Thương nhớ mênh mông...

08:04, 09/04/2016

Mùa lũ, đồng nước mênh mông như biển rộng. Chiếc xuồng máy rẽ sóng băng băng, những cây tràm vàng lút đọt, bông điên điển lướt sà trên mặt nước và những đóa sen hồng kiêu hãnh thắp sáng trời chiều…

Mùa lũ, đồng nước mênh mông như biển rộng. Chiếc xuồng máy rẽ sóng băng băng, những cây tràm vàng lút đọt, bông điên điển lướt sà trên mặt nước và những đóa sen hồng kiêu hãnh thắp sáng trời chiều…

Giữa mùa nắng cháy, tôi bỗng quay quắt nhớ Đồng Tháp Mười, nhớ vùng “rốn lũ” của miền Tây Nam Bộ.

Những kế hoạch tăng vòng quay của đất, làm thêm lúa vụ ba, rồi đắp đê bao… trong những năm qua, đã khiến cho nhiều người dân và cán bộ vùng lũ từng hồ hởi khoe “bây giờ trồng rau, sạ lúa ngon lành ngay giữa mùa lũ”.

Song, theo chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện, khu vực hạ lưu sông Mekong được thiên nhiên thiết kế rất tài tình với 3 “túi điều hòa nước”. Cụ thể, Campuchia có biển Hồ (Tonle Sap) và Việt Nam có hai vùng trũng tự nhiên là Đồng Tháp Mười rộng 700.000ha phía tả ngạn và tứ giác Long Xuyên rộng khoảng 590.000ha, phía hữu ngạn.

Hàng năm, khi lũ sông Mekong từ thượng nguồn đổ về đến Campuchia, nước sẽ chảy vào biển Hồ, khiến diện tích hồ từ 300.000ha trong mùa khô lên tới 1,5 triệu héc ta vào mùa nước và chảy tiếp xuống vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, làm cho 2 vùng này ngập sâu 3- 4m nước.

“Chính 3 túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL, “cất giữ” bớt nước cho mùa lũ, để rồi “nhả” nước ra, bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu, giúp đẩy mặn vùng ven biển trong mùa khô”- chuyên gia cho biết.

Thế nên việc bao đê ngăn lũ đã khiến cho hệ thống sông Mekong không còn theo quy luật tự nhiên. Không vào được ruộng, không tỏa ra được khắp cánh đồng nên nước lũ trở nên hung hãn, chảy miết, kéo theo đôi bờ sạt lở rồi lao thẳng ra biển.

Còn mùa khô- 2 túi nước khổng lồ này không có nước để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu cũng không thể đẩy nước biển dâng. Xâm nhập mặn càng vào sâu hơn. Chỉ tính riêng “túi nước” tứ giác Long Xuyên từ 9,2 tỷ mét khối nước (năm 2000) xuống chỉ còn 4,5 tỷ mét khối /năm 2011.

Giờ đây, giữa những ngày hạn, mặn nghe nơi này, nơi nọ tính chuyện xây hồ chứa nước cho xã, cho huyện… cảm thấy lo lo. Bởi dường như, đang bỏ chuyện lớn để đi làm chuyện nhỏ.

Nước ngọt là sự sống còn của miền Tây Nam Bộ- rất cần được đánh giá đúng tầm vóc.

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh