Đưa đò ngang- cần đảm bảo an toàn

09:04, 12/04/2016

Vĩnh Long có hệ thống sông rạch chằng chịt nên người dân thường sử dụng đò ngang để qua sông. Bên cạnh phương tiện là phà, đò lớn hiện vẫn còn một số nơi sử dụng ghe tam bản, xuồng để đưa đò. Việc đảm bảo an toàn khi lưu thông trên các phương tiện này là điều hết sức cần thiết.

Vĩnh Long có hệ thống sông rạch chằng chịt nên người dân thường sử dụng đò ngang để qua sông. Bên cạnh phương tiện là phà, đò lớn hiện vẫn còn một số nơi sử dụng ghe tam bản, xuồng để đưa đò. Việc đảm bảo an toàn khi lưu thông trên các phương tiện này là điều hết sức cần thiết.

Dù đưa đò với bất cứ hình thức nào, phương tiện cần được trang bị phao cứu sinh để đảm bảo an toàn cho hành khách. Ảnh chụp bến đò ngang sông Cái Vồn- TX Bình Minh.
Dù đưa đò với bất cứ hình thức nào, phương tiện cần được trang bị phao cứu sinh để đảm bảo an toàn cho hành khách. Ảnh chụp bến đò ngang sông Cái Vồn- TX Bình Minh.

Nỗi lo đưa đò bằng ghe, xuồng

Đưa đò bằng ghe, xuồng… là hình ảnh quen thuộc ở vùng sông nước, xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người dân. Hiện nay, dù các con đò này không còn nhiều, nhưng ở một số địa phương vẫn có và ẩn chứa nhiều nỗi lo.

Một trong số đó là điểm đưa đò tại chợ Cái Vồn (TX Bình Minh) với hàng chục phương tiện là những chiếc xuồng chèo, xuồng máy. Những phương tiện này đưa rước khách qua lại giữa đoạn sông từ phường Đông Thuận, xã Mỹ Hòa, phường Cái Vồn (TX Bình Minh) từ giờ cao điểm là sáng sớm cho đến chiều tối.

Đa số lái đò tại đây là phụ nữ, dù vậy hầu hết các đò đều không hề có phao cứu sinh hoặc dụng cụ nổi. Những lúc nước lớn, dòng chảy khá xiết, trong khi khách qua sông có cả trẻ em, điều này cho thấy nguy hiểm luôn chực chờ nếu xảy ra tai nạn.

Nhất là các chuyến đò băng qua sông Cái Vồn ngay đoạn ngã ba sông. Đây là đoạn sông rộng, lại cắt ngang luồng tàu, ghe và xà lan trọng tải lớn lưu thông qua lại khá nhiều.

Trong khi đó, một số lái đò thường có tâm lý chủ quan- không quan sát kỹ mà hối hả điều khiển phương tiện đón và trả khách nhanh chóng để tranh thủ đưa lượt tiếp theo. Riêng người dân sống tại khu vực này cho biết họ vẫn lựa chọn cách qua sông bằng đò vì “đi đò nhanh hơn thay vì phải đi đường vòng qua cầu”.

Với người dân vùng sông nước, đưa đò cũng là công việc có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, lại ít ai quan tâm để đảm bảo an toàn cho hành khách qua sông, dù có một số người đưa đò vào cả buổi tối.

Qua tìm hiểu tại một bến đò ở huyện Mang Thít, chúng tôi được biết chị K. là một trong số ít người đưa đò ban đêm. Chị cho biết mỗi đêm, vào lúc phà ngừng phục vụ (22 giờ) là chị điều khiển chiếc ghe đưa rước khách cho đến sáng hôm sau.

Có những đêm ngoài chở người đi bộ, chị K. chở thêm cả xe máy, mỗi lần di chuyển phương tiện lên- xuống đò rất vất vả, hoặc có khi gặp phải hành khách say xỉn, ngồi không vững khiến chiếc ghe cũng lắc lư theo.

Đó là chưa kể đoạn sông này rất rộng và tàu tải trọng lớn thường chạy qua, nếu đêm tối không quan sát kỹ hoặc chỉ một chút lơ là, sẽ rất dễ xảy ra tai nạn.

Ý thức được điều này, chị K. trăn trở: “Nhà nghèo, lại không có ruộng đất, còn lo cho mấy đứa nhỏ nên tui không thể đi làm xa, chỉ biết đưa đò ban đêm để có tiền nuôi gia đình. Nếu có điều kiện để làm công việc khác thì tui sẽ không đưa đò nữa vì thức đêm mệt lắm”.

Có thể thấy, việc đưa rước khách qua sông bằng các phương tiện như ghe, xuồng dù thuận tiện nhưng luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, nhất là khi chủ phương tiện chủ quan hoặc không có kỹ năng xử lý những tình huống bất ngờ.

Cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra

Ghi nhận lại thực tế tại một số bến đò trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy việc tuân thủ các quy định về an toàn chưa được chấp hành nghiêm, như việc trang bị áo phao sơ sài, mang tính hình thức để đối phó lực lượng chức năng. Còn hành khách, không ai mặc áo phao khi qua sông, lý do mà họ đưa ra là áo dơ, mặc vào rất nóng,...

Đối với các đò nhỏ thì “cực chẳng đã tui mới làm cái nghề này để kiếm đồng ra đồng vô xoay xở cuộc sống, lấy tiền đâu mua áo phao”- một lái đò ngụ tại phường Đông Thuận (TX Bình Minh) cho biết.

Theo Thông tư số 15/2012 của Bộ GTVT, quy định về trang bị, sử dụng áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân thì chủ phương tiện vận tải ngang sông phải đáp ứng đủ số lượng áo phao, vật nổi cứu sinh cho tất cả mọi người trên phương tiện.

Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này vào thực tế lại gặp một số khó khăn. Chẳng hạn, theo nhiều chủ đò ở các bến đò lớn, mỗi chuyến đò hành khách rất đông, nếu yêu cầu tất cả phải mặc áo phao sẽ không đủ thời gian hoặc không đủ áo phao.

Đối với những bến đò nhỏ thì cũng “không đủ thời gian để mặc áo phao” vì khoảng cách giữa hai bờ sông ngắn, chưa kịp mặc vào thì đã cởi ra…

Theo các ngành chức năng, thời gian qua, ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy đến chủ phương tiện và người dân, đã tăng cường tuần tra, giám sát hoạt động tại các bến đò và xử lý những trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông trên các phương tiện. Nguyên nhân do ý thức chấp hành của người dân và chủ phương tiện chưa cao.

Đó là chưa kể một số bến đò ngang hoạt động tự phát, không bến, không giờ giấc, khách có nhu cầu là phục vụ nên rất khó kiểm tra, xử phạt.

Thiết nghĩ, thời gian tới, các ban, ngành địa phương cần tăng cường rà soát và kiểm tra, quản lý chặt chẽ số lượng cũng như hoạt động của các bến đò ngang trên địa bàn, xử phạt những trường hợp vi phạm.

Bên cạnh, chính quyền địa phương cần quan tâm và tạo điều kiện cho những đối tượng đưa đò nhỏ muốn chuyển đổi nghề hoặc hỗ trợ, tạo điều kiện giúp họ trang bị, nâng cấp phương tiện an toàn hơn.

Mỗi đò cần trang bị số lượng áo phao, dụng cụ nổi tương ứng với tải trọng cho phép và phải đặt ở những nơi dễ lấy.

Đồng thời, tổ chức những buổi tập huấn, tuyên truyền về an toàn giao thông để chủ phương tiện nâng cao ý thức, chấp hành tốt các quy định trong hoạt động đưa rước khách.

Bài, ảnh: PHẠM TẤN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh