Long, mọi người cứ liên tưởng đến đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chớ ít người biết vào tháng 4/1969, Tiểu đoàn 312 đã đánh một trận long trời lở đất ở đây.

Chấp hành mệnh lệnh của Phân khu ủy, Phân khu chỉ huy trên chiến trường Vĩnh- Trà và Đảng ủy- Ban Chỉ huy Trung đoàn 3, đêm 19 rạng sáng 20/4/1969, Tiểu đoàn 312 đánh thọc sâu vào TX Vĩnh Long nhằm kéo lực lượng địch đang càn quét và đóng đồn ở vùng giải phóng về bảo vệ đầu não của chúng, để tạo điều kiện cho các địa phương củng cố lại lực lượng, ổn định lại tình hình và hạn chế sự phát triển rất nhanh chương trình bình định cấp tốc của địch ở chiến trường 2 tỉnh Vĩnh- Trà. Đồng chí (đ/c) Hai Sĩ- Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 chỉ huy trực tiếp trận đánh này.

Tiểu đoàn 312 có quân số khoảng 200 (quân số chiến đấu khoảng 170), chia làm 4 đại đội và được tăng cường 2 khẩu ĐKZ 75. Tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch rất lớn. Quân số địch nhiều hơn ta gấp 50 lần (chưa tính đến lực lượng phòng vệ dân sự và các đồn, tháp canh của bọn dân vệ), có hỏa lực mạnh bao gồm máy bay chiến đấu, hàng chục khẩu pháo và nhiều xe bọc thép. Khi cần thiết thì Vùng 4 chiến thuật ở Cần Thơ và Sài Gòn sẽ chi viện thêm, nên lúc bấy giờ chúng xem TX Vĩnh Long là bất khả xâm phạm.

Đêm 19 rạng sáng 20/4/1969, Tiểu đoàn 312 (đ/c Bảy Thành- Tiểu đoàn trưởng và đ/c Tư Hà- Chính trị viên trưởng) bắt đầu hành quân đánh thọc sâu vào TX Vĩnh Long, mở đầu cho chiến dịch tấn công vào thị xã, thị trấn trên chiến trường Vĩnh- Trà.

Đến 11 giờ đêm, Đại đội (C) 60 đã đánh tiêu diệt tháp canh và đánh chiếm cầu Công Si Heo và đang phát triển để đánh chiếm cầu Khưu Văn Ba. Mũi đánh chiếm cầu Khưu Văn Ba bị địch chặn lại và chống trả quyết liệt.

Các chiến sĩ của C.60 dùng B40 và B41 đánh sập lô cốt và chiếm được cầu. Lúc này có đ/c Se đặc công của Tiểu đoàn đã dũng cảm dùng pháo dù đánh tiêu diệt ổ đề kháng và đánh chiếm lô cốt ở cầu Khưu Văn Ba (đ/c Hai Thuần- Chính trị viên phó công bố kết nạp Đảng cho đ/c Se tại lô cốt này). Một mũi khác của C.60 đánh khu 80 căn- hậu cứ của Liên đoàn Biệt động quân nhưng bị chống trả quyết liệt, buộc phải thu lại đội hình nhập với mũi đang chiếm giữ cầu Khưu Văn Ba.

C.62 và C.66 diệt tháp canh giữ cầu Vồng vào chiếm lĩnh trận địa, pháo kích mạnh vào Quận Mới và căn cứ hậu cần của địch (khu vực Bến xe mới ngày nay). C.64 đánh diệt 2 tháp canh dọc lộ cầu Vồng, vào chiếm lĩnh trận địa phòng ngự dọc theo lộ.

Từ 11 giờ đêm 19/4/1969 đến 2 giờ sáng 20/4/1969, các đại đội của Tiểu đoàn 312 đã đánh chiếm và tiêu diệt 6 lô cốt, tháp canh giữ cầu và dọc lộ, diệt trên 20 tên địch giữ tháp canh, thu hàng chục súng.

Vì ban đêm địch không thể đưa quân chi viện mà chỉ dùng pháo binh bắn quyết liệt phía sau đội hình tiểu đoàn, đặc biệt là khu vực cánh đồng giữa đường đất đỏ (đường Phạm Thái Bường ngày nay) ra lộ cầu Vồng.

Về phía Tiểu đoàn 312, sau khi đánh thọc sâu vào bên trong và đánh bóc vỏ bên ngoài, các đại đội về vị trí trận địa phòng ngự sẵn sàng đánh địch. Hơn 8 giờ sáng 20/4/1969, chúng cho 3 mũi đánh vào trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 312 để thăm dò.

Một mũi đánh vào C.60 phòng ngự ở khu vực vườn dưa gang bên trong nhà thờ, bị C.60 bẻ gãy mũi tấn công diệt một số tên, chúng lùi trở lại phía sau.

Một mũi đánh từ bên Quận Mới qua cầu Vồng bị C.62 đánh trả, diệt một số tên nên không dám qua cầu Vồng. Riêng mũi từ cầu Ông Me Nhỏ đánh lên, chúng dùng cả xe M113 đánh mạnh vào C.64 đang phòng ngự từ lộ cầu Vồng đi vào Phước Hậu. Mục tiêu của chúng là thăm dò trận địa ta nên xe M113 chỉ cũng ở luẩn quẩn khu vực cầu Ông Me Nhỏ.

Chúng dùng máy bay L19 quần thảo liên tục, phát loa cực lớn kêu gọi ta đầu hàng. Cùng lúc đó, pháo binh và trực thăng chiến đấu chia khu vực phòng ngự của Tiểu đoàn 312 liên tục trút đạn và pháo.

Từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều 20/4/1969, các đại đội đã kiên cường phòng ngự đánh không cho địch vào đội hình. C.60 đã bẻ gãy hàng chục đợt xung phong của địch. Địch cho xe nồi đồng bắn kiềm chế ác liệt, song chúng cũng không qua được khoảng trống vườn dưa gang phía trước. C.62 dùng ĐKZ 75 đánh xe M113 địch, không cho chúng qua cầu Vồng.

Riêng trận địa của C.64 thì lực lượng của địch rất mạnh. Chúng điều 1 tiểu đoàn của Sư đoàn 9 đang càn quét ở Cái Ngang (có cả xe M113) ra trực tiếp đánh trực diện với C.64. Từ 12 giờ trưa đến 16 giờ chiều, ta bẻ gãy hàng chục đợt xung phong của địch, chúng bị thương vong rất lớn, bị bắn hỏng và cháy 4 xe M113.

Trận địa C.64, C.66 và Tiểu đoàn bộ bị hàng chục phi đội đánh bom xuống trận địa, song chúng không khuất phục được tinh thần chiến đấu của bộ đội ta.

Đến 16 giờ chiều, chúng phải dùng trực thăng bốc Tiểu đoàn Biệt động quân 43 đang hành quân càn quét ở khu vực xã Ngãi Tứ (Tam Bình) về đổ quân xuống cánh đồng phía sau trận địa phòng ngự của C.64.

Lợi dụng hỏa lực của xe M113 và trực thăng chiến đấu, chúng tổ chức nhiều đợt tấn công quyết liệt, phía trước là 1 tiểu đoàn của Sư đoàn 9, phía sau là Tiểu đoàn Biệt động quân 43, song quân ta kiên cường chiến đấu, chống trả quyết liệt với địch ở cả 2 phía, hạ được rất nhiều tên địch.

Chúng liên tục tấn công, cán bộ, chiến sĩ C.64 dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng chúng mới đánh chiếm được tuyến công sự tiền duyên. Đ/c Hai Thum- Đại đội trưởng, đ/c Thanh Sơn- Chính trị viên và 15 cán bộ, chiến sĩ khác của C.64 đã anh dũng hy sinh.

Cũng trong thời gian này, Sở Chỉ huy Tiểu đoàn 312 bị máy bay trực thăng bắn trúng, đ/c Tư Hà- Chính trị viên Tiểu đoàn hy sinh.

Tình huống gấp rút bất ngờ, đ/c Bảy Thành- Tiểu đoàn trưởng điều động Trung đội Trinh sát Tiểu đoàn và một phần C.66 đến thay trận địa phòng ngự cho C.62 ở khu vực cầu Vồng; điều động C.62 do đ/c Ba Khởi- Đại đội trưởng, đ/c Tư Quang- Chính trị viên vận động lên đánh địch ở trận địa phòng ngự của C.64.

Sau khi đánh chiếm được tiền duyên công sự C.64, địch đang lục soát trận địa thì C.62 kịp thời có mặt và đánh giằng co quyết liệt với quân địch. Trời tối dần, địch phải bỏ trận địa C.64 chạy ra đồng trống co cụm lại.

Sau 1 ngày chiến đấu quyết liệt với địch dưới áp lực bom đạn rất lớn, Tiểu đoàn 312 đã anh dũng đánh bật hàng chục đợt xung phong, diệt hàng trăm tên địch, bắn hỏng và bắn cháy 4 xe M.113, giữ vững trận địa phòng ngự.

Ta hy sinh 25 đ/c, bị thương trên 30 đ/c. Tối lại, sau khi chấn chỉnh đội hình, Tiểu đoàn 312 được lệnh của cấp trên điều động hết thương binh tử sĩ về tuyến sau và rút ra khu vực vườn măng cụt ở Kỳ Hà phòng ngự, chiến đấu thêm 3 ngày nữa. Đến 23/4/1969, Tiểu đoàn mới rời trận địa hành quân về vùng Cái Ngang.

Từ trận đánh này, Tiểu đoàn 312 được Quân khu tặng danh hiệu “Trung dũng, kiên cường, thọc sâu, bám trụ” và được tặng thưởng Huân chương Huân công hạng ba.

TRUNG NGÔN

 (Viết theo tư liệu của Trung đoàn 3 và được lãnh đạo Tiểu đoàn 312 có tham chiến trận này góp ý, bổ sung)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh