Qua 5 năm (2011- 2015) thực hiện Chương trình hành động 05 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về "giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững", tỉnh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Qua 5 năm (2011- 2015) thực hiện Chương trình hành động 05 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về “giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững”, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Đời sống của người dân ngày càng từng bước nâng lên, khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp... tạo thêm niềm tin của người dân vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị xã hội.
Tỉnh tăng cường kêu gọi các nhà doanh nghiệp đầu tư về nông thôn để tạo thêm việc làm tại địa phương, giúp hộ nghèo tăng thu nhập. |
Dồn sức cho giảm nghèo
Thời gian qua, chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để chương trình này hiệu quả tỉnh đã tập trung nguồn lực trong công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cũng như thực hiện an sinh xã hội. Nhờ vậy, có rất nhiều hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cụ thể, các chính sách hỗ trợ cho người nghèo được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả tích cực. Đặc biệt, là việc sử dụng, phân bổ vốn vay kịp thời tạo điều kiện hộ nghèo phát triển sản xuất, có việc làm và nâng cao thu nhập.
Gia đình ông Trần Văn Thạnh (xã Hậu Lộc- Tam Bình) thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ vốn vay và sự giúp đỡ của chính quyền, các đoàn thể địa phương. Nhờ chịu khó, chí thú làm ăn mà kinh tế gia đình ngày càng cải thiện. Hiện, gia đình ông nuôi bò cùng với mua bán trái cây đã giúp cuộc sống thay đổi đáng kể.
5 năm qua, thông qua ủy thác từ các hội, đoàn thể, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 121.354 hộ nghèo, 45.337 lượt hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra, còn hàng chục ngàn lượt hộ được vay các chương trình khác như xuất khẩu lao động, chương trình học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, sản xuất kinh doanh… với tổng số vốn gần 2.261 tỷ đồng.
Ngoài việc trợ vốn, công tác đào tạo nghề, chuyển giao kiến thức mà cụ thể là các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đã phát huy hiệu quả giúp người dân có việc làm, tăng thêm thu nhập. 5 năm, tỉnh đào tạo nghề gần 67.500 lao động và giải quyết việc làm cho trên 137.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động được 2.447 người.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (xã Bình Ninh- Tam Bình) là hộ nghèo nhưng từ khi học nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ thì hàng tháng có thêm thu nhập 1,5- 2 triệu đồng. Hiện hộ chị đã thoát nghèo, con cái có thêm điều kiện học hành.
Bên cạnh đó, công tác chăm lo nhà ở, hỗ trợ vốn cho các đối tượng chính sách, các hộ khó khăn cũng được xem là một trong những nhiệm vụ then chốt. Tỉnh đã có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay.
Vận động các nguồn lực xã hội trên 1.387 tỷ đồng, trong đó quỹ “Vì người nghèo” 137 tỷ đồng, quỹ an sinh xã hội gần 1.250 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở, mua BHYT, vốn sản xuất... giúp hộ nghèo có việc làm và phát triển các loại hình trồng trọt chăn nuôi ổn định đời sống.
Một trong những đột phá của chương trình này là tiếp tục hỗ trợ cho hộ vừa thoát nghèo cũng được hưởng các chính sách như hộ nghèo trong một năm, được hỗ trợ nhà ở và hỗ trợ vay vốn trong ba năm để tiếp tục phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Được hỗ trợ căn nhà theo diện 167, chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Song Phú- Tam Bình) rất vui mừng. Không còn lo nhà ở, chị cố gắng buôn bán, làm ruộng để nuôi 2 con đi học. Chị cho biết: “Hiện gia đình tôi đã thoát nghèo, đứa con lớn cũng đi làm và có thu nhập ổn định”.
|
Qua 5 năm, toàn tỉnh kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10,23% năm 2011 xuống còn 2,43% năm 2015; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 6,17% xuống còn 3,29%. Giai đoạn 2011- 2015, toàn tỉnh giảm 7,8% hộ nghèo, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,56%; có 29.199 hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 2,88%, bình quân tỷ lệ giảm hộ cận nghèo gần 0,58%/năm. |
Lồng ghép chương trình với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội
Có thể khẳng định, chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015 được các cấp ủy Đảng, MTTQ, đoàn thể quan tâm thực hiện, tạo được sự đồng thuận của xã hội, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân đạt 1,56%/năm, chưa đạt kế hoạch đề ra (chỉ tiêu 2%). Song song đó, tỷ lệ hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới còn cao, trong 5 năm, có 5.708 hộ nghèo mới phát sinh, trong đó có 266 hộ tái nghèo.
Ngoài ra, một số hộ nghèo chưa thật sự chí thú làm ăn, còn trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Một số mô hình giải quyết việc làm có thể đem lại thu nhập cao nhưng thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Điển hình là công tác xuất khẩu lao động đạt thấp so với kế hoạch (50,98%), tuyển sinh dạy nghề tuy số lượng tăng nhưng ngành nghề đào tạo chưa phong phú, lao động tham gia học nghề trình độ cao còn ít, chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn, giải quyết việc làm sau đào tạo nghề còn khó khăn, chưa thật sự bền vững.
Theo điều tra chuẩn hộ nghèo mới giai đoạn 2016- 2020, toàn tỉnh có 17.405 hộ nghèo (chiếm 6,26%), hộ cận nghèo là 11.031 hộ (3,96%). Ngoài ra, còn 2.639 hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở. Đây là những thách thức đối với công tác giảm nghèo của tỉnh trong thời gian tới.
Ông Lê Quang Đạo- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh- đề xuất, thời gian tới, cần quan tâm đến chất lượng đào tạo nghề, tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư về nông thôn để giải quyết lao động tại địa phương.
Theo Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh- Lưu Thành Công, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, cần quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân để hộ nghèo tự lực vươn lên, không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước.
Để thực hiện Chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, cần tiếp tục phát huy cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Hộ nghèo chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. |
Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho biết, trong giai đoạn 2016- 2020, khi thực hiện công tác này, tỉnh sẽ lồng ghép kế hoạch dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.
Theo đó, ngoài việc vận động, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, các cấp ủy phải xây dựng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn 2016- 2020 và từng năm. Ngoài ra, cần xem việc thực hiện chỉ tiêu dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và là tiêu chí để đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền hàng năm.
|
Mục tiêu cụ thể về công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50% (có bằng cấp, chứng chỉ); hàng năm tạo việc làm mới cho 19.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị trong độ tuổi lao động còn dưới 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/năm. |
Bài, ảnh: THANH TÂM- CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin