Không ai ngoài cuộc với thực phẩm bẩn

10:04, 28/04/2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Bảo vệ ATTP cho người dân, người tiêu dùng cần phải có cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu từng bộ, ngành liên quan, người đứng đầu các địa phương với ATTP. 

Ngày 27/4/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến cả nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Ngay khi mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay việc mời cả bí thư, chủ tịch tất cả các tỉnh- thành dự họp bởi tính cần thiết và cực kỳ quan trọng của ATTP đối với mọi người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Bảo vệ ATTP cho người dân, người tiêu dùng cần phải có cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu từng bộ, ngành liên quan, người đứng đầu các địa phương với ATTP. “Phải đồng tâm hợp lực để có cách làm rõ nét nhất, tốt nhất, trách nhiệm nhất để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực này (ATTP)”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm cho người dân hiểu biết để có thái độ tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm cho người dân hiểu biết để có thái độ tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn.

Trước hết tập trung “quản” thực phẩm tươi sống

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Trưởng BCĐ Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm, tinh thần là nhìn thẳng vào vụ việc. Hội nghị hôm nay không là phân lại trách nhiệm cho bộ ngành nào, mà là thể hiện trách nhiệm đã được giao, đã được luật hóa để quản lý tốt lĩnh vực đảm bảo ATTP cho người dân.

Trước suy nghĩ “3 bộ quản bàn ăn”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát cho rằng nói như vậy cũng đúng, nhưng bây giờ đã có cách tiếp cận khác. “Đó là cách tiếp cận theo chuỗi. Cần xây dựng và thống nhất trách nhiệm với cách tiếp cận này, nâng cao nhiệm vụ các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP”- Bộ trưởng Cao Đức Phát đề xuất.

Không nói thêm về vai trò của ngành mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Có thể khẳng định đến nay thì chất cấm (salbutamol, vàng ô) chưa gây ung thư và không phải gây ung thư ngay khi ăn thực phẩm có chứa chất cấm này.

Nhưng về lâu dài, khi tiêu dùng sản phẩm có chứa các chất này, thì khả năng mắc các bệnh mãn tính là có. Còn kể từ khi rộ lên việc dùng các chất cấm này trong chăn nuôi, thì số vụ việc kiểm tra xử lý thực phẩm có chứa salbutamol hay ngộ độc thực phẩm phát hiện càng nhiều.

Đồng loạt các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và các địa phương có dân số đông, khách du lịch nhiều và các loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa dạng cũng có ý kiến về vấn đề này, cho thấy sự bức xúc trước vấn nạn vi phạm về ATTP.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đi ngay vào vấn đề: Việc chủ động phát hiện, chủ động xử lý vi phạm về ATTP chưa mạnh mẽ. “Xác định trách nhiệm chưa rõ ràng”- ông nói và bình luận thêm rằng “ai ăn cũng vui, cả làng đều vui!” khi hàng ngày đối mặt với thực phẩm bẩn.

Từ lý do không rõ trách nhiệm của ai, không xử lý ai trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, Bí thư Đinh La Thăng tiếp tục kiến nghị: tăng mức chế tài để răn đe vi phạm, không đẻ thêm giấy phép con.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: Chúng ta có chỉ thị của Chính phủ để triển khai đảm bảo ATTP sau hội nghị này.

Bởi ATTP liên quan đến giống nòi của dân tộc. Cả hệ thống chính trị, chính quyền, đoàn thể các cấp cùng vào cuộc, có biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện để trong việc này đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của Đảng, của nhân dân.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương trước hết tập trung chú ý vào những loại thực phẩm tươi sống: thịt, cá, rau, nước giải khát,... ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể con người, đời sống và sức khỏe nhân dân. Tập trung quản lý, giám sát từ sản xuất, buôn bán, tiêu dùng.

“Chúng ta phải làm cho người dân hiểu từ sản xuất, đến tiêu dùng, tố giác tội phạm, xử lý vi phạm về lĩnh vực ATTP. Bữa nay có các đồng chí bí thư tỉnh ủy ở đây, các đồng chí nhận thức rõ và chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo người dân được tiêu dùng thực phẩm an toàn”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

“Nóng” rau, thịt- ngộ độc... bánh mì, nước uống

Tại tỉnh Vĩnh Long, báo cáo của BCĐ liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh những tháng đầu năm 2016 cho thấy: Đa số các bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống có nhiều chuyển biến tích cực trong đảm bảo vệ sinh ATTP.

Có 2.416 cơ sở được các đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua (trước, trong, sau tết và mùa lễ hội xuân 2016), phát hiện trên 500 cơ sở vi phạm (hơn 21%). Trong 14 bếp ăn tập thể qua kiểm tra thì cả 14 cơ sở không có vi phạm nhưng chỉ kiểm tra 1 cơ sở suất ăn sẵn thì lại có vi phạm.

Trong năm qua, Vĩnh Long cũng có 3 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì thịt, bánh mì pa-tê, chả lụa (2 vụ) và ăn mắm tép tại gia đình. Có 60 người mắc, trong đó 51 người chuyển bệnh viện, không có tử vong.

Và năm nay đã có 1 vụ ngộ độc nước uống nguyên nhân được ngành chức năng xác định do nhiễm vi sinh (E.Coli) tại thị trấn Trà Ôn làm 8 người mắc do uống nước đá lạnh để qua đêm.

Năm nay, Tháng hành động vì ATTP tiếp tục với chủ đề “nóng” về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.

Có thể nói, nguy cơ ngộ độc thực phẩm với bất kỳ món ăn, thức uống nào và bất cứ nơi đâu vẫn hàng ngày tiềm ẩn, chực chờ xảy ra. Bởi đôi khi ở góc độ vĩ mô, chúng ta dành sự chú tâm nhiều với rau, thịt mà “bỏ sót” sự coi ngó tới các thực phẩm ăn, uống bình thường đối với mọi người dân.

 

  •  
    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương trước hết tập trung chú ý vào những loại thực phẩm tươi sống: thịt, cá, rau, nước giải khát,... ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể con người, đời sống và sức khỏe nhân dân.
  • Tập trung quản lý, giám sát từ sản xuất, buôn bán, tiêu dùng: “Chúng ta phải làm cho người dân hiểu từ sản xuất, đến tiêu dùng, tố giác tội phạm, xử lý vi phạm về lĩnh vực ATTP. Bữa nay có các đồng chí bí thư tỉnh ủy ở đây, các đồng chí nhận thức rõ và chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo người dân được tiêu dùng thực phẩm an toàn”.

 

vBài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh